16/01/2025 lúc 14:44 (GMT+7)
Breaking News

Phải có “kịch bản an toàn” khi kích cầu du lịch

VNHN - Thực tế cho thấy, những khó khăn kinh tế nhất thời không gây ra nhiều tác động xấu đến ngành du lịch, bằng chứng là những năm qua, du lịch vẫn đều đặn tăng trưởng cho dù điều kiện kinh tế có lúc thăng lúc trầm...

VNHN - Thực tế cho thấy, những khó khăn kinh tế nhất thời không gây ra nhiều tác động xấu đến ngành du lịch, bằng chứng là những năm qua, du lịch vẫn đều đặn tăng trưởng cho dù điều kiện kinh tế có lúc thăng lúc trầm. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra không chỉ giáng một đòn nặng vào kinh tế toàn cầu mà còn khiến du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hơn một tháng giãn cách vừa qua, một trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng ngừng hoạt động khiến hơn 40 nghìn người lao động không có công ăn việc làm. Du lịch ở các địa phương khác, tùy mức độ, cũng “đóng băng” hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tính cả thiệt hại từ đầu năm đến giờ, nhiều chuyên gia dự đoán, năm nay ngành du lịch trong nước khó tránh khỏi tình trạng tăng trưởng âm.

Ảnh minh họa 

Vì vậy để giảm thiệt hại và chủ động thích ứng với tình hình mới, ngay khi dịch Covid-19 đợt hai tại nước ta có dấu hiệu được kiểm soát, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang lên kế hoạch kích cầu du lịch, nhằm từng bước phục hồi hoạt động, giữ chân người lao động và tạo tiền đề phát triển cho những năm tới. Với các doanh nghiệp, kịch bản kích cầu du lịch lần hai vẫn tập trung vào khách trong nước, nhưng mở rộng ra đối tượng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam; giảm giá dịch vụ di chuyển, lưu trú, trải nghiệm cùng với tăng quyền lợi cho du khách; không làm đại trà mà kích cầu theo từng điểm đến cụ thể; đưa ra các gói bảo hiểm phòng, chống dịch; mở các tua ngắn hạn, chia nhỏ số lượng du khách để tăng tính linh hoạt và an toàn… Ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, giãn thuế, giảm lãi vay, giãn nợ, tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí khuyến mãi, điều phối cung cầu bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế…

Thế nhưng, để kế hoạch kích cầu bám sát thực tiễn đời sống và phát huy hiệu quả thì bên cạnh “kịch bản kinh tế” phải có “kịch bản an toàn” về kinh tế và phòng, chống lây lan dịch bệnh cho du khách - đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất. Như chúng ta đã biết, ngay sau khi dịch Covid-19 đợt hai bùng phát tại Đà Nẵng, số lượng khách hủy tua tăng đột biến trên phạm vi cả nước, doanh nghiệp lao đao đã đành, nhưng nhiều du khách phải chịu mất tiền đặt cọc hoặc chưa biết bao giờ mới nhận lại được khoản tiền này. Chưa kể, lợi dụng làn sóng kích cầu du lịch đợt một, đã có nhiều vụ lừa đảo “khuyến mại khủng” gây thiệt hại cho du khách. Tranh chấp, khiếu nại đã lẻ tẻ xảy ra, nhiều du khách ngày càng thêm thận trọng, dè chừng.

Cho dù không mong muốn thì đã đến lúc chúng ta phải xác định “chung sống an toàn với đại dịch” như khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng nghĩa người dân và du khách phải tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch như thực hiện nghiêm thông điệp 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập (đông người) và khai báo y tế. Các khách sạn, nhà nghỉ phải thực hiện nghiêm việc đăng ký lưu trú, tạm trú; phải bố trí khu vực riêng biệt, sẵn sàng làm địa điểm cách ly kịp thời cho du khách nếu phát hiện có dịch. Các loại hình dịch vụ “nhạy cảm” với đại dịch như vũ trường, ka-ra-ô-kê, quán bar, nơi vui chơi giải trí… cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giữ an toàn cho du khách. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải tuân thủ nghiêm việc khám, chữa bệnh, thăm viếng người bệnh, không để xảy ra tình trạng bị động hoặc trở thành nơi bùng phát dịch bệnh như ở Đà Nẵng thời gian vừa qua.

Niềm tin ở chất lượng dịch vụ và bảo đảm sự an toàn mọi mặt cho du khách, chính là tiêu chí quan trọng nhất bảo đảm sự thành công cho các kịch bản kích cầu du lịch sắp tới.