03/01/2025 lúc 18:36 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là chủ trương đúng đắn, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

1. Tại Hội nghị Trung ương VIII khóa XI, chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được đề cập trong Nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp đó, Báo cáo chính trị Đại hội XII, Đảng ta xác định: “Có kế sách ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu những nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây đột biến”[1]. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa được chính thức xác lập. Đến Đại hội XIII, kế sách này được bổ sung, phát triển: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến”, “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”[2].
Có thể thấy, chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, đối tác, đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là sự kế thừa bài học “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đồng thời, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện hiện nay. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vừa là quan điểm chỉ đạo cơ bản, vừa là phương thức hành động tối ưu để chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là quá trình lâu dài, là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để thực hiện có hiệu quả quan điểm này, yêu cầu khách quan đặt ra là phải huy động đồng bộ, tổng hợp các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Bởi suy đến cùng, chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chỉ được thực hiện trên cơ sở xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người, nguồn lực quan trọng nhất trong tổng thể các nguồn lực của một quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những cơ hội và những thách thức, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải có chiến lược, quyết sách đúng đắn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, phải chú trọng “xây dựng và phát huy nguồn lực con người”. Đây là vấn đề cấp bách và cũng là giải pháp chiến lược quan trọng, lâu dài nhằm xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

2. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn lực con người đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã xác định thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn lực con người, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Nhờ vậy, nguồn nhân lực của nước ta được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên năm 2021 là 26,1%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước[3]. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, như: y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng…
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người ở nước ta thời gian qua vẫn còn có mặt hạn chế. Chất lượng giáo dục đào tạo ở một số lĩnh vực chưa cao; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi và đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; công tác bồi dưỡng lý tưởng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ còn có những hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa… Bên cạnh đó, số ít cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã chỉ rõ: “...nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông, nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế… Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực… Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”[4]. Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta.
3. Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”[5]. Trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao”[6]. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình hình biển, đảo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện, xảo quyệt, quyết liệt hơn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người.

Để xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nguồn nhân lực, xây dựng và phát huy nguồn lực con người; về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 29-NQ/TWvề Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Nghị quyết số 30-NQ/TWvề Chiến lược An ninh mạng quốc gia… Trên cơ sở đó, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng vị trí, vai trò, yêu cầu xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên đối với vấn đề quan trọng này. Đồng thời, làm chuyển biến về trách nhiệm, hành động, tính tự giác trong tham gia xây dựng và phát huy nguồn lực con người gắn với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và từng cá nhân.
Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo mang lại hiệu quả thiết thực, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành nghị quyết chuyên đề hoặc lồng ghép trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giai đoạn và thường kỳ. Các cơ quan, tổ chức cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình. Các tổ chức quần chúng xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết của cấp ủy và hướng dẫn của cơ quan cấp trên; tổ chức nhiều chương trình hành động, hoạt động bổ ích nhằm tạo chuyển biến đồng bộ về nhận thức và hành động ở các lực lượng.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ hoạt động giáo dục đào tạo; có cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ phù hợp, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”[7]. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[8]. Thường xuyên đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện. Quan tâm phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; gắn giáo dục đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ; hình thành các trung tâm nghiên cứu, các nhóm đổi mới sáng tạo.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ. Đây là một điểm quan trọng giúp phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ quan, tổ chức trên cơ sở công khai, khách quan, minh bạch. Trong sử dụng, đánh giá cán bộ cần bảo đảm tính toàn diện về cả phẩm chất, năng lực; phải căn cứ vào chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu. Đồng thời, phải có cơ chế đãi ngộ hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, thực sự gắn bó với cơ quan, tổ chức và tạo động lực để cán bộ cống hiến, phấn đấu.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ hiện đại.
Đây vừa là nội dung, biện pháp, vừa là đòi hỏi mang tính cấp thiết hiện nay gắn với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, để xây dựng và phát huy nguồn lực con người gắn với thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ hiện đại. Các cấp, các ngành vì vậy phải “tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại... Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước... Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”[9].
Thường xuyên đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và năng lực làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ lưỡng dụng, vừa sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời bình, vừa có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tác chiến khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ quốc phòng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng, khai thác có hiệu quả các khí tài hiện đại trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm chủ động chiến lược trong mọi tình huống.
Bốn là, coi trọng xây dựng môi trường văn hóa xã hội gắn với khơi dậy ở mỗi người khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với mỗi quốc gia, dân tộc, văn hóa luôn là sức mạnh nội sinh. Đại hội XIII của Đảng chủ trương “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[10]. Đây là điểm mới, thể hiện tư duy toàn diện, tầm nhìn chiến lược của Đảng; tạo cơ sở mang tính lâu dài để xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa hiện nay.
Trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; hoàn chỉnh và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện phản văn hóa, biểu hiện quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội trong cơ quan, tổ chức. Đặc biệt chú trọng “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[11]. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa./.

Thiếu tướng, PGS.TS NGUYỄN HÙNG OANH
Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị

 ----------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.149.
[2] [5],[6], [7], [8] [9] [10] [11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.117, 159, 105, 107, 115, 232 – 233, 140, 143, 202.
[3]https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-nam-2021-va-chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-2016-2020/.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.47.

... Theo tuyengiao.vn