16/01/2025 lúc 20:00 (GMT+7)
Breaking News

Phật Ngọc Xá Lợi & Người tiếp nối hành trình thiện nhân

VNHN - Về với Phật Ngọc Xá Lợi là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng thiên nhiên và nguồn cội, nhất là khi được thắp lên ngọn nến của tuệ giác, là nguồn khai sáng và cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc ...

VNHN - Tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật là nét đặc trưng tuyệt diệu đã soi sáng bước chân hành đạo của hàng ngàn đệ tử Phật trên bước đường truyền giáo ở khắp năm châu nói chung và đặc biệt ở đất nước Việt Nam chúng ta thì tinh thần vô ngã vị tha đã thể hiện được đậm nét và ghi lại dấu ấn son sắt trong lịch sử của dân tộc ta.

Đạo Phật đã hoà nhập vào xã hội Việt Nam mật thiết vô cùng, tạo thành một dòng chảy sống động bất khả phân ly, nơi đó đạo Phật cùng đất nước và dân tộc Việt Nam là một.

Cổng tam quan Chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Vì thế trên con đường "đồng lao cộng khổ" cùng dân tộc, từ thời kỳ lập quốc của đất nước chúng ta cho đến nay, trải qua suốt chiều dài lịch sử, khi gian khó cũng như lúc vinh quang, Phật giáo luôn có mặt như người bạn đồng hành thân thiết với dân tộc Việt Nam. Cho nên hình ảnh ngôi chùa đã đi vào tâm thức của dân tộc Việt Nam:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Chỉ hai câu thơ ngắn gọn ấy thôi, nhưng nó làm sáng lên hình ảnh hồn thiêng dân tộc đang hiện lên mang đậm dấu ấn dưới mái chùa Phật Ngọc Xá Lợi (287 Tân Ngãi, Tp. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), một ngôi chùa thể hiện đậm nét văn hoá dân tộc của ba miền.

Ngày 9-5-1971, công trình Bảo tháp Xá lợi Miền Tây được khởi công xây dựng, theo thiết kế 10 tầng với chiều cao 49m. Mục đích của việc xây dựng nhằm nói lên sự hiện diện của đạo Phật, tạo hình ảnh cụ thể giúp mọi giới Phật tử các tỉnh miền Tây nghiên cứu giáo lý của Đức Phật. Đến tháng 4-1975, do hoàn cảnh khách quan, việc thi công phải tạm dừng.

Theo dòng chảy vô thường của thời gian, Thượng tọa Thích Phước Hạnh tiếp bước về làm trụ trì, tiếp tục công việc hoằng dương Phật Pháp và giáo hóa chúng sinh. Việc đầu tiên là Thầy tu sửa chánh điện, mặt tiền Phật Ngọc Xá Lợi cho thêm phần khang trang, sáng sủa đồng thời tôn trí mới gần như toàn bộ các pho tượng từ Đức Bổn Sư, Dược Sư, Hộ Pháp, Tiêu diện…. Phật Ngọc Xá Lợi ngày nay đã và đang phát triển về mọi mặt như tiếp tăng độ chúng, đào tạo tăng tài, mở rộng quy mô kiến trúc để ngày càng trang nghiêm thanh tịnh.

Thượng tọa. Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng Ban thường trực GHPHVN tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì Chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Tiếp nối truyền thống bao đời của Phật giáo, kế thừa và phát huy chánh pháp của Đức Như Lai, TT. Thích Phước Hạnh luôn chú trọng công tác Phật sự tại chùa. Vào các ngày lễ lớn như Rằm tháng giêng, Phật Đản, Vu Lan, lễ húy kỵ …với hàng ngàn Phật tử và chư tôn đức Tăng, Ni về tham dự.

Những ai từng cất bước tới chùa đều không thể quên những lời dạy, chỉ bảo rất đời thường mà lại vô cùng ứng nghiệm từ những buổi tọa đàm, giảng pháp. Được đúc kết từ những kinh nghiệm sống, từng trải và cảm nghiệm của bản thân, những người con Phật sẽ luôn cảm thấy giải đáp được tất cả những khúc mắc trong lòng và thân tâm an lạc từ những lời khuyên, chỉ bảo mộc mạc mà gần gũi nhưng không kém phần uyên thâm của Thượng tọa Thích Phước Hạnh.

Xuất phát từ tâm nguyện và tấm lòng bao la, bao nhiêu năm tu hành là bấy nhiêu năm Thầy gắn mình với các hoạt động như giáo dục Tăng Ni sinh, từ thiện xã hội và công việc nhân đạo. Thầy thường xuyên thực hiện các chuyến cứu trợ, ủng hộ đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa tặng gạo, mì, nước tương, áo ấm…

Bên cạnh đó, Thượng tọa đã tạo được nhiều sân chơi bổ ích, thu hút hàng ngàn Phật tử đến sinh hoạt trong khuôn viên chùa. Tinh thần từ bi và trí tuệ thể hiện qua những hoạt động Phật sự đơn giản đã đi vào cuộc sống và lòng người, chỉ bằng những việc làm tuy nhỏ bé mà hết sức hữu ích. Bởi một lẽ, trong không gian thiền tự trang nghiêm trầm mặc khác xa với cuộc sống xô bồ bên ngoài, lòng người dễ lắng lại. Và, bên lời kinh tiếng mõ chuyên chở bao điều răn dạy của nhà Phật, những cuốn sách nhỏ có nội dung trong sáng sẽ cộng hưởng khiến nhân cách con người được phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.

Toàn cảnh Chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Buổi chiều những ngày tháng giêng như về muộn hơn, ánh nắng cuối ngày vẫn rực rỡ. Đứng ở nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hoà quyện với khói trầm hương thơm ngát, ai cũng cảm thấy thanh thản. Tiếng chuông chùa nhẹ nhàng văng vẳng như muốn nhắn nhủ thông điệp của Thượng tọa Thích Phước Hạnh gửi gắm: “Đôi lúc, điều con người cần chỉ là một nơi để bấu víu khi bị hụt hẫng, một chỗ để giải bày tâm sự khi cuộc sống gặp “giông bão”, khó khăn. Nếu ta đáp ứng được điều đó thì cái ác trong xã hội ắt hẳn sẽ giảm đi và cái tốt sẽ được nhân lên”.

Một ngày ở Phật Ngọc Xá Lợi là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng, bình yên. Mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời, cái giới hạn của không gian và thời gian dường như tan biến, để thay vào đó là sự thanh tịnh, yên bình. Về với Phật Ngọc Xá Lợi là tìm về chính mình; nơi đây con người được yêu thương và sẻ chia, được sống cùng thiên nhiên và nguồn cội, nhất là khi được thắp lên ngọn nến của tuệ giác. Tuệ giác là nguồn khai sáng và cho cuộc đời hướng về giá trị của an vui và hạnh phúc, nơi nào được thắp sáng bằng tuệ giác nơi đó có hạnh phúc, có tình thương và hoà bình.

Nguyễn Cường