18/01/2025 lúc 09:46 (GMT+7)
Breaking News

Nơi trái tim đất liền gửi qua đầu ngọn sóng

VNHN - Hà Nội những ngày này đang có một triển lãm rất đặc biệt, một triển lãm không chỉ có ảnh, mà còn có cả thơ, sách và hơn thế nữa, là tình cảm dạt dào của những người ở đất liền gửi yêu thương trở ra Trường Sa, nơi họ từng đặt chân đến và mãi mãi không bao giờ quên.

VNHN - Hà Nội những ngày này đang có một triển lãm rất đặc biệt, một triển lãm không chỉ có ảnh, mà còn có cả thơ, sách và hơn thế nữa, là tình cảm dạt dào của những người ở đất liền gửi yêu thương trở ra Trường Sa, nơi họ từng đặt chân đến và mãi mãi không bao giờ quên.

Đó là triển lãm “Nơi đầu sóng” với ảnh của một tác giả hoàn toàn không chuyên: kỹ sư Trần Thành, và giới thiệu sách “Nơi đầu sóng” của nhà thơ Lữ Mai. Triển lãm ảnh còn có sự góp mặt của nhiều tác giả là những người từng đặt chân đến Trường Sa, ghi lại những điều đặc biệt hoặc đơn giản chỉ là những gì mình thích ở nơi xa thẳm trùng khơi này, như nhà báo Mỹ Trà, các tác giả Võ Việt, Quang Tiến, An Bang, Trần Duy Tình, và đặc biệt, có một người vừa là tác giả, vừa là nhân vật trong tác phẩm: đại tá Phan Ngọc Quang, chính ủy Lữ đoàn 685 Quân chủng Hải quân.

Con tàu chở cả một vùng mây trắng.

Triển lãm gồm 100 bức ảnh, phần lớn trong số đó của tác giả Trần Thành. Nếu chỉ ngắm nhìn những bức ảnh, ai cũng nghĩ anh là một phóng viên nhiếp ảnh, hay một người chụp ảnh chuyên nghiệp, với những bức ảnh rất có hồn và đầy ắp thông tin. Ít ai đoán được anh là một kỹ sư, với công việc hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiêp ảnh. Anh là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường và nhiều công trình đang ấp ủ nhằm cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1. Và anh cũng đã có tới tám lần ra với quần đảo tiền tiêu Tổ quốc này. Mỗi chuyến đi, hành trang của anh lại nặng thêm với rất nhiều hình ảnh, câu chuyện sinh động từ cảnh đến người ở Trường Sa và trong suốt các hành trình.

Nụ cười chứa đầy niềm hi vọng của các chiến sĩ.

Những góc nhìn của tác giả Trần Thành thật đặc biệt. Anh cho biết, mình chụp theo kiểu thích gì chụp nấy, thấy gì hay thì ghi lại. Nhưng những cái “hay” của anh quả thực vô cùng độc đáo. Một chú cá chuồn, không chỉ là cá chuồn, mà còn là những vũ điệu đều tăm tắp trên mặt sóng xanh biếc, giữa kẻ săn mồi cả bên trên lẫn bên dưới mặt nước. Tác giả còn ghi chép tỉ mỉ tốc độ “bay” của cá chuồn như thế nào để tạo nên được vũ điệu đẹp như vậy, và không phải ai cũng có cơ hội may mắn chộp được hình ảnh của cá chuồn.

Trần Thành còn ghi lại cả những hình ảnh phong cảnh đẹp tuyệt. “Hừng đông trên thềm lục địa”, “Sóng An Bang”… và đặc biệt là hình ảnh con tàu kiểm ngư Việt Nam chở theo cả một vùng mây trắng, đi cùng những vần thơ đầy cảm xúc của Lữ Mai.

Vũ điệu sinh tồn.

Nhưng điều ấn tượng hơn cả trong các tác phẩm của Trần Thành là ảnh chụp người và những câu chuyện đằng sau nhân vật đó: Nụ cười tươi rói hồn nhiên của anh lính đảo, chàng trai của biển trẻ măng rụt rè đặt nụ hôn lên bàn tay cô gái hậu phương, những nụ cười méo của vợ, con người lính khi con tàu nhổ neo ra khơi – bức ảnh làm rơi nước mắt không ít người xem, ba hồi còi của những con tàu trước khi cập đất liền… Những câu chuyện dung dị được kể hết sức cảm động qua từng bức ảnh, có những câu chuyện được kể bằng thơ.

Triển lãm ảnh còn có sự góp mặt của nhiều tác giả khác. Điều đáng nói, những câu chuyện mà các tác giả Mỹ Trà, Võ Việt, Quang Tiến, An Bang, Trần Duy Tình… mang đến triển lãm, không chỉ là cảnh và người, mà còn là đầy đủ hình ảnh của 15 cụm nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Việt Nam. Lần đầu tiên, khán giả Hà Nội được nhìn thấy hình ảnh của những nhà giàn Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Cà Mau, Quế Đường…, và đặc biệt là Tư Chính. Mỗi cụm nhà giàn đều có chú thích cụ thể và đầy đủ, kể cả thông tin bao nhiêu nhà giàn bị đổ do bão, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ trên các cụm nhà giàn tiết kiệm từng cm2 đất để trồng rau xanh.

Sóng An Bang.

Một phần vô cùng quan trọng của triển lãm, là lễ ra mắt cuốn sách “Nơi đầu sóng”, do NXB Văn học ấn hành. Ảnh của Trần Thành, tản văn của Lữ Mai, nữ tác giả hiện đang công tác tại ban Văn hóa – Văn nghệ, báo Nhân Dân, đồng thời là thành viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, được tập hợp trong cuốn sách. 21 câu chuyện tượng trưng cho 21 hòn đảo của quần đảo Trường Sa, với chín đảo nổi và 12 đảo chìm. Những nhân vật, những câu chuyện được Lữ Mai ghi chép lại tỉ mỉ, qua góc nhìn của một người trẻ và giàu tình cảm: các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trên tàu, người thân, gia đình của họ, những người thợ máy, thủy thủ phục vụ thầm lặng và đầy hy sinh…, cho đến những câu chuyện về cây trái trên đảo, chỉ một cây quất Văn Giang cũng đem lại sức mạnh tinh thần cho người lính rất nhiều, chuyện rau xanh, hay câu chuyện đặc biệt về một ca mổ nguy cấp trên đảo.

Ở lần phát hành đầu tiên này, “Nơi đầu sóng” được in 5.000 bản, và hai tác giả cho biết, phần lớn số sách này sẽ được chuyển ra tặng các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo xa, nhà giàn trên biển.