Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – PGB) năm 2021 đạt 329 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2020 chủ yếu nhờ việc giảm chi phí dự phòng.
PGBank báo lãi trước thuế năm 2021 tăng 55%, đạt 329 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Trong quý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm khoảng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 của PGBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của PGBank năm 2021 đạt 329 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2020. Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ việc giảm chi phí dự phòng.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng chỉ duy trì ngang mức so với năm ngoái, đạt 1.168 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với 2020.
Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 9,3% so với năm trước lên 990 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 61% lên 48 tỷ, lãi từ mua bán chứng khoán tăng tới 167% lên 57 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại kém khả quan, chỉ có lãi 21,6 tỷ, giảm 31% so với năm 2020. Lãi từ hoạt động khác giảm mạnh 67%, chỉ đạt 51 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của PGBank xấp xỉ năm 2020, đạt 664 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm 38% xuống mức 175 tỷ đồng. Ngân hàng dồn trích lập vào quý cuối cùng của năm (gần 82 tỷ), trong khi 9 tháng đầu năm chỉ trích lập 93 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 40.613 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,1% đạt 27.499 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng lại giảm 2,3% xuống còn 28.074 tỷ đồng.
Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng ở mức 2,24% so với cùng kỳ. Nợ xấu tại VAMC của ngân hàng tăng 23% lên 707 tỷ đồng. Nợ đủ tiêu chuẩn khoảng 26.661 tỷ đồng, nợ nghi ngờ khoảng 87 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 472,8 tỷ đồng.
PGBank là một trong số ít ngân hàng không tăng vốn trong năm 2021. Hiện vốn điều lệ của PGBank chỉ ở mức quy định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, mã PGB của PGBank đang trên đà giảm sâu trong bối cảnh Petrolimex - cổ đông lớn nhất của ngân hàng – chưa có thêm thông tin mới về việc thoái vốn dù đã qua thời hạn dự kiến là cuối năm 2021.
Petrolimex hiện có 11 khoản đầu tư vào các công ty liên kết với tổng giá trị 2.992 tỷ đồng, trong đó, có giá trị lớn nhất là khoản đầu tư vào PGBank với giá trị 1.654,5 tỷ đồng và nắm giữ 40,57% vốn tại ngân hàng này.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, Hội đồng Quản trị PGBank đã trình và được cổ đông thông qua điều chỉnh tạm thời giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về 2% vốn điều lệ để tạo dư địa thu hút nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi Petrolimex tiến hành đấu giá. Tuy nhiên, việc thoái vốn của Petrolimex tại PGbank đã không thể hoàn thành trong năm 2021 do việc tổ chức đấu giá cần khoảng thời gian nhất định để thực hiện.
Cũng liên quan đến việc thoái vốn của Petrolimex tại PGBank, năm qua, dự định sáp nhập PGBank và HDBank cũng không thể thực hiện. Trước đó, PGBank cũng từng có phương án sáp nhập vào Vietinbank nhưng cũng bất thành.
Dự định sáp nhập PGBank vào HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, vì nhiều lý do - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Hữu Đặng cho biết - NHNN vẫn chưa có chấp thuận chính thức.
Ngày 2/6/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gửi công văn tới HDBank thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại PGBank theo quy định trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31/8/2020. Đến ngày 22/2/2021, PGBank cũng đã có công văn gửi HDBank đề nghị chấm dứt việc sáp nhập. Sau đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của 2 ngân hàng, các cổ đông đều chấp thuận quyết định trên.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của PGBank tổ chức ngày 30/3/2021, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch HĐQT PGBank cho biết: 6 năm qua, PGBank đã thực hiện phương án sáp nhập với VietinBank, rồi HDBank, nhưng không thành công, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới ngân hàng. Vì vậy, Hội đồng quản trị hiện tại có chủ trương là củng cố, kiện toàn và hoạt động PGBank độc lập.