18/01/2025 lúc 17:43 (GMT+7)
Breaking News

"Nỗi lòng" của các dự án PPP cao tốc: "Khó chồng khó"

Sau nhiều tháng triển khai, 3 dự án cao tốc đầu tư theo hình thức công tư (PPP) đều gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đến thời điểm này Nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng, chưa góp đủ vốn chủ sở hữu theo yêu cầu nên đã vi phạm hợp đồng dự án. 

Sau nhiều tháng triển khai, hiện 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức công tư (PPP) đều gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt, tại dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng, chưa góp đủ vốn chủ sở hữu theo yêu cầu nên đã vi phạm hợp đồng dự án. 

Bộ GTVT thúc tiến độ 3 dự án cao tốc PPP

Ngày 26/11/2021, Bộ GTVT đã ra thông báo về Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại buổi họp kiểm điểm tiến độ triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức PPP. Qua đó, Bộ trưởng yêu cầu phải nhanh chóng tháo gỡ các tồn tại vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án.

Đặc biệt với cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Dự án đã được các bên ký kết Hợp đồng và khởi công từ tháng 5/2021, tuy nhiên sau 6 tháng triển khai nhiều hạng mục công trình chậm tiến độ theo yêu cầu của Hợp đồng Dự án đã ký kết.

"Đặc biệt sau 6 tháng thực hiện theo nhưng Nhà đầu tư vẫn chưa ký kết được hợp đồng vay vốn để triển khai Dự án, nên đã vi phạm các quy định của Hợp đồng dự án", Bộ GTVT nêu rõ.

Chính vì thế, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, đánh giá cụ thể đề xuất của Nhà đầu tư về việc kích hoạt điều khoản bất khả kháng trong Hợp đồng bảo đảm chặt chẽ; báo cáo Bộ GTVT trước ngày 29/11/2021. Tiếp tục phối hợp với Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đàm phản ký kết Hợp đồng tín dụng hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án.

Triển khai song song các thủ tục chấm dứt Hợp đồng theo quy định trong trường hợp Nhà đầu tư không chứng minh được lý do kích hoạt điều khoản bất khả kháng hoặc không huy động được đầy đủ nguồn vốn thực hiện dự án.

Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tập trung đôn đốc, chỉ đạo Ban QLDA6 và Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ ký kết Hợp đồng tín dụng, triển khai thi công ngoài công trường; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tỉnh hình triển khai, khó khăn, vướng mắc của Dự án.

Đối với Dự án PPP cao tốc đoạn Nha Trang - Cam LâmMặc dù tiến độ triển khai Dự án có chuyển biến tích cực hơn so với 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tuy nhiên đến thời điểm này Nhà đầu tư cũng chưa ký được Hợp đồng tín dụng cho Dự án, trong khi thời gian còn lại để thu xếp nguồn cho Dự án không còn nhiều. Vì thế, yêu cầu Nhà đầu tư khẩn trương thực hiện để tránh xảy ra tình trạng chậm tiến độ như dự án Diễn Châu - Bãi Vọt.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (QLDA): Tăng cường đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ Nhà đầu tư/DNDA trong quá trình đảm phản hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án.

Đặc biệt, thông báo tới Nhà đầu tư việc Bộ GTVT sẽ xử lý vi phạm Hợp đồng trong trường hợp Nhà đầu tư/DNDA không huy động đủ nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Dự án.

Ban QLDA Hồ Chí Minh phải tổng hợp báo cáo Bộ GTVT về khả năng huy động vốn của Nhà đầu tư và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 30/11/2021. Phối hợp với Nhà đầu tư, địa phương xử lý các tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB và thiếu nguồn cung cấp vật liệu cho Dự án.

Đối với Dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án 85 tăng cường đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ Nhà đầu tư/DNDA đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án.

Đồng thời, thông báo tới Nhà đầu tư việc Bộ GTVT sẽ xử lý vi phạm Hợp đồng trong trường hợp Nhà đầu tư/DNDA không huy động đủ nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Dự án; rà soát kỹ quy định pháp luật, tỉnh khả thi của nguồn vốn Nhà đầu tư dự kiến huy động qua hình thức hợp tác kinh doanh (BCC).

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa trong quá trình các Nhà đầu tư/DNDA triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ Dự án, nghiên cứu kỹ các quy định của Hợp đồng dự án và quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu Lãnh đạo Bộ trong quá trình giải quyết các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm Hợp đồng Dự án.

Theo tìm hiểu của Vietnamhoinhap, suốt 2 năm qua, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi tới Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng tín dụng nhằm tháo gỡ dòng vốn cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên, do nợ xấu của các BOT, BT giao thông đang có chiều hướng gia tăng nên nhiều ngân hàng không muốn cho vay đối với PPP giao thông vì sợ rủi ro tín dụng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8/2021, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 3,57% so với cuối năm 2020, chiếm 1,07% tổng dư nợ nền kinh tế. Mặt khác, do dịch Covid - 19 lan rộng qua 4 đợt bùng phát nên việc đi lại, vận chuyển giảm mạnh ảnh hưởng lớn doanh thu của các dự án BOT. Vì thế, việc ngân hàng thắt chặt tín dụng cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng là nguyên nhân có 5/8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2022 đã buộc phải chuyển về đầu tư công vì không tìm được nhà đầu tư.

Đến nay, có 3/8 dự án PPP đã tìm được nhà đầu tư nhưng không thể huy động nguồn vốn, cho dù, mức vay của các nhà đầu tư PPP chỉ chiếm khoảng 36% tổng vốn đầu tư dự án (thay vì giai đoạn 2011-2015 có lúc lên tới 80% tổng vốn dự án). Thế nhưng, do những rủi ro về tài chính nên các ngân hàng vẫn ngại cho vay 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Đến thời điểm này, 3 nhà đầu tư đều có nguy cơ vi phạm hợp đồng và rất có thể dẫn đến nguy cơ bị thu hồi dự án. Nếu kịch bản đó xảy ra, quả thực là "khó chồng khó" cho các PPP cao tốc, đây cũng là điều không ai mong muốn.