23/12/2024 lúc 10:54 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận - Độc đáo văn hóa Chăm Pa

Người Chăm, trong bức tranh văn hóa Việt Nam là một trong những nét vẽ đặc sắc và nổi bật làm tôn lên vẻ đẹp đa dạng của văn hóa Việt Nam. Việc nghiên cứu văn hóa người Chăm là cần thiết đối với các ngành khoa học xã hội, góp phần vào sự bảo tồn cũng như phát triển chung văn hóa của dân tộc. Những nét độc đáo trong văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam từ bao đời nay vẫn còn lưu giữ bảo tồn.

Ngược dòng lịch sử.

Nét độc đáo trong điêu khắc của người Chăm Pa ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Nét độc đáo ở đây là họ điêu khắc trên đá sa thạch, chủ yếu là những vị thần của họ. Có tận mắt chiêm ngưỡng khoảng 2000 hiện vật ở đây chúng ta mới hình dung được sự kỳ công cũng như nét tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc Chăm xưa. Từ Đài thờ Trà Kiệu (thế kỷ VII - VIII), tượng vũ nữ Apsara, phù điêu Vishu, Phù điêu Sarasvati, Tượng Skanda… tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa tại Đà Nẵng…còn gọi là Cổ Viện Chàm. Hầu hết những hiện vật trong nền điêu khắc Chăm từ Quảng Trị tới Ninh Thuận, Bình Thuận đều có mặt tại đây.

Kiến trúc Chăm có từ thế kỷ thứ I sau công nguyên.

Kiến trúc Chăm có từ thế kỷ thứ I sau công nguyên, là sự phát triển nghệ thuật sớm nhất ở Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng tư tưởng đạo giáo Ấn Độ. Hiện nay còn nhiều ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau nằm ở các tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Thuận... Các Tháp đều hướng về phía Đông là hướng của các vị thần, là hướng của sự sinh sôi, tuy nhiên vẫn có một số tháp hướng về phía Tây thể hiện quan niệm của các vị vua Chăm pa muốn tìm hiểu về thế giới bên kia, thế giới không nhận biết được.

Cùng với điêu khắc, kiến trúc cũng là mảng văn hóa được phát triển mạnh của dân tộc Chăm. Qua hàng ngàn năm, các ngôi tháp vẫn đứng đó với một vẻ đẹp độc đáo, ghi lại dấu ấn một thời của vương quốc Chămpa hùng mạnh mặc cho thời gian vùi lấp. Đến thời điểm hiện tại, những đền tháp Chăm vẫn là một ẩn số và chưa có lời giải thích về sự cấu thành kiến trúc cũng như sự kết dính bền bỉ từ những viên gạch Chăm trước sự phân hủy của khí hậu và thời gian. Được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, song những công trình kiến trúc của người Chăm cho thấy giá trị của nó không chỉ nằm ở giá trị hiện thực, mà hơn hết là cả một câu chuyện có giá trị tinh thần về tín ngưỡng, về niềm tin và cả thông điệp sinh tồn của con người. Sự thừa nhận này của Unesco một lần nữa khẳng định sự độc đáo và riêng biệt của tháp Chăm so với hầu hết các tháp chùa của các dân tộc anh em đang sinh sống và định cư tại Việt Nam.

Một trong những thành tố đặc trưng mà bao thế hệ người Chăm vẫn gìn giữ chính là âm nhạc truyền thống, thứ âm nhạc được cất lên mỗi mùa Lễ hội Katê, trong những giờ làm gồm, dệt vải, trên chiếc võng ru nôi …Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ, với ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây, phổ biến nhất là trống Gineng, trống Paranưng và kèn Saranai. Âm nhạc truyền thống của người Chăm vẫn còn được bảo tồn trải qua hàng trăm năm dâu bể, vẫn giữ được những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà. Âm nhạc của người Chăm đa dạng, phong phú, tự cổ chí kim luôn phản ánh cuộc sống và thế giới quan của họ, dù có đôi chút khác với những gì mà người Việt suy nghĩ, nhưng đều là những sự khác biệt đáng nâng niu và trân trọng, tạo nên sự tổng hòa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.

Thông qua âm nhạc và những điệu múa, một lần nữa chúng ta có quyền khẳng định về sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Chăm.

Cùng song hành với âm nhạc là những điệu múa. Nếu như điêu khắc và kiến trúc tạo nên sự tinh xảo và huyền bí của những giá trị vật thể của người Chăm thì âm nhạc và những điệu múa hòa quyện vào nhau tạo thành tâm hồn của người Chăm. Thông qua âm nhạc và những điệu múa, một lần nữa chúng ta có quyền khẳng định về sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Chăm. Người con gái Chăm trong trang phục váy áo truyền thống cùng những chiếc khan đầy màu sắc và duyên dáng thể hiện sự khéo léo và đầy uyển chuyển. Người Chăm gọi đó là điệu múa mang tính chất tôn giáo. Lấy nước về dâng cúng cho thần; Ngoài ra còn một điệu múa, độc đáo hơn tất cả, đó là điệu Apsara, điệu múa đó mô phỏng điệu múa của nữ thần Siva. Và đó được coi là điệu múa hay nhất, độc đáo nhất của người Chăm”...

Bảo tồn và lưu giữ văn hóa Chăm Pa ở Ninh Thuận

Mặc dù văn hóa Chăm được cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống ở nhiều tỉnh thành bảo tồn và gìn giữ, song cũng không tránh khỏi những đổi thay, thậm chí có những thứ đứng trước nguy cơ mai một. Trong đó, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều di sản văn hóa Chăm đến nay vẫn không thể phục dựng được; hệ thống di tích Chăm xuống cấp; nhiều giá trị văn hóa, nhất là các áng văn chương, truyện cổ, kinh, nhất là hàng chục nghìn trang thư tịch cổ... có nguy cơ bị thất truyền. Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng có nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức.

Nơi đây là nơi còn gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa.

Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong những năm qua “Tỉnh đã tập trung đánh giá những kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn theo quyết định của Thủ tướng. Hiện nay đang tập trung xây dựng đề án mới trong việc bảo tồn khu đền tháp. Ninh Thuận đã tập trung bằng nhiều nguồn từ; Trung ương, tỉnh, xã hội hóa, hợp tác các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, tập trung trùng tu tôn tạo. Phát huy tốt, chống xuống cấp”. Việc triển khai các hoạt động bảo tồn, trùng tu bước đầu đã đạt được hiệu quả thiết thực như từ năm 1992 đến nay thì đã có 12/13 di tích cấp quốc gia của tỉnh Ninh Thuận đều đã được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng Chương trình Mục tiêu quốc gia về Văn hóa. Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận trùng tu, tôn tạo Di tích Đình Văn Sơn – phường Văn Hải (03 kỳ) với tổng số tiền là hơn 3 tỷ đồng (nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia). Năm 2019: Trùng tu, tôn tạo 03 di tích (Đình Nhơn Sơn, Miếu Xóm Bánh, Lăng Ông Hải Chữ) với tổng số tiền là gần 1,5 tỷ đồng... 

Nói đến lưu giữ nơi đây có ngọn tháp Chăm nổi tiếng nhất tại Ninh Thuận cũng như vùng duyên hải miền Trung Bộ. Po Klong Garai đã tọa lạc trên đồi Trầu suốt hàng nghìn năm qua (từ thế kỷ XIII cho đến nay). Nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang Tháp Chàm khoảng 7km, theo hướng đông bắc, ngọn tháp Po Klong Garai sừng sững, uy phong với màu vàng gạch nung đặc trưng. Đây là công trình tâm linh độc đáo của bà con người Chăm-pa thời cổ. Hiện nay, ngọn tháp là điểm đến rất hấp dẫn vì có tầm nhìn về biển Ninh Thuận tuyệt vời. Bên cạnh đó, Po Klong Garai còn là công trình nghệ thuật đã được công nhận là di tích nghệ thuật đặc sắc Chămpa.

Ngọn tháp Po Klong Garai sừng sững, uy phong với màu vàng gạch nung đặc trưng.

Hay Lễ hội Katê thường diễn ra vào tháng 7 theo lịch của người Chăm-pa, trùng vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của bà con người Chăm, được tổ chức thường niên mỗi năm một lần với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của các vị thần mà họ tôn kính như: Thần Pô Klong Garai, thần Pô Pôme… Trong thời gian diễn ra lễ hội, người ta tổ chức rất nhiều nghi thức cúng tế độc đáo mang đậm màu sắc Chăm-pa, trong đó có việc dâng lễ kính nhớ tổ tiên cầu mong cho cuộc sống thanh bình, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc.

Với văn hoá Chăm còn được nói tới nghề thủ công mỹ nghệ như gốm sứ và thổ cẩm, một nét đặc trưng mà hiện nay có những công trình xây dựng như tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai, cụm tháp Po Rome xây dựng từ đất nung được chạm khắc hình vũ nữ Chăm trong điệu Apsara là minh chứng hùng hồn cho bàn tay và khối óc sáng tạo tuyệt vời của đồng bào người Chăm. Đây là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà người Chăm đã sáng tạo trong suốt quá trình phát triển, tạo nên một nền văn hóa dân tộc đặc sắc, đầy sức hấp dẫn.

Với văn hoá Chăm còn được nói tới nghề thủ công mỹ nghệ như gốm sứ và thổ cẩm...

Hiện Ninh Thuận có 233 di tích được thống kê, phân loại gồm 46 đình, 11 đền, 85 chùa và 91 di tích khác, trong đó có 27 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn minh Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Vì vậy nơi đây còn là nơi còn gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục, nghề gốm và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.

Có thể nói, nền văn minh Chăm Pa vừa gần mà cũng thật xa. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm độc đáo, là vô cùng cần thiết. Theo dòng chảy của thời gian, thế giới càng ngày càng tiến dần đến những nền văn hóa mới, những giá trị nghệ thuật cổ xưa đang lùi dần vào dĩ vãng, ẩn giấu trong những chứng tích lịch sử. Song cũng chính thời gian lại soi sáng những trang sử quá khứ mà nghệ thuật Chăm còn in đậm trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trên văn bia, trên điêu khắc và kiến trúc. Sau nhiều thế kỉ, lịch sử có lúc thăng, lúc trầm, có những sự giao hòa và cũng có những bi thương, lịch sử đã được sang trang và chìm vào quá khứ. Người Việt và người Chăm vẫn nắm chặt tay nhau trên mảnh đất hình chữ S.

Để bảo tồn và duy trì được những giá trị văn hoá đặc sắc và vô cùng giá trị thì tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng tập trung bảo tồn cũng như phát huy những điểm nổi bật trong văn hoá Chăm. Sông song với bảo tồn cần phát huy cũng như giới thiệu văn hoá Chăm tới đông đảo người dân trong nước cũng như quảng bá rộng quốc tế, nhằm mục đích giới thiệu nét hay độc đáo đặc trưng mà không phải ở nơi nào trên thế giới cũng có được. Ngoài ra còn phải nghiên cứu, sưu tầm tạo điều kiện cho các nghệ nhân người Chăm còn hiện nay làm dạy, truyền nghề cho lớp trẻ tránh sự mai một mất đi giá trị văn hoá tốt đẹp cũng như đầy bản sắc...

Nguyễn Hương - Đình Tiến