Có thể nhiều người còn chưa biết, bài hát đầu tiên trên Đài phát thanh Sài Gòn sau giây phút Dương Văn Minh đầu hàng vào ngày 30/4/1975 chính là bài “Nối vòng tay lớn” do chính tác giả Trịnh Công Sơn hát “chay”. Không mang tư tưởng phân biệt người chiến thắng hay kẻ chiến bại, bài ca vang lên như một niềm hạnh phúc vỡ òa khi từ nay chiến tranh đã chấm dứt, anh em Nam Bắc sẽ được sum họp một nhà.
Bài hát “Nối vòng tay lớn” được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết từ năm 1968 và được đưa vào cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” của ca sĩ Khánh Ly vào năm 1969. Ngay sau khi ra mắt, bài hát đã được tầng lớp học sinh, sinh viên và thanh niên miền Nam đón nhận nhiệt liệt. Lần đầu tiên ca khúc được hát vang trong những buổi sinh hoạt tập thể là vào năm 1970 trong trại “Nối vòng tay lớn” của học sinh, sinh viên miền Nam; và sau đó, ca khúc thường được sử dụng để “khai mạc” những buổi sinh hoạt thanh niên.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bản nhạc “Nối vòng tay lớn” (Ảnh tư liệu)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - một trong những người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời - cũng khẳng định: "Trong suốt 5 năm, từ 1970 đến 1975, bài hát "Nối vòng tay lớn" này đi khắp cả nước trong phong trào thanh niên.”
Bài hát đầu tiên trên Đài phát thanh Sài Gòn sau Giải phóng
Không ai dự tính trước rằng trong buổi phát thanh lịch sử đó sẽ có Trịnh Công Sơn và bài hát “Nối vòng tay lớn”. Tất cả các nhân vật tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn ngày hôm đó đều không phải là “dân chuyên” và đều rất bối rối trước thời điểm lịch sử này. Những lời tuyên bố đầu tiên được phát trực tiếp trên Đài vào lúc 13h30 ngày 30/4/1975 cũng là do ông Nguyễn Hữu Thái - Cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - làm phát thanh viên bất đắc dĩ. Văn kiện đầu hàng của tướng Minh cũng được Đại tá Bùi Văn Tùng viết vội. Vậy nên, chẳng ai kịp tính toán đến việc mời văn nghệ sĩ tới cả.
Vậy mà, trong đoàn người đổ về Đài phát thanh Sài Gòn trưa hôm ấy lại có nhạc sĩ họ Trịnh. Anh sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh - một trong những người tiếp quản Đài phát thanh vội đưa Trịnh vào. Sau khi đài lần lượt phát đi văn kiện đầu hàng của tướng Minh, thủ tướng Mẫn và lời chấp nhận đầu hàng của Đại tá Bùi Văn Tùng, đến lượt Trịnh Công Sơn - một đại diện cho giới văn nghệ sĩ lên tiếng: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...”.
Bằng một thái độ chân thành mà vẫn rất đỗi hân hoan, Trịnh Công Sơn phát biểu rằng “ngày hôm nay, mơ ước của các bạn về độc lập, tự do và thống nhất đã trở thành hiện thực”, rồi thuyết phục người dân và anh em văn nghệ sĩ miền Nam hãy hợp tác chặt chẽ với Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, bởi “họ đến đây với tinh thần hòa giải tốt đẹp, các bạn không có lí do gì sợ hãi để mà ra đi cả”. Sau đó, dù không mang theo đàn guitar, nhạc sĩ vẫn xin hát bài “Nối vòng tay lớn” bởi “ngày hôm nay, cái vòng tay lớn đó đã được nối kết”.
Tiếng hát chay của nhạc sĩ họ Trịnh lúc đầu xem chừng như ngập ngừng. Nhưng càng về sau lại càng có nhiều anh em góp giọng, họ còn cao hứng vỗ tay, gõ nhịp lên bàn thay cho trống. Trong giây phút ước mơ thống nhất đất nước trở thành hiện thực, tất cả những người có mặt tại Đài phát thanh hôm đó vừa hân hoan lại vừa bỡ ngỡ, tưởng mình đang đi ra từ một giấc mơ. Bài hát “Nối vòng tay lớn” và đôi lời phát biểu của Trịnh Công Sơn trong giờ phút lịch sử ấy có ý nghĩa nhân văn rất lớn: kêu gọi hòa hợp và hòa giải, tô đậm niềm vui “anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát” thay vì kéo dài thêm hận thù giữa hai chiến tuyến.
Anh bộ đội Nguyễn Văn Thọ - một trong những người lính giải phóng tiến vào Sài Gòn trong ngày thiêng liêng đó, đã bồi hồi ghi lại: “Bài hát đã có tác động làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế thật quá trọng đại!”.
Tinh thần hòa hợp dân tộc còn sống mãi
Cho tới nay, ca khúc “Nối vòng tay lớn” vẫn luôn là bài ca mở đầu hay kết thúc cho nhiều buổi hội họp lớn nhỏ. Bởi tinh thần của Trịnh Công Sơn gửi gắm trong bài hát vẫn chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt: dù trong hoàn cảnh nào, người dân Việt cũng khát khao đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau để cùng kiến tạo một quốc gia độc lập, hòa bình, hạnh phúc.
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” là một hành trình kết nối dường như vô tận: từ Bắc vô Nam, từ quê nghèo lên phố lớn rồi lại từ thành phố về thôn quê - trong ca khúc có tận mười từ “nối” tất thảy. Dù đường sá có muôn vàn cách trở, dù có phải “từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi” hay “vượt thác cheo leo”, anh em Nam Bắc một nhà vẫn quyết tâm “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Mối dây liên kết bền chặt giữa đồng bào Việt Nam còn vượt qua cả âm dương cách trở: ngay cả những người đã nằm xuống cũng góp phần “nối linh thiêng vào đời” để cả non sông “nối liền một vòng tử sinh”. Bài hát đã được đưa vào Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 9, nhằm giáo dục cho các em học sinh phổ thông về tinh thần hòa hợp dân tộc và sự thống nhất một lòng của người dân Việt Nam.
Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng đầy tính nhân văn của bài hát đã giúp “Nối vòng tay lớn” không chỉ được lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam, mà còn gây được sự chú ý với giới yêu nhạc quốc tế. Ca khúc đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh với cái tên “Great Circle of Vietnam” bởi Richard Fuller - một người Mỹ yêu thích nhạc Trịnh. Thậm chí, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhắc đến ca khúc này trong bài phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tháng 5/2016 để bày tỏ thiện chí về việc hai dân tộc hòa giải những mâu thuẫn trong quá khứ để xích lại gần nhau hơn.
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Giải phóng miền Nam lịch sử 30/4/1975, và hơn 50 năm ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện sứ mệnh lan tỏa tình đoàn kết dân tộc. Khúc ca ngày giải phóng đó vẫn còn vang mãi, để nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dù cho bất kỳ biến cố nào xảy ra, non sông Việt Nam vẫn sẽ liền một dải, dân tộc Việt Nam vẫn sẽ là một dân tộc đoàn kết và thống nhất./.