24/04/2024 lúc 18:13 (GMT+7)
Breaking News

OCOP: Nguồn lực để Nam Định hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Vì vậy, Chương trình OCOP đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Định quan tâm triển khai thực hiện.

Nhờ đó, qua hơn 3 năm triển khai đến nay, Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định luôn nỗ lực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị doanh nghiệp tổ chức các hội nghị xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng.

Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Trường Phát, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) Trần Thanh Bình cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và Phòng Kinh tế thành phố Nam Định, Công ty đã tập trung nghiên tìm hiểu, nghiên cứu phát triển sản phẩm đông trùng hạ thảo. Nhờ nắm vững phương thức sản xuất thông qua tài liệu của nước ngoài, mạng internet và một số chuyên gia về lĩnh vực này, đến nay Công ty đã sản xuất thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo. Đầu năm 2021, sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Trường Phát đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Hiện, với 2 cơ sở sản xuất quy mô, mỗi lứa Công ty có thể sản xuất được 40 nghìn hộp đồng trùng hạ thảo cung cấp cho thị trường với giá 170 nghìn đồng/hộp 180 gram, hộp đồng trùng hạ thảo sấy khô bán giá 280 nghìn đồng/hộp. Cùng với xuất bán sản phẩm phục vụ nhu cầu đơn lẻ, hiện Công ty đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp cho các doanh nghiệp dược liệu như: Công ty cổ phần Dược phẩm Fresh Like, Công ty cổ phần Dược phẩm Tâm Đường và các cửa hàng, đại lý kinh doanh đông trùng hạ thảo trong cả nước… Những tháng đầu năm 2022, Công ty tạo việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng...

Sản phẩm OCOP nấm đông trùng hạ thảo hạng 3 sao của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Trường Phát (thành phố Nam Định) luôn được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 212 sản phẩm hạng 3 sao và 39 sản phẩm 4 sao; có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm là nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam (cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định) và Gạo sạch Toản Xuân, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Có 99 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm; 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống; 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ; 1 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn. Toàn tỉnh có 63 chủ thể có sản phẩm OCOP là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh của 10 huyện, thành phố. Trong đó có 21 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã và 30 hộ kinh doanh. Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định, Chương trình OCOP của tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh. Công tác tổ chức thực hiện được phân công cụ thể cho các cơ quan từ tỉnh đến huyện và xã. Các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình trong phạm vi quản lý. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có độ tuổi còn trẻ, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường. Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và địa phương nên Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp. Các huyện, thành phố, các xã, thị trấn đã quan tâm, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương…

Các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh những kênh truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử nên số lượng sản phẩm tăng nhiều hơn so với thời điểm chưa tham gia chương trình OCOP. Các sở, ngành của tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh: Sở Công Thương thường xuyên kết nối các hội chợ, triển lãm về sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; bố trí, sắp xếp các gian hàng OCOP của tỉnh tại các hội trợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị kết nối, giao thương cung cầu hàng hóa ở trong và ngoài tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm OCOP du lịch nông thôn của tỉnh và quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh tới các du khách đến tham quan tại tỉnh. Nam Định còn xây dựng được hàng chục điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó thành phố Nam Định 7 điểm, huyện Hải Hậu 2 điểm và huyện Vụ Bản 1 điểm. Toàn tỉnh đã có trên 100 sản phẩm OCOP đã được tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn và các mạng xã hội. Nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tỉnh khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh làm tặng phẩm cho du khách, làm quà tặng trong các dịp lễ, tết, hội nghị, hội thảo… đã bước đầu mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể bán được sản phẩm nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện đơn vị tư vấn, hướng dẫn làm sản phẩm OCOP, hiện các sản phẩm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của Nam Định chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, chưa phát triển các sản phẩm qua chế biến. Vẫn còn tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Theo đại diện một số chủ cơ sở, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh, để sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ mới, vay vốn ưu đãi và được tham gia các đợt xúc tiến thương mại nhiều hơn nữa.

Sản phẩm rau củ quả của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định) là sản phẩm OCOP hạng 3 sao được bày bán tại Hội chợ hàng nông sản tỉnh Nam Định.

Nam Định xác định tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Phấn đấu đến 2025 có 300 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên; trong đó năm 2022 có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP thông qua việc định hướng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa hoặc được thuần hóa, nhất là đặc sản vùng, miền, khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa… Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Xác định rõ những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh cao, tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao. Tiếp tục xây dựng, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình OCOP. Xây dựng dữ liệu, ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (QR-Code). Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tăng cường bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso… Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia chương trình OCOP. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do chủ thể không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển./.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

...