29/03/2024 lúc 15:03 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Văn Dư: Nỗ lực phấn đấu chuyên ngành yêu thích

Đến thăm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được lãnh đạo Viện chia sẻ về một số nhà khoa học kỳ cựu đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2019, trong đó có PGS.TS. NCVCC. Nguyễn Văn Dư – nguyên Phó Trưởng phòng Thực vật dân tộc học. Nay đã có tuổi, nhưng anh vẫn khỏe và vẫn hăng hái, say sưa nghiên cứu với trách nhiệm và tình yêu khoa học.
PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Văn Dư - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chuyên tâm nghiên cứu về thực vật và thực vật dân tộc học.

Cả cuộc đời phấn đấu cho khoa học và sự vươn lên

PGS.TS. Nguyễn Văn Dư sinh năm 1960 trong một gia đình có nghề Dệt truyền thống tại làng Nghĩa Đô, xã Thái Đô (nay là phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội). Xuất phát từ một nhân viên phòng thí nghiệm, được tiếp xúc với ngành Thực vật học từ rất sớm, được sự dìu dắt của các bậc đàn anh, của các Giáo sư đi trước anh dần phấn đấu trở thành nhà nghiên cứu thực vật có uy tín được các bạn đồng nghiệp ở trong nước và quốc tế biết đến.

Để được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư, năm 2019, TS. Nguyễn Văn Dư đã có gần 80 công trình khoa học về các hướng nghiên cứu: Thực vật học, Bảo tồn thực vật, Tài nguyên thực vật, Thực vật dân tộc học,…với hơn nửa số bài báo mà anh là tác giả chính được đăng trên các tạp chí quốc tế và quốc tế có uy tín thuộc danh mục SCI và SCI-E, tham gia viết 6 cuốn sách về thực vật và tài nguyên thực vật ở trong nước và quốc tế và là tác giả của 01 cuốn sách chuyên khảo về một họ thực vật của Việt Nam. PGS. Nguyễn Văn Dư đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn nhiều sinh viên đại học, học viên cao học, cũng như Nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu để hoàn thiện các chuyên đề, luận văn, luận án tốt nghiệp tại Viện ST&TNSV, trường ĐH Lâm nghiệp và trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2. Các sinh viên, học viên và Nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã trở thành giáo viên, giảng viên, một số là những nghiên cứu viên xuất sắc, đóng góp nhiều công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế. Năm 2019, anh vinh dự được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư.Tới nay đã hơn 40 năm tiếp xúc với khoa học, hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu, anh không ngừng nỗ lực, cố gắng, trở thành một người chuyên môn giỏi có nhiều công trình đóng góp cho khoa học, được đồng nghiệp yêu quý. Từ năm 2020 PGS. Nguyễn Văn Dư không còn tham gia công tác quản lý nhưng anh vẫn say sưa với công tác nghiên cứu. Hiện tại anh đang tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu về thực vật cấp Nhà nước và cấp Bộ với vị trí là chủ nhiệm đề tài hay là thành viên, hàng năm anh tổ chức các nhóm nghiên cứu của mình liên tục có các công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó anh vẫn đang tham gia giảng dạy và hướng dẫn Nghiên cứu sinh tại Học viện KHCN, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; Viện ST&TNSV, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và Viện Khoa học Lâm nghiệp.

Niềm đam mê nghiên cứu về thực vật và thực vật dân tộc học.

Chúng tôi hỏi, điều gì đã khiến anh có động lực phấn đấu từ một nhân viên phòng thí nghiệm để trở thành một chuyên gia thực vật, một giảng viên cũng như người thầy cho các nhà khoa học trẻ?.

Vui vẻ anh chia sẻ: Đó chính là cái nghiệp nó theo nghề mà, cộng với chút đam mê nghiên cứu thôi. Từ sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1990), với đồng lương “ba cọc ba đồng” thời bao cấp làm sao đủ sống lúc đó. Cũng như nhiều cán bộ khác lục đó, anh đã phải đi làm thêm nhiều công việc để tăng thêm thu nhập. Cũng may sau đó đất nước bắt đầu mở cửa, với chút tiếng Anh võ vẽ anh đã làm quen trao đổi với một số đồng nghiệp nước ngoài (lúc đó còn rất khó khăn, thư gửi đi nước ngoài còn phải được kiểm duyệt và gửi qua đường bưu điện, sau vài tháng có khi một năm mới nhận được hồi đáp). Từ những liên lạc đó, anh nhận thức được, ngoài kia có một thế giới rất khác, có nhiều nhà khoa học đang đắm chìm trong những phát hiện và tìm tòi. Các nhà khoa học thì hầu như là nghèo, nhưng đổi lại họ có những niệm tự hào riêng khi phát hiện ra những cái mới, hay những giây phút lên trình bày báo cáo mà cả hội trường quốc tế vỗ tay tán thưởng. Từ đó đã gieo niềm đam mê nghiên cứu cho PGS. Nguyễn Văn Dư nảy mầm và phát triển. Trải qua gần 40 năm nghiên cứu về phân loại thực vật, với sự hỗ trợ của các đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cấp Bộ KH&CN, cùng các đề tài và sự hỗ trợ quốc tế khác, PGS. Nguyễn Văn Dư đã nghiên cứu, phát hiện, mô tả hơn 30 loài thực vật mới cho khoa học sự sống. Anh cũng đã được tham dự nhiều Hội thảo quốc tế về thực vật ở cấp khu vực và toàn thế giới, như Hội thảo Thực vật chí Đông Dương (Flore du Cambodia, du Laos et du Vietnam”, Hội thảo Ráy quốc tế (International Aroid conference, 2008 and 2013), Đại hội Thực vật (International Botanical Congress) năm 1999 tại Missouri, Hoa Kỳ, Hội thảo CEPF về các loài bị đe dọa ở khu vực Đông Dương, Thái Lan năm 2011,...

Đoàn Nghiên cứu hợp tác quốc tế với Vườn Thực vật Hoàng gia Edinburgh do PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Văn Dư dẫn đầu tại Sa Pa (Lào Cai) năm 2016.

Là một nhà phân loại thực vật, lại công tác trong một đơn vị nghiên cứu về Thực vật dân tộc học. Anh đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về các tri thức bản địa của các đồng bào dân tộc của Việt Nam vể sử dụng, nuôi trồng và bảo tồn các loài, giống thực vật thông dụng cũng như quý hiếm ở Việt Nam để đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên đó. Ví dụ anh đã có bài báo quốc tế về nguồn gốc tiến hóa của Khoai sọ ở khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam (Evulutionary origins of Taro (Colocasia esculenta) in Sourh-East Asia); hay bài báo về món “canh bon” của người Thái trên tạp chí quốc tế “Green Food Zone”. PGS. Nguyễn Văn Dư là chủ nhiệm đề tài Nhà nước: “Điều tra nghiên cứu các cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc dân tộc Tây nguyên và các biện pháp bảo tồn” trong chương trình Tây Nguyên 3 (năm 2013-2016), anh đã tổ chức các cán bộ nghiên cứu thuộc 4 chuyên ngành: Thực vật học, Thực vật Dân tộc học, Hóa học Các hợp chất Thiên nhiên và Dược học hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao. Kết quả của đề tài đã lên được danh mục 341 loài cây thuốc được các đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng với đầy đủ các thông tin: tên cây Việt Nam, tên khoa học, địa điểm phân bố, giá trị sử dụng, sưu tầm được 348 bài thuốc dân tộc. Đề tài của anh cũng đã chiết suất được 11 dịch chiết có biểu hiện hoạt tính chống oxy hóa, 3 dich chiết có biểu hiện hoạt tính gây độc 01 dòng tế bào ung thư và 01 dịch chiết có biểu hiện hoạt tính gây độc 2 dòng tế bào ung thư; 25 dich chiết có biểu hiện hoạt tính kháng từ 1-5 chủng VSVKĐ; Đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học từ cây thuốc P’dong kha (Dalbergia sp.) được sử dụng trong bài thuốc của người M’Nông ở Tây Nguyên, trong đó đã xác định một hợp chất isoflavone mới, 5-hydroxy-2',4’,5’,6-tetramethoxy-isoflavone7-O--D-apiofuranosyl-(16)--D-glucopyranoside, được đặt tên dalberisoflavoside (1); và 2 hợp chất là caviunin (2), 3’-hydroxydalbergiphenol (3). Là chủ nhiệm 3 đề tài Khoa học Nhà nước do Quỹ Phát triển KH&CN (NAFOSTED) tài trợ, anh và các đồng nghiệp trong và ngoài nước đã xây dựng cơ sở dữ liệu, hướng tiến hóa cũng như phát hiện và mô tả nhiều loài thực vật mới cho khoa học góp phần nâng cao sự hiểu biết về thế giới thực vật cũng như đa dạng sinh học. PGS. Nguyễn Văn Dư cũng đã tổ chức và tham gia một số đề tài nghiên cứu về tài nguyên thực vật, kết quả là phát hiện ra các loài có triển vọng để khai thác làm nguyên liệu cho ngành dược liệu và thực phẩm, như đề tài: Khai thác nguồn gen cây Nưa – Amorphophallus ở Việt Nam; hay bảo tồn và khai thác nguồn gen quý cho khoa học như đề tài: Khai thác, phát triển nguồn gen 2 loài Lan hài: Lan hài Helen – Paphiopedillum helenae và Lan hài xanh – P. malipoense.

Để có được những thành công trong nghiên cứu về thực vật, PGS. Nguyễn Văn Dư may mắn được tiếp cận với các đông nghiệp trong nước và quốc tế để học hỏi, và hợp tác nghiên cứu. Từ những mối quan hệ hợp tác như vậy anh đã được mời đi học tập, trao đổi nghiên cứu, dự các hội thảo khoa học tại một số nước như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Indonesia,…. Đồng nghiệp cũng lấy tên anh để đặt cho một số loài thực vật và anh coi đấy là sự trả công cho cuộc đời nghiên cứu thực vật của anh.

Với những đóng góp của anh, PGS.Nguyễn Văn Dư cùng các đồng nghiệp cũng đạt được một số giải thưởng như: Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho cụm công trình khoa học “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lực đỏ Việt Nam” do Chủ tịch nước trao tặng năm 2012; Giải thưởng “Sách Quốc gia năm 2019”.

Anh cũng cho biết, tất cả những kết quả đạt được anh vẫn cho đó là sự may mắn có sự giúp đỡ của gia đình, của cơ quan, của những người thầy, của bè bạn và đồng nghiệp.

Trò chuyện cùng anh, nụ cười tươi, giọng nói vui vẻ, ấn tượng vềPGS. Nguyễn Văn Dư giản dị, chân tình, gần gũi đồng nghiệp trong NCKH, chuyên môn công việc hàng ngày.

Hoàng Hùng