VNHN - Xuất phát từ Thành phố Buôn Ma Thuột, tìm về xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk để đến thăm trường Tiểu học Nguyễn Trãi, chúng tôi phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi xe máy, vượt qua nhiều cung đường chứa đựng nhiều cảm xúc khác nhau. Mỗi lần phải né tránh hay “phi” phải những ổ gà, ổ voi, rồi quanh co, uốn lượn của con đường từ trung tâm huyện vào xã, chúng tôi lại càng khâm phục hơn sự yêu nghề, tận tụy của các giáo viên ở xa về đây “gieo chữ”.
Và rồi chúng tôi cũng đến được trường vào thời điểm giữa trưa, lúc này trường vắng tanh vì đã tới giờ tan trường, đang loay hoay tìm bóng mát để dựng xe, thì có tiếng cất lên “anh chị tìm ai thế?” của một người trạc tuổi ngoài 30 từ khu nhà lụp xụp bên hông trường. Sau khi hỏi thăm, thì mới biết đó là thầy Nguyễn Văn Hảo, vừa đi mua ít rau cùng vài con cá khô từ quán nhỏ đầu xóm trở về và khu nhà kia chính là nhà tập thể của hơn 14 giáo viên đang công tác giảng dạy tại trường tiểu học Nguyễn Trãi.
Giờ nghỉ trưa của thầy, cô trong khu nhà tập thể của hơn 14 giáo viên đang công tác giảng dạy tại trường tiểu học Nguyễn Trãi.
Chúng tôi đến trường đúng vào giờ nghỉ trưa, nhìn lướt qua khu nhà tập thể, các thầy cô đang mỗi người mỗi việc phụ giúp nhau để chuẩn bị cho bữa trưa, vậy nên cũng chẳng mấy ai biết đến sự có mặt của chúng tôi. Sau khi được thầy mời vào ngồi uống nước và trò chuyện, chúng tôi mới biết thầy sinh năm 1984, hiện đã có hơn 10 năm giảng dạy tại đây, nhà thầy ở tận huyện Cư M'gar thế nên phải ở lại nhà tập thể, cuối tuần mới nhờ đồng nghiệp chở ra trục đường chính để bắt xe buýt về thăm nhà. “Trước đây, ra trường tôi đã về đây công tác từ thời chưa tách trường ấy, hồi đó còn hoang sơ lắm, nghĩ cũng buồn, xa gia đình, nhớ cha, nhớ mẹ. Sau này lập gia đình thì, vợ, con, nhưng ở đây các đồng nghiệp cũng như mình nên động viên nhau để vượt qua. Thấm thoát đã hơn 10 năm rồi, tôi cũng đã quen và thương các trò nơi đây, nhưng nhiều khi cũng buồn thật, lúc con ốm đau một mình vợ chăm sóc, nhớ quá thì gọi điện nói chuyện cho đỡ…” nói tới đây giọng thầy nghẹn dần rồi ngắt quãng bởi tiếng của đồng nghiệp gọi vào dùng cơm và dĩ nhiên chúng tôi cũng được mời.
Bữa cơm trưa đạm bạc, nhưng đầy ắp tiếng cười của các thầy, cô.
Trong bữa cơm đạm bạc ấy, chúng tôi cảm nhận được sự đoàn kết, cái tình của những người “gieo chữ” xa nhà. Họ mời gọi, gắp cho nhau từng miếng rau, miếng đậu và những câu chuyện tiếu lâm tạo tiếng cười, có lẽ để quên đi cái nhớ nhà, nhớ người thân, gia đình. Tại bữa cơm, thầy Hảo giới thiệu cho chúng tôi về các thầy, các cô ở đây. Tất cả đều ở huyện thị vùng xa tới, như cô Nguyễn Thị Thương ở huyện Cưmgar; cô Lê Thị Tình ở huyện Buôn Đôn; cô Nguyễn Thị Loan quê Phú Thọ đã công tác tại trường 20 năm…Cô Nguyễn Thị Thương nhà ở huyện Cưmgar, hiện đã công tác tại trường hơn 9 năm. Sau khi ra trường, cô đã công tác tại trường cho đến nay và cũng như bao đồng nghiệp khác, cứ chiều thứ 6 hàng tuần lại lạch cạch trên chiếc xe máy, vượt hàng trăm km để về thăm nhà. Chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết: “Thấm thoát cũng đã gắn bó được 9 năm, xa nhà thì ai chẳng nhớ nhưng được sự quan tâm của nhà trường, của chính quyền và sự động viên của đồng nghiệp, mọi nhớ nhung đều như gác lại. Không chỉ riêng tôi, mà các thầy cô ở đây đều có một tình yêu đặc biệt với các em, chúng tôi thương các em khi còn thiếu thốn đủ thứ, xã nghèo mà…” ánh mắt của cô dần đỏ, giọt nước mắt chảy dài nhưng tôi nghĩ đó không phải vì nhà cô ở xa mà vì tình thương cô nghĩ tới cho các học sinh nơi đây. Tiếng cười trước đó cũng ỉm đi, thay vào đó là một khoảng không tĩnh lặng trong căn phòng chưa đầy 9m vuông, ai cũng một ánh mắt xa xăm hướng ra cánh cửa ửng nắng hồng.
Con đường dẫn chúng tôi đến thăm trường tiểu học Nguyễn Trãi.
Cô Nguyễn Thị Loan (1975) quê Phú Thọ, ở và công tác tại đây đã 20 năm. Khoảng thời gian này gần như cô đã dành tất cả cho công việc giảng dạy và tình yêu thương cho các em học sinh. “Tôi sống và làm việc ở đây đã 20 năm, người dân ở đây thân thiện lắm, chỉ mỗi là còn khổ quá, nhiều hoàn cảnh các em đến trường mà rơi nước mắt, mong muốn của tôi cũng như các thầy cô giáo ở đây là làm sao để các em có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống.” Cô Loan chia sẻ.
Kết thúc bữa trưa, các thầy cô lại phải chuẩn bị lên lớp, trên đường đến trường cô Lê Thị Tình, sống tại Buôn Đôn cho biết: Đã công tác tại trường từ năm 2010 sau khi tốt nghiệp, cảm nhận ngày đầu khi về nhận công tác thật khó quên, lúc đó còn hoang sơ, trên đường đi vào thì đã nhớ gia đình rồi và nghĩ nhiều thứ lắm. Tuổi trẻ mà, khi về đây thiếu thốn đủ thứ cả, cũng rất may là đồng nghiệp ở đây đều có hoàn cảnh xa gia đình và từng trải nên đã động viên khích lệ, dần rồi đều vượt qua. Ở đây, thầy cô, các trò và người dân địa phương có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình cảm thì luôn dạt dào, có những ngày trò mang khoai lên để cho cô, hình ảnh đó là điều mà tôi không bao giờ quên được.
Chia sẻ với phóng viên, cô Trịnh Thị Hương – Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi cho biết: Các thầy cô ở đây là những giáo viên tuyệt vời, luôn nhiệt huyết, hăng say với nghề, yêu thương dạy dỗ các em hết mực và được các bậc phụ huynh yêu quý, tôn trọng. Với vai trò là quản lý, mong muốn rằng các thầy cô được quan tâm hơn, có nhà tập thể khang trang hơn để các thầy cô yên tâm công tác, vì hiện tại gọi là nhà tập thể chứ thực chất là tận dụng điểm trường cũ trước đây để ở tạm.
Cô Trịnh Thị Hương – Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi.
Tại đây, người dân đa số thuộc diện hộ nghèo, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất dẫn đến phụ huynh cũng ít có thời gian để quan tâm đến con cái vì họ phải lao động cật lực để trang trải cuộc sống. Hơn nữa việc bố mẹ của các em học sinh cũng có nhiều trường hợp đi làm ăn xa, các em ở lại với ông bà thì lại càng khó khăn hơn. Tất cả dễ dẫn đến tình trạng các em học sinh bỏ học. Trước tình hình đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã luôn phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đồn 735… thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các em tới trường. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm nhằm quan tâm giúp đỡ cho các em về điều kiện, vật chất để các em được đến lớp học tập.
Trời đã xế chiều, cũng là lúc chúng tôi phải rời đi, lại phải vượt qua nhiều cung đường đầy ổ gà, giờ đây ngoài sự cảm phục ngay từ đầu, trong chúng tôi lại luôn khắc ghi hình ảnh, ánh mắt xa xăm và đâu đó là vài giọt nước mắt lăn trên gò má như đang kìm nén tất cả. Họ gần như quên đi bản thân “riết rồi cũng quen” và xem đó như là nhiệm vụ, vẫn vững tay chèo lái con đò đưa chữ đến với các em, nơi vùng biên giới của mảnh đất Tây Nguyên khói lửa một thời./.