VNHNO -Nobel Hòa bình 2018 được trao cho Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt nạn lạm dụng tình dục.
Nadia Murad (trái) và Denis Mukwege, hai chủ nhân của Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: Reuters.
Ủy ban Nobel Na Uy vào 11h (16h giờ Hà Nội) hôm nay công bố giải Nobel Hòa bình thuộc về bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad, người phụ nữ từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục.
Giải thưởng năm nay trị giá 9 triệu kronor (khoảng 990.000 USD).
Denis Mukwege và Nadia Murad được tôn vinh vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.
Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, Nadia Murad, người từng bị IS liên tục hãm hiếp và ngược đãi, đã cho thấy "lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác".
Trong khi đó, Mukwege, là "biểu tượng tiên phong và thống nhất cả trong nước lẫn quốc tế" trong cuộc đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục. Bác sĩ người Congo dành hầu hết cuộc đời mình để giúp đỡ và điều trị cho hàng nghìn nạn nhân tình dục ở đất nước ông.
Mukwege thành lập "City of Joy", trung tâm điều trị cho các nạn nhân bị cưỡng bức, vào năm 1999. Ý tưởng của bác sĩ 63 tuổi xuất hiện khi ông phát hiện những vết thương chưa từng thấy trên cơ thể những phụ nữ bị hãm hiếp theo cách vô cùng khủng khiếp. Họ không những bị cưỡng bức tập thể mà còn bị tấn công bằng gậy, súng và chai nước. Sau 10 năm nằm trong danh sách ứng cử viên cho Nobel Hòa bình, Mukwege đã được vinh danh.
"Cả hai đều mạo hiểm sự an toàn của chính mình khi can đảm chiến đấu chống lại tội ác chiến tranh và bảo vệ công lý cho các nạn nhân", Ủy ban cho biết.
Murad bị IS bắt cóc tại Iraq vào tháng 8/2014 cùng các chị em của mình. Cô mất mẹ và 6 người anh khi nhóm phiến quân giết toàn bộ đàn ông trong làng và những phụ nữ quá tuổi. Cô từng giành các giải Sakharov và Vaclav Havel, hai giải thưởng danh giá về nhân quyền của EU và Hội đồng châu Âu vào năm 2016.
Murad, 25 tuổi, là người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai sau Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải năm 2014 nhờ các hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em khi cô 17 tuổi.
Ánh Ngọc