VNHN-Tin tức giả mạo làm mất lòng tin của công chúng đang là nỗi lo của Pháp và cả châu Âu.
Ông Alexios Mantzarlis, Giám đốc Mạng kiểm chứng sự thật (Viện nghiên cứu báo chí Poynter, Mỹ) cho hay khoảng một nửa những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên Facebook trước cuộc trưng cầu dân ý ở Italy vào năm 2016 là giả mạo.
Còn Samuel Laurent, người đứng đầu phòng kiểm định sự thật của báo Le Monde (Pháp) nói rằng ở Pháp ngày càng có nhiều vụ việc bị bóp méo thông tin, đặc biệt trong các cuộc tranh cử hay các sự kiện nào đó.
Bà Renate Schoroeder, Chủ tịch Liên đoàn nhà báo châu Âu nói rằng các nước “nên thật cẩn trọng, khôn khéo” và tìm cách để cân bằng sự tự do thể hiện và tự do báo chí với việc đấu tranh trước những phát biểu hằn học và tin giả.
Đặc biệt, ngày 4/3 trong bài viết được công bố trên một số tờ báo của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi phác họa tầm nhìn của ông đối với tương lai của châu Âu đã hối thúc hai vấn đề: Việc cải cách khu vực Schengen và thành lập một hãng thông tấn mới nhằm bảo vệ các nền dân chủ trước những vụ tấn công mạng và nạn tin giả tràn lan.
Ông Macron cũng liệt kê một loạt sáng kiến mà EU có thể áp dụng để tự bảo vệ và bám sát hơn những giá trị cốt lõi của khối. Bài viết có đoạn: "Một hãng thông tấn châu Âu để bảo vệ các nền dân chủ sẽ giúp mỗi nước thành viên bảo vệ tiến trình bầu cử của mình trước những vụ tấn công mạng và sự xuyên tạc".
Ngoài ra, theo ông Macron, EU cũng nên cấm việc các đảng chính trị châu Âu nhận tài trợ từ bên ngoài, đồng thời cần có quy định cấm những phát ngôn mang tính bạo lực và hận thù trên Internet.
Diễn biến đó cho thấy, nạn tin tức giả mạo, bịa đặt hay mang tính bạo lực, hận thù… tràn lan trên các trạng mạng xã hội đang làm cho Pháp, cho cả châu Âu hết sức lo ngại và buộc phải đưa ra những biện pháp mới để đấu tranh ngăn chặn.
BTK