Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên
Có thể khẳng định, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyên tắc giữ gìn sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, tôn giáo. Người khẳng định, như một lẽ tự nhiên, “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc”(1); đồng thời, các dân tộc anh em trong đất nước luôn “gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp”(2). Theo đó, trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người luôn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(3).
Mặt khác, Người lý giải ngọn nguồn sức mạnh xuyên suốt cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, tự do và bảo vệ Tổ quốc là “nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc”(4), bởi vậy, Người chủ trương tất cả dân tộc “đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt”(5); đồng thời, chính sách dân tộc phải hướng đến mục đích “thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6).
Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp đến thăm trực tiếp, nhưng Người luôn lo lắng, trăn trở, suy tư một cách bao quát, toàn diện nhiều vấn đề, trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh, hướng tới hoàn thành nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào gắn với công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện ở hai khía cạnh chính sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đồng bào vùng Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; đồng thời, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và ý chí cách mạng bất khuất của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Sinh thời, Người nhiều lần khẳng định đồng bào các dân tộc là những người anh em trong cùng một nhà; đồng thời, luôn căn dặn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chú trọng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói riêng. Năm 1946, trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Playcu” (lá thư được dịch ra nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên), Người cho rằng: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(7).
Trong một số văn bản, Người nhất quán dùng từ đồng bào (cùng bào thai) để gọi các dân tộc vùng Tây Nguyên, qua đó gợi nhớ đến truyền thuyết nguồn gốc “con Lạc - cháu Hồng”, “con Rồng - cháu Tiên” để gửi đến nhân dân vùng Tây Nguyên thông điệp về tinh thần đoàn kết với nội dung: Dù đồng bào ở Tây Nguyên là người Thượng hay người xuôi lên, dù Nam hay Bắc đều là con một nhà, chung một mẹ Việt Nam; chính vì vậy, phải yêu thương đoàn kết lẫn nhau, chỉ có đoàn kết mới chiến thắng giặc ngoại xâm, mới xây dựng và bảo vệ quốc gia - dân tộc bền vững. Những từ “ta”, “chúng ta” được Người lặp đi, lặp lại nhiều lần như để khẳng định và nhấn mạnh một đặc điểm chung, một chân lý hiển nhiên rằng đất nước Việt Nam luôn thuộc về tất cả dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Người cho rằng, quân và dân các tỉnh vùng Tây Nguyên, từ già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đều có tinh thần nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn, rẫy,... góp phần to lớn cùng đồng bào cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng thời, Người “nhiệt liệt khen ngợi các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể đồng bào Tây Nguyên đã dũng cảm chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, phục vụ tiền tuyến, lập công vẻ vang”(8).
Thứ hai, Người xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời, chủ trương phát huy mạnh mẽ giá trị tinh thần đoàn kết các dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đời sống mới.
Người luôn nêu cao tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc và vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân, đế quốc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; căn dặn đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh đập tan âm mưu, thủ đoạn của thực dân, đế quốc, góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Riêng với đồng bào Tây Nguyên, Người kêu gọi “Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch”(9).
Có thể nói, vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đã sản sinh không ít người con ưu tú, anh hùng, có nhiều đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, mà nhiều người trong số họ may mắn được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, như ông Y Ngông Niê Kđăm, anh hùng Núp, Thiếu tướng Y Blôk Êban, cụ Y Bih Alêô, Nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, Nhà giáo ưu tú Nay Hwin... Các cá nhân từng được gặp Bác đều mang trong mình nhiều ấn tượng tốt đẹp, luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm cũng như sự quan tâm của Người với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Như lời kể của cụ Y Ngông Niê Kđăm: “Lời Bác nói đến đâu thấm đến đó. Tôi thấy Bác gần gũi với các dân tộc Tây Nguyên quá. Bác như một nhân vật hiện ra từ giấc mơ của các dân tộc Tây Nguyên”(10); với cương vị công tác của mình, ông còn vinh dự được gặp Bác trong nhiều dịp khác, đối với ông, từng khoảnh khắc được gặp Bác là từng kỷ niệm sâu sắc, ý nghĩa, hằn sâu trong trái tim xuyên suốt sự nghiệp làm cách mạng của bản thân. Trong những lần gặp gỡ những người con ưu tú từ vùng Tây Nguyên, Bác đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình đời sống đồng bào Tây Nguyên và căn dặn phải không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết cùng đánh đuổi thực dân Pháp để bảo vệ độc lập; luôn coi Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm sâu đậm cùng những trăn trở, khát khao của mình với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, đó là sự quan tâm, yêu mến, thiết tha, mong muốn mảnh đất Tây Nguyên ngày càng được phát triển, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên, đoàn kết gắn bó keo sơn trên mảnh đất Việt Nam. Mặt khác, Người cũng thể hiện tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đó không chỉ riêng các dân tộc Tây Nguyên, mà ở đâu là con dân nước Việt đều không phân biệt giai cấp, thành phần dân tộc, tôn giáo và luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim và tư tưởng của Người - đó chính là nét đẹp cao quý trong tầm vóc lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhằm hưởng ứng, ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thực hiện chủ trương, chỉ đạo sâu sát của Đảng, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào vùng Tây Nguyên đã nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất để cùng kề vai, sát cánh, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đem hết sức mình xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng, lập nên những chiến công vang dội; cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì Tổ quốc và vun đắp cho mối tình đoàn kết, keo sơn giữa các dân tộc, tiêu biểu như Đinh Núp (dân tộc Ba-na), Y Buông, A Tranh (dân tộc Xơ-đăng), N’Trang Lơng (dân tộc Mơ-nông) hoặc các vị cách mạng tiền bối, như Y Ngông Niê Kđăm, Y Bih Alêô (dân tộc Ê-đê), Nay Đer (dân tộc Gia-rai), Pi Năng Tắc (dân tộc Ra Glai),...
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Thời khắc đó, chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Thường vụ Khu ủy khu V, từ ngày 4 đến ngày 10-9-1969, tại vùng giải phóng các tỉnh vùng Tây Nguyên, các ban tang lễ được thành lập để tổ chức lễ tang và truy điệu Người. Đồng bào Tây Nguyên, kể cả đồng bào trong vùng địch tạm chiếm ai nấy đều tiếc thương, đau buồn khi nghe tin Người mất, như trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”! Bằng mọi hình thức công khai hay bí mật, nhiều đồng bào đã tiến hành để tang Người trong 7 ngày, có nơi tới tận 9 ngày... Riêng anh hùng dân tộc Ba-na, Đinh Núp tự mình để tang Người trọn vẹn 100 ngày, đồng thời nhiều làng đánh chiêng tang báo tin cho nhau...; từ trẻ em đến cụ già đều tỏ lòng đau thương vô hạn.
Điều tiếc nuối nhất, lúc sinh thời, do bối cảnh đất nước bị chiến tranh, điều kiện đi lại khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể thực hiện được niềm mong mỏi vào thăm miền Nam. Hàng vạn đồng bào Tây Nguyên không có may mắn được trực tiếp gặp Người như người dân những địa phương mà Người đã đặt chân đến, nhưng đồng bào vẫn cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của Người đối với mình. Đồng bào Tây Nguyên đáp lại tấm ân tình đó bằng niềm tin yêu, lòng biết ơn, kính trọng sâu sắc và sự ủng hộ chân thành. Điều này đã được cụ Y Bih Alêô, từng là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định: “Tình cảm của Bác đối với Tây Nguyên là sức mạnh vô biên, nó luôn luôn tràn đầy như nước sông Ba và cao như ngọn núi Ea Đrăng... Chúng tôi nhớ lời Bác và uống rượu cần thề với nhau sẽ mãi mãi đi theo con đường của Bác vạch ra để giải phóng quê hương”(11).
Tình cảm của đồng bào vùng Tây Nguyên đối với Bác thật sâu sắc, thậm chí, đã hóa thân vào nếp sống sinh hoạt tinh thần, văn hóa hằng ngày trong kho tàng ca dao, tục ngữ nơi đây, tiêu biểu trong số đó, có thể nhắc đến một số câu ca dao nổi bật, thường xuyên xuất hiện, như “Người Êđê chưa gặp mặt Bác Hồ/ Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ” (Ca dao dân tộc Ê-đê); “Vùng Tây Nguyên rừng thiêng nước độc/ Tám, chín năm ở với Bác Hồ lúa mọc đầy nương” (Ca dao dân tộc Mơ-nông); hay “Chúng ta theo hoa đỏ/ Chúng ta theo Cụ Hồ” (Đồng bào H-rê). Thêm vào đó, đồng bào Ê-đê, Gia-rai, Ba-na cũng thường hát: “Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh/ trời tan bóng tối, ấm năm canh”; trong ngôn ngữ dân tộc mình, người Ê-đê gọi Hồ Chủ tịch là Awa Hồ, người Ba-na gọi là Bok Hồ, người Gia-rai gọi là “Ơi”... Ở tỉnh Kon Tum, gần như gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, việc được tặng ảnh Bác Hồ cũng là món quà vô cùng quý giá đối với đồng bào.
Tiếp thu tình cảm, tư tưởng cũng như trí tuệ, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước, một lòng theo Đảng, tin theo cách mạng quyết tâm đánh giặc, xây dựng làng chiến đấu, góp lương thực nuôi bộ đội, nuôi giấu cán bộ...; vượt qua gian nan, thử thách để dần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng buôn, làng hạnh phúc, ấm no; hình ảnh Bác Hồ như đang hiện hữu làm điểm tựa tinh thần và cổ vũ đồng bào. Cụ Y Bih Alêô đã khẳng định: “Người Tây Nguyên chưa được tận mắt nhìn con người thật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Bác đi vào lòng đồng bào Tây Nguyên như gió mùa xuân luồn vào rừng già thấm mát và bền vững. Ai cũng thấy mình là người con trai, con gái của Bác Hồ”(12); còn bác sĩ nổi tiếng Y Ngông bày tỏ: “Lòng kính yêu Bác Hồ của nhân dân Tây Nguyên nhiều như cây rừng, cao như núi đá, dài như nước suối”(13).
Vào ngày 11-4-1978, ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu rằng: “Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng thương nhớ Tây Nguyên! Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh không bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên và đồng bào tỉnh Đắk Lắk. Tổ quốc ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn các liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên(14).
Nhựa sống được ươm mầm, sinh sôi từ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo động lực cho mảnh đất Tây Nguyên nỗ lực phấn đấu, vươn lên, cống hiến ngày càng lớn vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước
Tây Nguyên là vùng đất trải dài từ Kon Tum tới Lâm Đồng, bao gồm 5 tỉnh, với diện tích trên 54 nghìn km2 và dân số 5,5 triệu người (chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ ba trong 6 vùng kinh tế - xã hội); được coi là “phên giậu phía tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”; bao gồm 52 dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ khoảng 36% dân số toàn vùng), mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự giàu có, đa dạng bản sắc(15). Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữ vai trò tâm điểm trong kết nối Đông - Tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả nước...
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào vùng Tây Nguyên nói riêng ngày càng phát triển, tiến bộ, văn minh. Trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được cùng những hạn chế, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng ta thống nhất ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Một số thành quả tại vùng đã được ghi nhận, như các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực, tự cường trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa, lịch sử được tu bổ, tôn tạo, trong đó Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “kiệt tác truyền khẩu” và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại,...
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên hiện nay còn một số khó khăn, bất cập, như khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp, sự thụ hưởng lợi ích từ các chính sách chưa đồng đều; đất sản xuất, đất ở của đồng bào chậm được giải quyết; tâm lý ỷ lại vẫn còn ở một số nhóm người; ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ở một số bộ phận người dân còn mờ nhạt,... Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tranh chấp đất đai còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai,... để kích động, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam(16).
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và kịp thời giải quyết hạn chế, khó khăn, vướng mắc, hướng tới đẩy mạnh phát triển “nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”(17), cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, giữ gìn và phát huy tinh thần đại đoàn kết dựa trên chỉ dẫn, quan điểm và tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đó là truyền thống quý báu, sức mạnh nội sinh không thể thay thế, đồng thời, đặc biệt chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, hướng tới xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, từ đó, tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương vùng Tây Nguyên phát triển bền vững. Có thể khẳng định, nhiệm vụ thực hiện đoàn kết dân tộc ở vùng Tây Nguyên hiện nay là củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa người Kinh với các dân tộc khác; đoàn kết các dân tộc thiểu số trong vùng với nhau; đoàn kết người dân các dân tộc tại chỗ và di cư từ nơi khác đến. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước(18) trong phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, thiết thực.
Hai là, thực hiện tốt chính sách dân tộc đặt trong mối quan hệ đồng bộ, hài hòa với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục bất cập, hạn chế, thiếu sót đặt ra trong thực tiễn thực thi chính sách, không ngừng nâng cao hiệu quả triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch trong thực tế; giải quyết tốt các vấn đề lịch sử có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đất đai trên toàn vùng. Mặt khác, các dân tộc vùng Tây Nguyên cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tránh để các thế lực phản động, thù địch gây chia rẽ, kích động, gây hận thù,... để sẵn sàng cùng đồng bào cả nước tương trợ lẫn nhau, nỗ lực vượt qua gian nan, thử thách, hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc trên tinh thần “Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”(19).
Ba là, trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển đời sống, cần thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, “xây” và “chống”, cụ thể: 1- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, đường lối của Đảng, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cơ sở; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng Tây Nguyên bằng các luận điểm khoa học, các kết quả nghiên cứu thực tiễn; 2- Cảnh giác, phòng ngừa, kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch tiến hành tại vùng Tây Nguyên, nhất là đối với các lực lượng đã lộ diện; ngăn chặn từ xa đối với các nguy cơ tiềm ẩn bằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc./.
TS Phạm Xuân Hoàng
Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
--------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 371
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 244
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 130
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 495
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 372
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 249, 250
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 520
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 521
(10) Nhiều tác giả: Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 160
(11) Nhiều tác giả: Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ, Sđd, tr. 138
(12), (13) Nhiều tác giả: Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ, Sđd, tr. 129, 166
(14) Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, t. III (1975-1986), tr. 633
(15) Xem: Báo cáo số 1045-BC/BCSĐCP, ngày 19-8-2022, của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, về “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”
(16) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 155
(18) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 132/QĐ-TTg, ngày 8-10-2002, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên”; Quyết định số 134/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”; Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, ngày 23-11-2005, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên”,...
(19) Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên”, Tạp chí Cộng sản, số 1.001 (tháng 11-2022), tr. 10