Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở Việt Nam
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ở phần “Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại” xác định: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”(1). Đại hội XIII của Đảng khẳng định nền kinh tế độc lập, tự chủ Việt Nam có những điểm nhấn đặc trưng: “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường...”(2); có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”(3); các chủ thể kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường; Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội...
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Trong nền kinh tế độc lập, tự chủ Việt Nam, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(4). Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, “vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””(5). “Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường... Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”(6).
Kinh tế nhà nước (KTNN) được hiểu bao gồm các cấu thành sau: 1- Bộ phận doanh nghiệp gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần vốn chi phối; 2- Bộ phận phi doanh nghiệp, ngoài các tài sản thuộc sở hữu nhà nước còn bao gồm cả đất đai, rừng, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia...
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lực lượng vật chất quan trọng của KTNN, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần dẫn dắt, tạo động lực cho khu vực ngoài nhà nước phát triển. Theo báo cáo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, khối DNNN đang nắm giữ tổng tài sản là 9,93 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của DNNN là 2,81 triệu tỷ đồng và các ngân hàng là 7,12 triệu tỷ đồng(7). Các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp Trung ương (tính đến tháng 10-2022) gồm: 9 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 20 tổng công ty (TCT), 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước; với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc.
Hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp do Ủy ban quản lý
Các chủ trương và định hướng phát triển KTNN và DNNN được thể hiện rõ nét trong quá trình chỉ đạo và quản lý các DNNN, đặc biệt là tại 19 tập TĐ và TCT do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý kể từ năm 2018. Sau 5 năm hoạt động, công tác quản lý các DNNN của Ủy ban với vai trò đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Một là, Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn nhà nước; sắp xếp, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; ban hành và triển khai nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, giám sát tài chính doanh nghiệp, các dự án đầu tư, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, công tác cán bộ đối với TĐ, TCT để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, Ủy ban chỉ đạo các TĐ, TCT xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cố gắng bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, các cân đối lớn; đẩy mạnh đầu tư vào các dự án quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng (điện, than, dầu khí, xăng, dầu), hạ tầng giao thông quốc gia (đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển), chuyển đổi số, viễn thông và công nghệ thông tin, vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển), cung ứng các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (than, lọc hóa dầu, khai thác và chế biến khí, hóa chất cơ bản, luyện thép,...).
Ba là, Ủy ban thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất, được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện.
Bốn là, Ủy ban tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhiều dự án đầu tư lớn(8); trong đó, có 10 dự án quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ nhiều năm, với tổng mức đầu tư đạt khoảng 259 nghìn tỷ đồng.
Năm là, đến nay, 19 TĐ, TCT có tăng trưởng tốt, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội; qua đó cho thấy, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là cần thiết.
Vai trò của các DNNN do Ủy ban quản lý ngày càng được thể hiện rõ nét, từ quy mô vốn và tài sản đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào hiệu quả, đầu tư có trọng điểm, có tính lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Nổi bật trên các mặt sau:
Vốn, tài sản và đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.
Tổng vốn chủ sở hữu của 19 TĐ, TCT đến cuối năm 2022 tăng lên mức 1,173 nghìn tỷ đồng(9) (cuối năm 2018 là 1.000.042 tỷ đồng); trong đó của công ty mẹ là 955 nghìn tỷ đồng (cuối năm 2018 ở mức trên 970 nghìn tỷ đồng). Tổng tài sản hợp nhất là 2.445 tỷ đồng(10) (năm 2018 là 2.000.360 tỷ đồng), trong đó của công ty mẹ là 1.636 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31-12-2021, 19 TĐ, TCT đã đầu tư vào tài sản dài hạn là 1.036 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 nghìn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 nghìn 211 tỷ đồng).
Năm 2023, tổng hợp kế hoạch do 19 TĐ, TCT xây dựng, tổng vốn chủ sở hữu (hợp nhất) tiếp tục gia tăng, ở mức 1.168 nghìn tỷ đồng(11) và phần quỹ chưa điều chuyển khoảng 8 nghìn tỷ đồng (sẽ điều chuyển về quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo quy định); tổng vốn khoảng 1.176 nghìn tỷ đồng, tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước năm 2023 ít nhất là 160 nghìn 549 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất là 2.459 nghìn tỷ đồng(12), tăng 14,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (do hình thành mới tài sản từ nguồn đầu tư).
Nguồn vốn và tài sản phân bổ tại 19 TĐ, TCT và 479 công ty con và 368 công ty liên kết, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, 16 ngành kinh tế kỹ thuật. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (chiếm khoảng 80%), hạ tầng giao thông (chiếm hơn 10%) từ nhiều nguồn vốn (bao gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, vốn đầu tư công) là các lĩnh vực trọng điểm cần có vai trò chủ đạo của các DNNN.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp tiếp tục được củng cố.
Các TĐ, TCT đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn, nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội(13). Mặc dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi đại dịch COVID-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, có doanh nghiệp phát sinh lỗ, nhưng các TĐ, TCT đều đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị được giao. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hằng năm đều tăng trưởng(14). Hoạt động đầu tư được đẩy mạnh thực hiện; trong đó, có nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số là các lĩnh vực quan trọng, cần có sự dẫn dắt, lan tỏa của các DNNN.
Hiệu quả hoạt động hằng năm của 19 TĐ, TCT về cơ bản luôn được duy trì và cải thiện. Giai đoạn 2016 - 2020, các TĐ, TCT đã thực hiện tổng vốn đầu tư là 976.636 tỷ đồng; trong đó, 633.060 tỷ đồng vốn tự có (67,4%), 298.384 tỷ đồng vốn vay (31,8%), 7.206 tỷ đồng vốn khác (0,8%)(15). Giai đoạn 2018 - 2022 (chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), 19 TĐ, TCT đã phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B; một số đã đạt giá trị đầu tư khá lớn là: EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.
Năm 2022, hợp nhất các TĐ, TCT đã thực hiện đầu tư đạt gần 156.500 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực năng lượng (điện, than) đạt gần 126 nghìn tỷ đồng (chiếm 80,47%); xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, logistics) đạt gần 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,61%); viễn thông và công nghệ thông tin (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) đạt gần 12.500 tỷ đồng (chiếm 7,88%); sản xuất công nghiệp đạt 650 tỷ đồng (chiếm 0,42%); vận tải hành khách (hàng không, hàng hải) đạt 83 tỷ đồng (chiếm 0,05%); sản xuất nông, lâm nghiệp (giống lâm nghiệp, chế biến gỗ, chế biến nông sản, trồng cà-phê) đạt 897 tỷ đồng (chiếm 0,57%). Một số TĐ, TCT đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, điển hình, như PVN, VNPT, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG),...
Dự kiến năm 2023 thực hiện đầu tư 260 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực năng lượng là 166 nghìn 676 tỷ đồng; lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải là 49 nghìn 571 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp là 804 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp là 4 nghìn 851 tỷ đồng; lĩnh vực viễn thông là 17 nghìn 300 tỷ đồng; lĩnh vực kinh doanh đầu tư vốn (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) là 4 nghìn 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý của Ủy ban và hoạt động của 19 TĐ, TCT cũng bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến vai trò của DNNN.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có một số hạn chế: 1- Trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp, Ủy ban chưa có điều kiện tiếp cận sâu sắc “sức khỏe” của doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ phát huy tối đa nguồn lực hiện có, góp phần nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; 2- Ủy ban chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ quản lý ngành liên quan trực tiếp và ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nguyên nhân của các hạn chế trên, có thể kể đến: (i) Quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 TĐ, TCT được chuyển từ 5 bộ về Ủy ban tại cùng một thời điểm nên khối lượng công việc phát sinh lớn; phạm vi, tính chất công việc rộng, phức tạp, liên quan đến 16 ngành kinh tế - kỹ thuật; (ii) Nguồn lực của Ủy ban còn thiếu và hạn chế cả về số lượng cũng như trình độ, năng lực cán bộ; vừa phải kiện toàn tổ chức, vừa phải thực hiện ngay và đầy đủ, đúng quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước; (iii) Một số quy định pháp luật liên quan đến thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất; chưa thực sự phân tách rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với cùng một đối tượng doanh nghiệp.
Về phía các DNNN do Ủy ban quản lý: 1- Các TĐ, TCT chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao thông qua việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và giám sát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện. 2- Phân bổ vốn đầu tư chưa thực sự tập trung cao vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi,... Hoạt động đầu tư về cơ bản còn mang tính đơn lẻ của từng doanh nghiệp, chưa có sự phối hợp, liên kết cao, tận dụng thế mạnh của hệ thống các DNNN trong các lĩnh vực để thực hiện chuỗi dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. 3- Năng lực quản trị và triển khai một số dự án còn yếu; một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư dự án khi năng lực tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước và nước ngoài (kể cả khi vốn vay có chi phí cao); việc phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương chưa sát sao để kịp thời xử lý các vướng mắc trong thẩm quyền (giải phóng mặt bằng và phê duyệt chủ trương đầu tư,...). 4- Một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn, nhưng không thành công, rủi ro cao, như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia có bất ổn về chính trị,... dẫn đến thua lỗ nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Giải pháp phát triển thời gian tới
Trong giai đoạn hiện nay, DNNN cần tập trung vào một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt. Quá trình cơ cấu lại và đổi mới quản lý DNNN trong bối cảnh mới hướng tới làm cho khu vực này hoạt động tốt, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia theo nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Căn cứ vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về định hướng vai trò phát triển các DNNN thời gian tới(16); trên cơ sở phân tích thực trạng tình hình hoạt sản xuất, kinh doanh, định hướng chiến lược phát triển của 19 TĐ, TCT thuộc Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, để nâng cao vai trò dẫn dắt và lan tỏa các doanh nghiệp phát triển, từng bước cải thiện hiệu quả đầu tư tại các TĐ, TCT, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban. Nhiệm vụ chính cần tập trung hơn vào: 1- Xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp theo hướng nâng cao vai trò của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý trong việc làm nòng cốt, dẫn dắt và lan tỏa tại các lĩnh vực quan trọng, như năng lượng, kết cấu hạ tầng, công nghệ và chuyển đổi số; 2- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao để bảo đảm đầu tư có hiệu quả, không dàn trải, lãng phí; 3- Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; 4- Tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nội bộ, bảo đảm thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có chuyên môn sâu về ngành, nghề kinh tế, kỹ thuật, đầu tư cho Ủy ban để nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp; 5- Chỉ đạo TĐ, TCT chú trọng bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư lớn, trọng điểm để các doanh nghiệp của Ủy ban thực sự là lá cờ đầu dẫn dắt các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế phát triển; 6- Kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà, đất của DNNN còn bất cập, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp; 7- Tiến tới đề xuất sửa đổi các quy định để Ủy ban có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các DNNN; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các TĐ, TCT theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với doanh nghiệp.
Đối với các TĐ, TCT: 1- Xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển gắn với quy hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để DNNN thực sự tiên phong, dẫn đầu và dẫn dắt các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, bảo đảm phù hợp yêu cầu thực tế, khả thi; 2- Hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; TĐ, TCT có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao, xứng đáng là doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; 3- Chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bảo đảm hiệu quả tổng thể, bền vững, phù hợp cơ chế thị trường. Nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch được giao hằng năm; phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đầu tư mới vào hoạt động để bảo đảm hiệu quả kinh tế và thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa trong các lĩnh vực then chốt, như năng lượng, kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; 4- Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, từng bước chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả đầu tư, tối hưu hóa sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài có giá rẻ, tăng cường công tác dự báo trong điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 5- Tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm các cân đối lớn cũng như là nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách nhà nước./.
Nguyễn Ngọc Cảnh
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 75
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128, 129
(4), (5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 128, 128, 129
(7) Vũ Khuyên: “Thủ tướng: Phát huy hết sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước”, Báo Điện tử VOV, ngày 12-7-2022, https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-huy-het-suc-manh-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-post956082.vov
(8) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP, ngày 21-5-2020, của Chính phủ, “Về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu”; thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư và 2 nghị quyết khác xử lý vướng mắc cho một số dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
(9) Trong đó, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng là 818.764 tỷ đồng, chiếm 69,8%; lĩnh vực hạ tầng giao thông và vận tải là 101.287 tỷ đồng, chiếm 8,6%; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin là 95.518 tỷ đồng, chiếm 8,1%; lĩnh vực công nghiệp là 30.575 tỷ đồng, chiếm 2,6%; lĩnh vực nông nghiệp là 68.696 tỷ đồng, chiếm 5,9%
(10) Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng là 1.819 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,4%; lĩnh vực hạ tầng giao thông và vận tải là 259.366 tỷ đồng, chiếm 10,6%; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin là 116.551 tỷ đồng, chiếm 4,8%; lĩnh vực công nghiệp là 77.133 tỷ đồng, chiếm 3,2%; lĩnh vực nông nghiệp là 112.089 tỷ đồng, chiếm 4,6%
(11) Trong đó, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng: 821.359 tỷ đồng, chiếm 70,3%; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin: 96.564 tỷ đồng, chiếm 8,3%; lĩnh vực hạ tầng giao thông và vận tải: 94.468 tỷ đồng, chiếm 8,2%; lĩnh vực công nghiệp: 31.000 tỷ đồng, chiếm 2,7%; lĩnh vực nông nghiệp: 70.252 tỷ đồng, chiếm 6%
(12) Trong đó, tổng tài sản hợp nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng: 1.804 nghìn 777 tỷ đồng, chiếm 73,4%; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin: 120.172 tỷ đồng, chiếm 4,9%; lĩnh vực hạ tầng giao thông và vận tải: 278.109 tỷ đồng, chiếm 11,3%; lĩnh vực công nghiệp: 79.707 tỷ đồng, chiếm 3,2%; lĩnh vực nông nghiệp: 113.865 tỷ đồng, chiếm 4,6%
(13) Tính đến năm 2022, 19 TĐ, TCT đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng: bảo đảm khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt. Về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hằng năm đã cung cấp 242,7 tỷ kWh điện; 10,84 triệu tấn dầu thô; 8,08 tỷ mét khối khí; 42,2 triệu tấn than sạch; 13,76 triệu mét khối xăng dầu; 5,78 triệu tấn a-lu-min; 30 nghìn tấn đồng tấm; 4,8 triệu tấn phân bón; 842 nghìn tấn hóa chất cơ bản; 2,3 triệu kWh ắc-quy; 280 nghìn tấn chất giặt rửa; 3,7 triệu chiếc lốp ô-tô; vận chuyển 124,7 triệu lượt hành khách (hàng không 120,2 triệu khách, đường sắt 4,5 triệu lượt khách); 131 triệu tấn hàng hóa (hàng không 1,4 triệu tấn, đường biển 124 triệu tấn, đường sắt 5,6 triệu tấn)
(14) Tổng doanh thu năm 2021 đạt 1.319 nghìn tỷ đồng, năm 2022 đạt 1.598 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 67.478 tỷ đồng, năm 2022 đạt 83.167 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước năm 2021 đạt177.211 tỷ đồng, năm 2022 đạt 191.781 tỷ đồng
(15) Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện một số dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước (bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, đầu tư phát triển đường cao tốc) với tổng giá trị là 37.986 tỷ đồng
(16) Bao gồm: (i) Bộ Chính trị có kết luận tại Văn bản số 5863-CV/VPTW và Văn bản số 5979-CV/VPTW, của Văn phòng Trung ương: Đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện Kết luận tại Thông báo số 40-TB/TW, với mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12-5-2022, của Chính phủ “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội”, đưa ra quan điểm và các nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT trong phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về xây dựng, trình Quốc hội Dự án sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp