29/11/2024 lúc 09:47 (GMT+7)
Breaking News

"Phác hoạ bức tranh" về thực trạng hệ thống pháp luật

Thời gian qua, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, qua rà soát đã phát hiện nhiều bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người dân.

Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp, Phó trưởng Bộ phận Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy. Ảnh: VGP.

Rà soát 9000 văn bản, phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập

Thưa ông, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hoạt động rà soát văn bản. Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và đầu mối của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động rà soát văn bản thời gian qua?

Ông Hồ Quang Huy: Trong năm 2020, 2021, các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện rà soát tổng thể hệ thống văn bản pháp luật với khoảng 9.000 văn bản, từ thông tư đến luật, qua đó phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là những bất cập, không phù hợp với thực tiễn và kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trên cơ sở đó, một số quy định pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung như: Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và nhiều văn bản từ nghị định đến thông tư của các bộ...

Hoạt động rà soát phần nào "phác hoạ" bức tranh vừa tổng thể, vừa chi tiết về thực trạng hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, mang tính tổng thể.

Ông có thể cho biết tình hình xử lý sau rà soát đối với những vướng mắc, bất cập này?

Ông Hồ Quang Huy: Để xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ công tác hằng năm, Bộ phận thường trực đã nghiên cứu, tổng hợp các nguồn thông tin khác nhau, từ việc trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành đến việc tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp. Bên cạnh Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, các chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, Tổ công tác cũng bám sát định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ cũng như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội để xác định các chuyên đề, lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm thực hiện rà soát.

Chính vì thế, những quy định vướng mắc, bất cập tại một số luật đã được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung kịp thời trong thời gian qua như đã đề cập. Với các quy định chưa được sửa đổi, bổ sung thì đang được các cơ quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để xử lý. Có thể nói, hiệu quả của hoạt động rà soát văn bản ngoài thể hiện ở kết quả rà soát thì còn phải được thể hiện ở kết quả xử lý văn bản sau rà soát. Tổ công tác cũng xác định việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Công tác rà soát chưa được quan tâm thỏa đáng khi thực tiễn luôn nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp

Theo ông, về lâu dài, có nên tiếp tục duy trì cơ chế hoạt động rà soát văn bản liên ngành như Tổ công tác đang thực hiện không?

Ông Hồ Quang Huy: Có thể nói, rà soát văn bản là hoạt động thường xuyên thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đã được luật định và triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, có thể thấy công tác rà soát chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh thực tiễn cuộc sống luôn sinh động và nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý mới, phức tạp.

Để dễ hình dung, ta có thể so sánh việc rà soát văn bản như việc "dọn dẹp" nhà cửa. Nếu thực hiện thường xuyên, bài bản và kỹ lưỡng thì nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Ở góc độ rà soát văn bản trong hệ thống pháp luật cũng tương tự. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản QPPL để tập trung, huy động nguồn lực rà soát mang tính liên ngành nhằm bổ sung cho những khuyết thiếu của hoạt động rà soát do từng bộ, ngành thực hiện.

Thời gian vừa qua, hoạt động của Tổ công tác đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xây dựng văn bản của các bộ, đồng thời cũng giúp sự phối giữa các bộ ngày càng hiệu quả. Trên cơ sở các định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung, yêu cầu đối với công tác rà soát văn bản nói riêng, tôi cho rằng việc duy trì cơ chế hoạt động rà soát văn bản như Tổ công tác đang thực hiện tại thời điểm hiện nay là cần thiết. Về lâu dài, việc có nên tiếp tục duy trì cơ chế hoạt động rà soát văn bản như Tổ công tác đang thực hiện hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kết quả, hiệu quả của công tác rà soát văn bản do các bộ, ngành thực hiện, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hiệu quả hoạt động của Tổ công tác.

Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá tổng thể hoạt động của Tổ công tác sau 3 năm triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng hoạt động của Tổ công tác trong thời gian tiếp theo.

Trong năm 2022, Tổ công tác về rà soát văn bản QPPL của Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ triển khai những hoạt động nào nhằm tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động?

Ông Hồ Quang Huy: Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác, trong năm 2022, Tổ công tác dự kiến sẽ tập trung thực hiện các hoạt động sau đây:

Thứ nhất, tập trung vào đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL, trọng tâm là các nhiệm vụ rà soát và xử lý kết quả rà soát theo kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội, Lãnh đạo Chính phủ và kết quả rà soát của Tổ công tác đã thực hiện trong năm 2020, 2021.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện rà soát chuyên sâu một số nhóm quy định pháp luật có nhiều vướng mắc, bất cập, có tác động đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, được người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Thứ ba, tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để tiếp nhận, trao đổi, thảo luận về các phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật.

Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Cục Kiểm tra văn bản QPPL dự kiến đề xuất những giải pháp gì để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động rà soát văn bản QPPL nói chung, cũng như hiệu quả hoạt động của Tổ công tác nói riêng?

Ông Hồ Quang Huy: Trong thời gian tới, với nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ tham mưu với Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ công tác- quan tâm thực hiện tốt hơn nữa vai trò cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác rà soát văn bản và cơ quan thường trực của Tổ công tác, nhất là việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác rà soát và xử lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương. Thông qua đó sẽ thúc đẩy hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương; gắn kết hơn nữa công tác rà soát văn bản với hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung vào hoạt động rà soát chuyên sâu, có tính chất liên ngành, đối với các vấn đề pháp lý có tính chất phức tạp hoặc còn ý kiến khác nhau trong việc xác định nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp; đa dạng hóa các hình thức hoạt động của Tổ công tác nhằm huy động các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của pháp luật tham gia vào quá trình góp ý, hoàn thiện kết quả rà soát, xử lý kết quả rà soát. Đồng thời, Cục cũng sẽ tham mưu tổ chức các hoạt động tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, các rào cản trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhân đây, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông, trong đó có vai trò rất quan trọng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong việc truyền thông, phát hiện, phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật để kịp thời tổng hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao của Tổ công tác, Bộ Tư pháp cũng đã lập Trang thông tin điện tử của Tổ công tác để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)