19/01/2025 lúc 19:44 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe: Thành công từ đam mê khoa học và khát vọng cống hiến

Từng nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã lựa chọn con đường trở thành doanh nhân và tạo ra thương hiệu sơn Kova nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. Với những thành công rực rỡ của sơn Kova trên hành trình xây dựng và phát triển hơn 2 thập kỷ qua, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được giới trong nghề trìu mến gọi là “Bà hoàng” sơn Việt. Hôm nay, cô Hòe vẫn say mê, miệt mài làm việc, nghiên cứu vì niềm đam mê khoa học và khát vọng cống hiến cho cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sơn Kova

Đi lên từ gian khó, hành trình lập nghiệp khác biệt với số đông của cô sinh viên Bách khoa Hà Nội…

Tay bế con tay viết bài, chân quản đứa khác dưới gầm bàn, đứa thập thò ở cửa lớp, đó là tình cảnh thời sinh viên của Doanh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoè từng nhận giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1993, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử Nobel năm 2005, cô hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sơn Kova - Tập đoàn có 12 nhà máy, 12 công ty và 7 phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều cô tự hào nhất là "3 con đi theo nghiệp của mẹ. “Tôi để lại cho chúng một cơ ngơi, giờ không cần lo lắng về tiền bạc, mà làm việc với sự say mê nghề nghiệp và nhu cầu xã hội", cô bình dị chia sẻ. Ba người con từng theo mẹ lên giảng đường năm xưa, sau này cũng trở thành những giảng viên, nhà khoa học. Những năm gần đây, họ chuyển về quản lý Tập đoàn sơn của mẹ.

Kết hôn sớm, tới năm 20 tuổi khi vào ĐH Bách khoa Hà Nội, cô sinh viên Nguyễn Thị Hoè phải mang theo 3 con lên giảng đường. Giờ nhớ lại những ngày ấy, cô vẫn không quên được hình ảnh mình ôm con 9 tháng trên bàn học, bé hơn một tuổi bò dưới gầm bàn và con cả 3 tuổi thì thập thò ngoài cửa. "Thật sự phải cảm ơn thầy giáo rất nhiều vì cho bế con vào lớp. Có hôm tan học thấy hai con trai đang chạy dưới ruộng, bùn khắp người. Tôi ở bờ ruộng bên này lùa bắt con, thấy thầy giáo đang đi bờ ruộng bên kia liền gọi 'Thầy ơi, bắt hộ thằng bé cho em", cô bồi hồi nhớ lại. Ngày đó chồng cô Hoè làm cán bộ, bận bịu không phụ giúp được vợ. Sau giờ học, cô sinh viên ngành Hoá hữu cơ phụ đạo cho các bạn cùng lớp đổi lấy ngô, còn chăn nuôi thêm lợn, gà. Không có dầu thắp sáng, người mẹ mày mò làm pin nước sáng bừng cả căn lều tranh. Hình ảnh bốn mẹ con cô Hoè từng được Đài truyền hình Hà Nội ghi lại trong bộ phim “Một mái nhà tranh, bốn trái tim cùng chung năm học” vào năm 1967.  Có lẽ, chính sự nghèo khó đã hun đúc nên niềm say mê nghiên cứu khoa học để thoát nghèo trong cô sinh viên này. Hết hai năm đại học, cô Hoè được bổ nhiệm vào lớp giảng viên. Khi ra trường năm 1971, cô tham gia giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó là ĐH Cần Thơ và đến 1986 là ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, cô thường ứng dụng các phát minh của mình để trang trải cuộc sống, như thuốc chống ọc sữa, làm xà phòng từ dầu dừa...

Nhớ lại giai đoạn đó, khi đất nước mới thống nhất, nhà nào cũng chỉ mong đủ ăn đủ mặc. Cô Hoè và các con ở trong một căn phòng phải căng áo mưa chống dột. “Có đêm mưa nặng hạt đến mức áo mưa không trụ được rớt cái bịch xuống. Khi đó tôi nghĩ đến việc làm ra một loại sơn chống thấm để không còn lo dột nữa”, cô nói về những ngày sơ khai trên con đường nghiên cứu ứng dụng sơn. Sau hơn 5 năm công tác, đến tháng 9/1993, nhờ đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, TS. Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia tại Mỹ.

Sau chuyến đi đó, cô Hòe chính thức dấn thân vào con đường kinh doanh.  Những năm đầu lập nghiệp, mỗi chuyến ra nước ngoài của cô Hòe là một lần “liều”. Như năm 2000 sang Mỹ tìm đối tác, cô từng phải bán cả xe máy cũng chỉ gom được 500 đôla. Hành trang mang theo ngoài số tiền ấy là một thùng mỳ tôm.“Tôi thậm chí đã có lúc phải ngủ tại sân bay, ăn mỳ gói qua ngày”, cô Hoè kể lại. Ngôn ngữ cũng là một rào cản rất lớn. Cô vẫn nhớ một lần đói, muốn xin nước sôi ăn mỳ tôm, nhưng trong chốc lát không thể nhớ được từ nước sôi bằng tiếng Anh. “Tôi giơ gói mỳ ra với nhân viên khách sạn, nhưng họ không hiểu. Tôi lục tung từ điển cũng không ra được từ mình cần. Tận lúc thấy một vị khách cầm bát mỳ bốc khói, tôi mới nghĩ ra”, cô mỉm cười kể lại. Giờ thì, cô Hòe có thể phát biểu bằng tiếng Anh hàng tiếng đồng hồ trong lĩnh vực của mình.

…Nữ doanh nhân, nhà khoa học hiếm hoi làm giàu từ chính những nghiên cứu ứng dụng của mình

Từng bước, từng bước thương hiệu Kova của cô Hòe khẳng định vị trí một cách vững chắc. Năm 2013, cô Hoè gây tiếng vang khi công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về các loại sơn nano được làm từ... vỏ trấu, như sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy... Đặc biệt, giữa năm 2013, trong buổi ra mắt sản phẩm sơn nano sản xuất từ vỏ trấu lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới với tính năng chống cháy, kháng khuẩn và chống gỉ, cô Hòe gây bất ngờ khi giới thiệu sản phẩm sơn chống đạn. Nguyên liệu chính để làm ra các loại sơn nano này là silicat nano từ vỏ trấu được tách ra, có giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu, được dùng trong nhiều lĩnh vực như sơn, chống thấm, mỹ phẩm, dược phẩm, vi tính... Bên cạnh đó, trong chương trình nghiên cứu của Tập đoàn sơn Kova, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe còn tập trung vào vật liệu chống cháy với bề mặt chủ yếu là bê tông, gỗ, sắt thép. Sản phẩm sơn chống cháy nano từ trấu bảo vệ các bề mặt bê tông, thép, gỗ... trong tòa nhà dưới sức nóng lên đến 1.000 độ C trong thời gian 4 - 6 giờ. Sự cải tiến về kỹ thuật cũng như tư duy trong chiến lược kinh doanh đã giúp thương hiệu sơn của cô Hòe không chỉ cung cấp trong nước mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận như Singapore, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia.

Chia sẻ về quyết định đưa sản phẩm sơn Kova xâm nhập Singapore, một thị trường nổi tiếng khó tính và có tính cạnh tranh cao với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe cho biết đó là một quyết định liều lĩnh. Ngay từ những ngày đầu của dự án, phía đối tác của Đảo quốc Sư tử đã nhận định: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được đồ mây tre hay thực phẩm, còn về khoa học kỹ thuật thì sao đấu nổi với mấy nước khác”. Không nản lòng, nữ doanh nhân vẫn quyết định mở văn phòng tại đây để tìm hiểu thị trường địa phương. Hiểu rõ các sản phẩm sơn Kova cần nhận được sự chứng nhận khoa học của các tổ chức có uy tín tại đây, cô Hòe quyết định mang sản phẩm của mình đến trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore. Việc này đã ngốn của công ty hàng tỷ đồng, mất hơn một năm sản phẩm sơn Kova mới được kiểm nghiệm xong. Có giấy tiêu chuẩn, cô Hòe bắt đầu tìm đến các buổi đấu thầu công trình. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng sơn Kova cũng được thử nghiệm ở một dự án. Nhưng phải đến khi tham gia vào dự án sơn lại Trung tâm Thương mại Vivo City vào năm 2009 thì sản phẩm của cô mới bắt đầu tạo được dấu ấn. Sau thời gian dùng thử sản phẩm, chủ đầu tư và nhà thầu Nhật đều ưng ý. Từ dự án khó tính Vivo City, hiện 90% công trình của nhà thầu Nhật này ở nhiều quốc gia đang dùng sơn của Kova. Sơn Kova cũng đã tham gia vào nhiều công trình lớn tại Singapore, như hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học, sân bay và một số tòa nhà của Chính phủ. Công ty cũng đã cung cấp sản phẩm sơn kháng khuẩn cho một hệ thống bệnh viện có chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD. Sau đó, sơn nước Kova được chọn để thử nghiệm, thay thế cho loại sơn nhiệt dẻo đang dùng để sơn đường ở đất nước này.

Trung tâm Thương mại Vivo City - công trình tạo dấu ấn và tiền đề đưa thương hiệu sơn Kova phủ sóng tại thị trường khó tính Singapore.

Tuy mất nhiều công sức và tiền bạc, nhưng dấu ấn công nhận chất lượng của cơ sở Singapore đã mở ra nhiều cánh cửa cơ hội quý giá cho sản phẩm của công ty. Đến nay, sơn Kova của tiến sĩ Hòe đã vươn tầm thế giới và có mặt tại 7 quốc gia với 12 nhà máy lớn. Tại thị trường Malaysia, Kova cũng có nhà máy với hàng trăm công nhân. Bên cạnh đó, sản phẩm sơn Kova đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều công trình địa phương, như siêu thị lớn nhất Singapore, tòa chung cư 650 căn hộ, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy… Cô Hòe tự nhận mình thuộc số ít phụ nữ chỉ có đam mê duy nhất là nghiên cứu. Gần 80 tuổi, cô vẫn di chuyển liên tục từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội rồi Singapore, Campuchia, Malaisia… để điều hành việc sản xuất tại các nhà máy. Phần còn lại dành hết cho phòng thí nghiệm. Sản phẩm mới mà cô nghiên cứu vì thế cũng liên tục ra đời. Ông Nguyễn Duy, Giám đốc Kova Trading chia sẻ: “Cứ vài ngày chủ tịch lại gọi tôi vào cho xem sản phẩm mới và yêu cầu chúng tôi bán. Sản phẩm mới ra liên tục đến mức nhân viên không làm kịp kế hoạch kinh doanh”.

…Người phụ nữ bình dị, khiêm nhường với niềm đam mê khoa học bất tận và ước vọng về thương hiệu Sơn Việt sánh vai hội nhập cùng thế giới…

Ở tuổi gần 80, cô Hòe có một số vấn đề về sức khỏe, cũng hay quên tên, quên số điện thoại, nhưng các phương trình phản ứng thì không. Trong căn nhà riêng bình dị gần công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TP. Hồ Chí Minh), cô Hòe bố trí hai phòng thí nghiệm và gần như dành hầu hết thời gian trong ngày cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Người phụ nữ say mê khoa học kể, một ngày thông thường của cô bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc nửa đêm, sau khi ghi lại kết quả thí nghiệm.“Nhiều hôm đang lơ mơ ngủ tôi nghĩ ra phương trình phản ứng, hoặc phát kiến ý tưởng lại bật dậy”, sự say mê sáng bừng trên khuôn mặt cô khi nói. Mỗi ngày cô Hòe vẫn miệt mài làm việc 14 tiếng, chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Cô tự nhận mình là người phụ nữ không giỏi buôn bán. Cô bày tỏ việc mình thích nhất bây giờ còn là hướng dẫn, truyền động lực cho sinh viên nghiên cứu khoa học.“Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường ở lại làm việc trong doanh nghiệp của tôi. Tôi hướng dẫn để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học, vừa làm việc vừa say mê sáng tạo. Doanh nghiệp của tôi như bến đỗ của các nhà khoa học vậy!”- Cô Hòe tự hào cho biết. PGS Hòe đi khắp thế giới cũng vì công việc mà cô đang theo đuổi. Trong căn nhà của cô ở Singapore - đất nước mà sơn Kova rất có uy tín trên thị trường - vẫn có phòng thí nghiệm. "Đến nằm mơ tôi cũng nghĩ về nghiên cứu, đang mơ nghĩ ra thí nghiệm, tôi bật dậy làm tiếp" - PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe nói. "Làm khoa học đừng nghĩ đến tiền, hãy nghĩ đến kết quả có được sau những nỗ lực. Khoa học là vô giá, không lên giá rồi xuống giá như làm thương mại". Sơn Kova thành công bởi ý tưởng công nghệ nhiệt đới hóa. Và bây giờ, các nhà máy sản xuất sơn Kova đang trên tiến trình tự động hóa, cơ giới hóa rất mạnh mẽ. Bởi vậy, sản phẩm của PGS Hòe rất được ưa chuộng ở các nước nhiệt đới vì hiệu quả chống thấm, chống nấm mốc, thân thiện với môi trường và bảo vệ công trình trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt. 

Giải thưởng và học bổng KOVA do nhà khoa học - nữ doanh nhân, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe sáng lập và duy trì suốt hơn 20 năm qua được trao lần thứ 21 tại ngôi trường đại học do chính cô đã theo học khi còn là nữ sinh: Đại học Bách khoa Hà Nội. Cô được biết đến với phương châm làm khoa học thì không nói suông, với triết lý sống vì cộng đồng: nhà khoa học mà chưa làm giàu cho đất nước là có lỗi. Chủ tịch HĐQT tập đoàn sơn Kova luôn tâm niệm nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công. Thành công đối với cô là đưa nghiên cứu ra thực tế, được hàng chục nghìn sản phẩm và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Do đó, suốt hơn 20 năm kinh doanh, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe chưa bao giờ ngừng nghiên cứu cho ra các sản phẩm cải tiến. Nói về ước vọng của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe chia sẻ: “Tôi có một tâm niệm sẽ tiếp tục gắn bó cuộc đời mình với các nghiên cứu khoa học, mang đến nhiều hơn nữa những sản phẩm khoa học có tính thiết thực cao trong đời sống, giúp tạo ra nhiều giá trị có ích cho xã hội Việt Nam, và đưa sản phẩm sơn Kova sánh vai với các thương hiệu lớn khác trên thế giới”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe luôn say mê làm việc, nghiên cứu và truyền lại động lực, niềm đam mê cống hiến cho thế hệ trẻ tiếp nối. 

Anh Nguyễn Duy, cháu trai của cô Hòe - cho biết, bà là người truyền cảm hứng không chỉ với các thành viên trong gia đình mà cả nhân viên công ty. Cá nhân Nguyễn Duy - Giám đốc Kova Trading, người được Forbes Vietnam bình chọn vào danh sách 30 nhân vật tiêu biểu dưới tuổi 30 năm 2018 - đã có nhiều thời gian sinh trưởng, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ PGS.TS Nguyễn Thị Hòe. "Khoảng thời gian du học ở Singapore tôi hay qua sống cùng bà. Dù là người lãnh đạo tập đoàn, bà vẫn giữ lối sống tiết kiệm. Sáng sớm, bà đi siêu thị mua đồ về nấu cơm, hai bà cháu cùng ăn. Bà mang cơm đó đến công ty, không chỉ cho bà mà còn vài người nữa cùng ăn. Dù giờ đã đầy đủ rồi nhưng bà không có nhu cầu tiêu gì, chỉ biết nghiên cứu thôi", CEO Kova Trading Nguyễn Duy nói về người bà mẫu mực, đáng kính của mình. “Đối với tôi, tiền bây giờ không còn quá quan trọng, bởi bản thân tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Ăn thì ăn kiêng, du lịch không thích vì chỉ thấy phòng thí nghiệm là đẹp nhất”, cô Hòe bình dị chia sẻ.

Tiến Đức