17/11/2024 lúc 20:24 (GMT+7)
Breaking News

OCOP - “Chìa khoá” để Nam Định xây dựng nông thôn mới

Phát huy thế mạnh có đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề nông thôn, tỉnh Nam Định đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành nguồn lực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới…

Thời gian qua, huyện Giao Thủy là địa phương có phong trào phát triển sản phẩm OCOP mạnh nhất tỉnh Nam Định. Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều giải pháp căn cơ, bài bản để thực hiện chương trình. Theo đó, UBND huyện ban hành Đề án khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP huyện giai đoạn 2021-2025. Các xã, thị trấn, HTX, cơ sở có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao sẽ được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, hạng 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng, hạng 5 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng. Cùng với việc ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với Bộ tiêu chí NTM; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mới các điểm bán hàng. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến sâu; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... vào sản xuất để sản phẩm tiếp cận, tham gia vào thị trường xuất khẩu… Nhờ đó đến nay, tất cả 22 xã, thị trấn trong toàn huyện đã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, trở thành địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Huyện phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có ít nhất 60 sản phẩm OCOP trở lên đạt hạng 3 sao; có trên 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có từ 1-2 sản phẩm chủ lực đạt hạng 5 sao.

Nhiều sản phẩm OCOP của Nam Định được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng.

Ông Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: UBND huyện đã chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu… Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 27 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Với việc xác định Chương trình OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị để tạo nguồn lực tại chỗ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu nên Nam Định đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. UBND tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia hàng chục hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm… Tỉnh đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.gov.vn; ocopvietnam.gov.vn; sàn thương mại điện tử Nam Định… Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối 2 doanh nghiệp viễn thông là Chi nhánh Viettel Nam Định và VNPT Nam Định thiết lập và đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn và PostMart.vn nhằm hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong đó, sàn giao dịch TMĐT Voso.vn của Viettel hỗ trợ gần 100 gian hàng với gần 300 sản phẩm gồm lúa gạo, muối, thịt và rau củ quả... Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương Nam Định cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn; xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại thành phố Nam Định, các trung tâm của các huyện, trong đó có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, với những sản phẩm OCOP như: Gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão, muối sạch, muối dược liệu, thủy hải sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương, rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh, nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…

Các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu (Nam Định) tham gia hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Từ chỉ đạo quyết liệt kết hợp sự hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các huyện, thành phố và người dân, đến nay tỉnh Nam Định đã có 330 sản phẩm của 183 cơ sở sản xuất (bao gồm 84 hộ kinh doanh, 53 doanh nghiệp và 46 hợp tác xã) được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 47 sản phẩm hạng 4 sao và 283 sản phẩm OCOP hạng 3 sao; đặc biệt có 2 sản phẩm nghêu thịt đóng hộp Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đang được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh khá đa dạng từ lĩnh vực du lịch, thực phẩm đến nông sản, thủy sản… Trong đó, nhóm sản phẩm lĩnh vực thực phẩm chiếm nhiều nhất với 307 sản phẩm (tỷ lệ 93,31%). Chất lượng sản phẩm OCOP của các địa phương được đánh giá tốt, hình thức, mẫu mã bao bì đẹp, đa dạng, bảo đảm các quy định và gắn với đặc trưng của địa phương. Các sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ bằng nhiều hình thức như trên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, PosMart.vn, các ứng dụng mạng xã hội…; tham gia các hội chợ thương mại của tỉnh và các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước…

Sản phẩm OCOP mang thương hiệu "Gạo sạch Toản Xuân" đang được tỉnh Nam Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, ngay từ đầu, trong chỉ đạo triển khai Chương trình, tỉnh đã thống nhất quan điểm “làm thực chất”, không chạy theo phong trào mà phải đi vào gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương; đặc biệt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, theo quy định các chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chú trọng duy trì chất lượng sản phẩm, tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên phải chấp hành các quy định về xây dựng và công bố quy trình sản xuất; quản lý chất lượng nguyên liệu; kiểm soát quá trình sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc…; các quy định về chất lượng sản phẩm như: hệ thống kho bảo quản sản phẩm, hàng hóa, bảo quản nguyên liệu đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên. Sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lưu thông phải phù hợp với chất lượng cơ sở sản xuất đã công bố hoặc tiêu chuẩn sản phẩm, được dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Nam Định. Chấp hành yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của cơ quan quản lý, nhất là trong tình huống xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm; phải báo cáo, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân. UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT quản lý nhóm hàng thực phẩm; Sở Công Thương quản lý nhóm hàng đồ uống, vải, may mặc; Sở Y tế quản lý nhóm hàng thảo dược; Sở KH và CN quản lý nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí; Sở VH, TT và DL quản lý dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng…

Sự nhất quán, quyết liệt và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cùng sự vào cuộc tích cực của các chủ thể sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tạo nguồn lực để các địa phương thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Định./.

Khôi Nguyên

...