Ninh Thuận là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, có 6 huyện và 1 thành phố; với 65 xã, phường, thị trấn; 397 thôn, khu phố. Thành phần dân cư cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh đa dạng, với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn, gồm các dân tộc: Kinh, Chăm, Raglai, Churu, K’Ho, Hoa và nhiều dân tộc thiểu số khác đã tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử của từng cộng đồng dân tộc trong tỉnh tạo lên một hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 64 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Ninh Thuận có hai Di tích quốc gia đặc biệt là tháp Po Klong Garai và tháp Hòa Lai; 13 Di tích cấp quốc gia gồm hệ thống đình, miếu, di tích lịch sử cách mạng cùng di tích thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Tỉnh có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, cụm lễ hội đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, lễ Bỏ mả của người Raglai và lễ Cầu ngư của cư dân vùng ven biển; 44 di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Đồng thời, Ninh Thuận cũng là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Pháp luật về DSVH được phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, qua đó đã phát huy tốt công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Ninh Thuận đang tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tạo thành lợi thế để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tuy đời sống vật chất của Nhân dân còn khó khăn, nhưng Ninh Thuận lại là nơi “giàu” về văn hóa, bao gồm hệ thống văn hóa: Đình, chùa, lăng miếu, đền, tháp Chăm; hệ thống văn hóa phi vật thể như lễ hội, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống... của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều DSVH tiêu biểu và độc đáo, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 64 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 4654/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.
Mục tiêu của đề án là lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; tu bổ, tôn tạo ít nhất 5 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; tu bổ ít nhất 10 lượt di tích cấp tỉnh; xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới, ưu tiên đối với di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm, Raglai.
Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giữ gìn phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng, dòng họ; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Tập trung xây dựng và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm, thông tin lưu động, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật nhằm bảo tồn giá trị DSVH và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân...
Tôn tạo và phát huy di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận.
Điểm nổi bật, đó là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật DSVH, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước và trong tỉnh, vừa phục vụ nhu cầu giáo dục lịch sử truyền thống về đất nước, con người Việt Nam và quê hương Ninh Thuận, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trong tỉnh. Hằng năm, Sở VHTTDL tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Sở với đại diện các Ban Quản lý di tích, Ban đại diện DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật mới liên quan đến di tích và lễ hội đến đội ngũ làm công tác quản lý di tích, DSVH phi vật thể. Tạo sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với đại diện Ban Quản lý di tích trên địa bàn tỉnh; kịp thời trao đổi, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý di tích và triển khai kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật mới có liên quan đến công tác DSVH để cùng tổ chức thực hiện.
Công tác duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng được quan tâm, một số lễ hội tín ngưỡng, dân gian của đồng bào Chăm, Raglai được phục dựng biểu diễn trong nước và khu vực. Đặc biệt vai trò của chức sắc, chức việc cùng các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH là rất cần thiết. Đây là những cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy DSVH, là niềm tự hào không chỉ của riêng tỉnh nhà mà còn là tài sản, là người nắm giữ và lưu truyền DSVH của quốc gia. Song song đó, công tác bảo tồn làng nghề truyền thống cũng được triển khai và đạt một số kết quả, như: Đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc (Ninh Phước) vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; xây dựng hồ sơ: “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Các dân tộc; Kinh, Chăm, Raglai, Churu, K’Ho, Hoa và nhiều dân tộc thiểu số khác đã tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc.
Ngoài ra, việc duy trì phong tục, tập quán lành mạnh, tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội đã được quan tâm. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Phần lớn các lễ hội của các dân tộc trong tỉnh thuộc loại hình lễ hội truyền thống, đó là hệ thống các lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian như: Lễ hội cúng Xuân, cúng Thu hằng năm tại các đình, đền, lăng, miếu, lễ cầu ngư của người Kinh; Lễ hội Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm; lễ bỏ mả, ăn đầu lúa, lễ báo hiếu của người Raglai... đều được duy trì và phát huy có hiệu quả trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh...
Cổng chính Tháp Pô Klong Garai.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; tiếp tục triển khai thực hiện Luật DSVH, các thông tư, nghị định và các văn bản có liên quan trên lĩnh vực DSVH; đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Cần tạo chuyển biến rõ nét, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH, qua đó, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu mạnh về kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp về văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.