28/11/2024 lúc 10:52 (GMT+7)
Breaking News

Pháp luật đầu tư thương mại, thu hút vốn FDI của Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch - Đầu tư năm 2022, xét theo đối tác đầu tư, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Là 1 trong số những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, vậy hệ thống pháp lý đầu tư kinh doanh thương mại và kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Nhật Bản có gì đặc biệt để Việt Nam có thể tham khảo học hỏi!? Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu.

Hệ thống pháp luật về đầu tư, thương mại đồ sộ

1Đạo luật quốc gia quan trọng nhất của Nhật Bản liên quan đến đầu tư nước ngoài là Luật Ngoại hối và ngoại thương (FEFTL)

Nhật Bản không có một bộ luật nào quy định toàn diện về đầu tư nước ngoài. Theo Điều 94 Hiến pháp Nhật Bản, chính quyền địa phương có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, duy trì trật tự công cộng hoặc bảo vệ người tiêu dùng.

- Đạo luật quốc gia quan trọng nhất của Nhật Bản liên quan đến đầu tư nước ngoài là Luật Ngoại hối và ngoại thương (FEFTL) ban hành năm 1992 và sửa đổi vào năm 1998. Luật này có các quy định điều chỉnh nhiều khía cạnh trong hoạt động đầu tư nước ngoài và tập trung vào các quy định về giao dịch vốn quốc tế và giao dịch ngoại hối.

Bên cạnh FEFTL, khung pháp lý trong nước dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản còn bao gồm Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và chống độc quyền, Luật Chứng khoán, các quy định bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của nhà sản xuất, sức khỏe và an toàn, bao gồm tiêu chuẩn sản phẩm và ghi nhãn, an toàn thực phẩm và cấp phép dược phẩm, cùng nhiều luật khác. Ví dụ: Điều 17 Luật Khai thác quy định, chỉ công dân Nhật Bản mới có quyền khai thác mỏ và các nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào các hoạt động khai thác thông qua các công ty Nhật Bản.

- Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến Nhật Bản. Ở phạm vi quốc tế, Nhật Bản đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán ký kết TPP sớm và đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc trong Hiệp định đối tác kinh tế Nhật - EU năm 2016.

Chính phủ Nhật Bản còn tiến hành nhiều cải cách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ y tế, năng lượng, bằng cách ban hành Luật Bảo vệ tên các sản phẩm và thực phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản với hệ thống bảo vệ chỉ dẫn địa lý (Hệ thống GI). Hệ thống này cho phép các nhà sản xuất các sản phẩm trong khu vực và bảo vệ thương hiệu của riêng họ, Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp chống sử dụng thương hiệu trái phép (Theo Expressed by Shinzo Abe, Prime Minister, in a public meeting on 24 February 2015).

Theo đó Nhật Bản tăng cường PR ở nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản. Các ví dụ điển hình thành công về quan hệ đối tác đầu tư giữa các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản sẽ được biên soạn để truyền thông nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản hiểu được ý nghĩa của việc hình thành liên minh với các công ty nước ngoài. Biện pháp hỗ trợ kết hợp giữa các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. JETRO và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như Tổ chức Doanh nghiệp Vừa & Nhỏ và Đổi mới Khu vực, JAPAN (Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, JAPAN) hợp tác để giúp các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp tầm trung của Nhật Bản và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành quan hệ đối tác theo một sáng kiến ​​có tên là “Đề án Thúc đẩy Các liên minh Toàn cầu” .

Trong khi đánh giá Nhật Bản là điểm đến đầu tư của các công ty nước ngoài đã được cải thiện, các vấn đề khác nhau cản trở đầu tư vào Nhật Bản vẫn đang được chỉ ra, chẳng hạn như sự phức tạp của các quy định và thủ tục hành chính, khó đảm bảo nguồn nhân lực cạnh tranh toàn cầu và sự bất tiện có kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả rào cản ngôn ngữ. Nhật Bản đã đề ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cản trở các công ty nước ngoài vào Nhật Bản.

- Đáng chú ý, Nhật Bản ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các hiệp định và Hiệp ước Hiến chương năng lượng, Nhật Bản đã phát triển chương trình ký kết BIT và chuyển sang ký kết nhiều FTA (hoặc EPA) trong thập kỷ qua (Nhật Bản đã ký kết 15 thỏa thuận hợp tác kinh tế).

2. Nhật Bản không có luật chung cho các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại, nhưng mỗi loại hình đều có các Luật riêng, quy định tương đối chặt chẽ.

Tại nhiều quốc gia cũng đã có những quy định pháp luật về quản lý hạ tầng thương mại, điển hình như tại Nhật Bản. Quốc gia này không có luật chung cho các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại, nhưng đối với từng loại hình sẽ được quy định tại một luật khác nhau.

Đạo luật xác định vị trí cửa hàng bán lẻ quy mô lớn: Mục đích của đạo luật này nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách xem xét, đánh giá thiết lập vị trí và phương thức hoạt động của cửa hàng bán lẻ quy mô lớn, nhằm mục đích giữ gìn môi trường sống của khu vực xung quanh, góp phần vào sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc dân và cộng đồng địa phương và cải thiện đời sống của người dân.

Đạo luật phát triển khu phố buôn bán địa phương qui định các nguyên tắc cơ bản và các chính sách cơ bản về kích hoạt đô thị trung tâm, nhằm thúc đẩy toàn diện và đồng bộ việc phát huy các chức năng đô thị và nâng cao sức sống kinh tế ở các đô thị và chuẩn bị quy hoạch cơ bản của các thành phố trực thuộc trung ương và được Thủ tướng Chính phủ xác nhận, các biện pháp đặc biệt cho các dự án dựa trên quy hoạch cơ bản đã được chứng nhận, thành lập trụ sở phục hồi khu vực trung tâm thành phố… Mục đích nhằm góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển lành mạnh nền kinh tế quốc dân.

Ngoài ra, Đạo luật Quy hoạch Thành phố và Đạo luật Tiêu chuẩn Xây dựng cũng áp đặt các hạn chế đối với việc mở các cơ sở thương mại lớn với tổng diện tích sàn từ 10.000 m2 trở lên.

Đạo luật khuyến khích bán lẻ vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy thương mại bán lẻ quy mô vừa và nhỏ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện của các doanh nghiệp như phát triển các khu mua sắm, nhóm các cửa hàng và phát triển các cửa hàng chung, và thúc đẩy hiện đại hóa việc quản lý các nhà bán lẻ quy mô vừa và nhỏ. Mục đích góp phần vào sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc dân.

3. Điểm khác biệt trong Đạo luật Công ty của Nhật Bản

Theo quy định của Đạo luật Công ty Nhật Bản, một công ty nước ngoài tiến hành các giao dịch liên tục tại Nhật Bản phải hoàn thành việc đăng ký tại Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là công ty nước ngoài đó phải có đại diện, chi nhánh, hoặc công ty con tại Nhật Bản. Bất kỳ người nào vi phạm quy định này sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới hoặc riêng rẽ với công ty nước ngoài đối với các nghĩa vụ phát sinh từ một giao dịch.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp của Việt Nam ban hành năm 2014, DN Việt Nam được phép mở văn phòng đại diện ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản không yêu cầu và không có cơ chế cho việc đăng ký thành lập VPĐD. Do đó, sẽ không có Giấy chứng nhận thành lập VPĐD nào được cấp. Một công ty nước ngoài có thể tự do thuê một văn phòng hoặc thậm chí mua cả một tòa nhà để đặt VPĐD (nhằm thực hiện chức năng văn phòng liên lạc miễn là VPĐD đó không kinh doanh hoặc bán hàng) mà không cần phải đăng ký hoặc xin phép thành lập VPĐD.

4. Luật Thúc đẩy an ninh kinh tế gồm 4 trụ cột quan trọng

 Ngày 11/5/2022, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Thúc đẩy an ninh kinh tế . Luật bao gồm 4 trụ cột là tăng cường các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung chất bán dẫn và các hàng hóa chiến lược khác; tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác; đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng; và ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ nhạy cảm.

Cụ thể, theo luật này, các mặt hàng như chip, dược phẩm và kim loại hiếm được xác định là các mặt hàng cực kỳ quan trọng, đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà cung ứng trong nước có được nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác thông qua hợp tác công-tư bằng cách cung cấp thông tin và hỗ trợ tài chính.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm cả viễn thông và vận tải, Chính phủ Nhật Bản sẽ kiểm tra các thiết bị mà các doanh nghiệp, tổ chức dự định lắp đặt để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng và ngăn ngừa khả năng việc sử dụng các linh kiện từ nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa an ninh.

Mặt khác, luật mới cũng bao gồm các quy định nhằm bảo vệ các bằng sáng chế có liên quan tới các công nghệ nhạy cảm. Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ phạt tù tới 2 năm hoặc phạt tiền tối đa 1 triệu yen đối với những người làm rò rỉ thông tin về các bằng sáng chế không được tiết lộ.

Ngày 11/5/2022, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Thúc đẩy an ninh kinh tế . Luật bao gồm 4 trụ cột là tăng cường các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung chất bán dẫn và các hàng hóa chiến lược khác; tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác; đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng; và ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ nhạy cảm.

Kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Nhật Bản trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới

- Nhật Bản đã bãi bỏ quy định và đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm đơn xin thị thực và thủ tục nhập khẩu theo những cam kết trong các FTA thế hệ mới.

- Vốn FDI vào Nhật Bản cũng được thúc đẩy thông qua lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu cho thấy có sự tương tác giữa FDI hướng nội và du lịch quốc tế.

- Tự do hóa chính sách nhập cư là chìa khóa để thúc đẩy FDI vào Nhật Bản. Kể từ khi Luật Kiểm soát nhập cư và Công nhận người tị nạn sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2019, Nhật Bản đã mở rộng cửa chấp thuận cho lao động nước ngoài vào làm việc.

- Nhật Bản đóng vai trò tích cực trong thực hiện các FTA thế hệ mới: lập riêng một trụ sở phụ trách các cuộc đàm phán và phối hợp các cấp trong nước cho Hiệp định CPTPP. Đây là bước đệm cho những mở cửa và cam kết nhằm thu hút vốn FDI thuận lợi.

- Ngoài ra, đối với Nhật Bản, những cải cách mà CPTPP đòi hỏi cũng chính là một trong những “đơn thuốc” mà chính sách kinh tế Nhật Bản đã kê nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, khôi phục tiềm lực tăng trưởng kinh tế dài hạn.

- Giải quyết quan hệ lợi ích trong thu hút FDI của Nhật Bản: Để thực hiện tốt quan hệ lợi ích kinh tế trong thu hút đầu tư FDI, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập hệ thống tổ chức quản lý linh hoạt để thực hiện mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp và người lao động.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong thu hút FDI. Về phương thức giải quyết xung đột giữa doanh nghiệp và người lao động, Nhật Bản luôn ưu tiên giải pháp đối thoại, cụ thể là thông qua hình thức thương lượng tập thể.

Trong FTA thế hệ mới mà Nhật Bản đang thực thi: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA: Japan-EU Free Trade Agreement), hiệp định này đã mang lại cho Nhật Bản những thuận lợi rất lớn trong việc thu hút vốn FDI. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, thông qua đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn của Nhật Bản và được gỡ bỏ các rào cản tại thị trường Nhật Bản trong việc cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Đây là lợi ích quan trọng của việc thực hiện các FTA thế hệ mới trong thu hút vốn FDI vào Nhật Bản.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Để khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển - nơi phụ thuộc rất nhiều vào FDI để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm. Tuy nhiên, sự sụt giảm FDI đã đẩy các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi vào một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt mới để thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ở khu vực châu Á. Trong đó các chính sách thuế được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên để thúc đẩy nguồn đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN cũng đưa ra các chính sách và điều kiện thuận lợi để tạo lợi thế cạnh tranh riêng trong thu hút FDI. Indonesia đã ban hành các chính sách ưu đãi mới nhằm tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% - 25% trong năm 2020 và giảm tiếp xuống 20% vào năm 2022; dành ra một khu vực rộng 4.000ha để xây dựng nhiều khu công nghiệp mới; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Malaysia cũng có những ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược. 

Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp khá mạnh mẽ nhằm “giữ chân” các nhà đầu tư, giảm thiểu việc dịch chuyển mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, như xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thương mại tự do thí điểm với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài (ASEAN+1), khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3), thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn…

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và của các nước ASEAN, trong dài hạn, thiết nghĩ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các chính sách cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc.

Đặc biệt, quá trình thu hút đầu tư cần tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành, nghề cụ thể, nhằm thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Gia tăng giá trị sản xuất nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Cần điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể.

Bên cạnh đó là chủ động tận dụng các cơ hội và lợi thế đem lại từ các FTA mới mà Việt Nam đã tham gia. Chú trọng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường sự liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin rằng, với phương châm mà Chính phủ đề ra như hiện nay “vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển", thu hút đầu tư nước ngoài ở nước ta thực sự đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành một trong các kênh dẫn vốn góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời góp phần tích cực vào việc phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để đưa ra các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

theo Lê Phúc - Phương Anh/phaply.net.vn

...