07/11/2024 lúc 16:56 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển

Trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng xây dựng văn hóa an toàn cho người lao động để doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa giảm thiểu đến mức tối đa sự gián đoạn, đứt gãy quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa - Internet

Công nghiệp hóa gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (khoảng cuối thế kỷ XVIII, khởi nguồn từ nước Anh). Lịch sử phát triển của nhân loại đã đi qua ba cuộc Cách mạng công nghiệp và nay đang vô cùng sôi động, kỳ diệu ngay từ những năm đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, từ thực tiễn đất nước ta, ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng chủ trương cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xem đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong đường lối, chính sách của Đảng. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VII xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”[1]. Khi xác định mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]. Giờ đây trước bối cảnh và xu thế mới (cả trong nước và thế giới), công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với phát triển kinh tế tri thức, phải trên nền tảng của tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng suốt đó, cùng với hành lang pháp lý thông thoáng được bảo đảm bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… và chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế, đa dạng các hình thức sở hữu được khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), số lượng doanh nghiệp ở nước ta (thuộc cả 3 loại hình: doanh nghiệp khu vực Nhà nước, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) phát triển nhanh chưa từng có. Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động gần 15 triệu người, tăng hơn 35% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… nước ta còn có hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất và kinh doanh thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển của doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng hàng đầu, là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước những năm qua (năm 2019: 7,02%; năm 2020, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương gần 3%).

Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đến nay, chúng ta phải đối mặt với bốn đợt dịch bệnh, hơn 11 triệu người mắc bệnh, hơn 43 nghìn người đã tử vong. Khủng hoảng COVID-19 là một thảm họa toàn cầu (Việt Nam cũng không là ngoại lệ), để lại những hệ luỵ chưa từng có, thách thức tất cả các quốc gia, không loại trừ quốc gia phát triển hay chậm phát triển. Đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do địa dịch COVID-19 gây ra, không ít doanh nghiệp sau nhiều ngày chống chọi quyết liệt với dịch bệnh cũng phải tạm thời lùi bước. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 55 nghìn, hơn 16 nghìn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, 48 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

Tuy nhiên, đứng trước những thách thức vô cùng cam go, khó lường, nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững và phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.611 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gồm 855 nghìn người. 6 tháng đầu năm 2022 có 11 nghìn doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động. Kết quả đó, trước hết là do Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng suốt kịp thời trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn xã hội phòng chống đại dịch. Có thể dẫn ra đây một số văn kiện quan trọng như: Kết luận số 25 - KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023), Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hậu quả dịch COVID-19”, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đối với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra bước đột phá về thời cơ, biến thách thức thành cơ hội đổi mới sáng tạo để phát triển trong trạng thái bình thường mới. Đó là xét về mặt khách quan. Còn về chủ quan, không thể bỏ qua những yếu tố nội lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy nhân văn, trong đó có yếu tố văn hoá doanh nghiệp. Điều này càng được khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ tại Hội Nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày 11/8/2022.

Quan niệm về “văn hóa doanh nghiệp” đến nay cũng còn một số ý kiến chưa thống nhất. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản nhất, văn hóa doanh nghiệp là các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu văn hóa do doanh nghiệp xây dựng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trở thành bản sắc của doanh nghiệp, định hướng, dẫn dắt mọi thành viên tin tưởng, suy nghĩ, hành động đúng đắn, sáng tạo nhằm phát triển doanh nghiệp theo những triết lý và mục tiêu tốt đẹp đã đề ra.

Văn hóa doanh nghiệp thể hiện trong triết lý kinh doanh, mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp, trong cung cách quản lý (quy chế, quy định của doanh nghiệp), trong các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của doanh nghiệp, trong chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trong chất lượng nguồn nhân lực (cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động,…). Nhìn bề ngoài, văn hóa doanh nghiệp thể hiện trong cảnh quan môi trường, trong cách bố trí các hạng mục công trình, các xưởng sản xuất, đường đi lối lại, khuôn viên, các điểm sinh hoạt văn hóa của người lao động. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra sự hài hòa của không gian văn hóa, môi trường văn hóa nhân văn mà ở đó các chủ thể văn hóa được làm việc, cống hiến, tìm thấy ở đó lẽ sống, mục đích, phẩm giá, nguồn hạnh phúc của chính mình. Vì thế có thể nói văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô cùng quý giá, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh để phát triển doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua cuồng phong dữ dội với sức tàn phá kinh hoàng chưa từng có bằng chính sức mạnh của các giá trị văn hóa doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã giữ vững sản xuất, kinh doanh bằng tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái, tuân thủ kỷ luật lao động, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, phương thức sản xuất, phát huy ý chí tự lực, tự cường, nuôi dưỡng khát vọng, niềm tin chiến thắng dịch bệnh để đưa doanh nghiệp “vượt bão” với các sản phẩm có chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp “ba tại chỗ”, “bốn tại chỗ”, triệt để tuân thủ 5K, thích ứng với trạng thái bình thường mới để sản xuất, tăng doanh thu, nâng cao đời sống mọi mặt của người lao động. Vì thế, Ngân hàng thế giới (WB) có đầy đủ cơ sở và niềm tin để dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 5,5%. Những doanh nghiệp không trụ lại được trong đại dịch COVID-19 có nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan), song nguyên nhân chủ quan là chính. Có một thực tế là đa số các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực cũng có nhiều hạn chế, quy mô sản xuất không lớn; nhiều doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại, thị trường bị thu hẹp thì không thích ứng kịp dẫn đến đình trệ sản xuất, kinh doanh, người lao động thu nhập thấp. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa năng động, sáng tạo, dễ làm, khó bỏ, lúng túng trong việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, thiếu liên kết thành chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Một bộ phận không nhỏ người lao động tay nghề thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, đứng trước khó khăn trước mắt đã không vượt qua được nên rời bỏ doanh nghiệp.

Nhờ Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương vào cuộc với tinh thần chống dịch như chống giặc, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, đặc biệt là việc tổ chức các chiến dịch tiêm vaccine, nên cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Sau đại dịch có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, song vấn đề cơ bản và cấp bách là làm thế nào để phục hồi và phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, bền vững, góp phần thực hiện chỉ tiêu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định (tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm) và chỉ tiêu cụ thể tăng trưởng GDP từng năm do Quốc hội thông qua.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đã hàm ý khẳng định trong đó vai trò to lớn của văn hóa doanh nghiệp. Trong điều kiện bình thường mới, hơn lúc nào hết, mỗi doanh nghiệp tùy thực tiễn của mình mà có triết lý kinh doanh riêng, mang bản sắc doanh nghiệp, song tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng triết lý kinh doanh của mình trên cơ sở tầm nhìn và triết lý chung là “chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, “Lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau đây:

Một là, đối với Nhà nước

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 25 - KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch COVID-19 và các nghị quyết, chương trình hành động liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành và triển khai các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp sau đại dịch có thể ổn định, thậm chí mở rộng sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần ban hành các chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp có động lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 “tàn phá” các doanh nghiệp, gây tổn hại nền kinh tế một cách khủng khiếp, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu nhân công, thị trường bị co gọn lại nên đã bị suy giảm năng lực sản xuất, kinh doanh 50 - 60%, giảm doanh thu so với trước đại dịch. Vì vậy rất cần những chính sách cụ thể, chẳng hạn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hạ lãi suất cho doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ., gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch (tiền thuê nhà, vay vốn…).

Bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, nhân văn đó, Nhà nước không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, mà còn tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các loại hình doanh nghiệp vững tin mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cũng cần chủ động, lắng nghe, “bắt mạch” để biết “sức khỏe” của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần chú ý công tác dự báo tình hình để các doanh nghiệp không bị động trước tác động của ngoại cảnh. Ở đây, chúng ta thấy rất rõ vai trò “bà đỡ mát tay” của Nhà nước đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, tạo tiền đề để nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân.

Hai là, đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp - chủ thể quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp, giữ vai trò quyết định trong việc văn hóa doanh nghiệp có trở thành điểm tựa cho việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 hay không. Để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành điểm tựa cho việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, doanh nghiệp phải đa dạng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động về văn hóa doanh nghiệp, vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong việc tham gia vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chỉ khi nào mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về văn hóa doanh nghiệp, vai trò của văn hóa doanh nghiệp, thực sự trở thành người sáng tạo, làm chủ và hưởng thụ những giá trị của văn hóa doanh nghiệp, nghĩa là trở thành những nhân cách văn hóa thì khi đó văn hóa doanh nghiệp mới trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Vì thế vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ đông đảo những người lao động có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Chúng ta cần một đội ngũ doanh nhân, một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp có bản sắc văn hóa với lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự cường dân tộc, có trí tuệ ngang tầm thời đại, có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm, tuân thủ pháp luật trong nước và hiểu biết luật pháp quốc tế, liêm chính trong sản xuất, kinh doanh, có khát vọng mãnh liệt vươn lên làm giàu cho doanh nghiệp, cho đất nước, luôn đồng hành cùng người lao động và có trách nhiệm xã hội cao, có đạo đức, văn hóa sản xuất, kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và mọi biểu hiện phi văn hóa. Đối với người lao động, phải học hành sáng tạo suốt đời, không ngừng nâng cao tay nghề, tự giác, kỷ cương, kỷ luật lao động, cần, kiệm, trách nhiệm cao, lấy chất lượng sản phẩm mình làm ra là thước đo chủ yếu để đánh giá nhân cách văn hóa của mình.

Doanh nghiệp phải có những giá trị cốt lõi thể hiện tầm nhìn chiến lược, quy chế, quy định chặt chẽ mà không trái luật, trên cơ sở đó tạo nên sự đoàn kết, nhất trí cao, trên dưới một lòng, tạo nên tiếng nói chung để gắn kết mọi người cùng hợp tác, đi cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra. Sự đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau cũng là một loại “vaccine” để doanh nghiệp nói riêng, đất nước ta nói chung chiến thắng dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững. Đó cũng là một nét đẹp vốn là truyền thống lâu đời trong văn hóa Việt Nam.

Để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành một điểm tựa cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhất thiết doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp phải chủ động áp dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đáng chú ý là dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… để cắt giảm chi phí vận hành, thay đổi phương thức quản lý, điều hành, quy trình làm việc, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nguyên liệu đầu vào, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên những sản phẩm thông minh, thương hiệu truyền thống và thương hiệu mới của doanh nghiệp và của đất nước.

Trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng xây dựng văn hóa an toàn cho người lao động để doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa giảm thiểu đến mức tối đa sự gián đoạn, đứt gãy quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện có hiệu quả những giải pháp nêu trên là cách thức hiệu quả để chúng ta xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để văn hóa doanh nghiệp trở thành yếu tố bên trong thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển không chỉ của doanh nghiệp mà là của kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.

TS. Nguyễn Văn Thắng

Giảng viên Cao cấp, Viện Văn hóa và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1994, tr.65

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.35-36

...