6 tháng đầu năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Về tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 22.571 tỷ đồng, tăng 3,53% so với 6 tháng đầu năm 2021. Về cơ cấu kinh tế: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn (theo giá hiện hành) ước tính đạt 36.239,1 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn (đã loại trừ hoàn thuế GTGT) ước đạt 10.450,5 tỷ đồng, đạt 52,2% dự toán năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo các dự án đầu tư công được thực hiện theo đúng tiến độ, đồng thời tiến hành giải ngân nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tương đối thuận lợi, diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên cây trồng thấp hơn cùng vụ năm trước. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát. Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; sản xuất thuỷ sản đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung vào việc thu hoạch nhanh gọn lúa và các loại cây trồng vụ Đông Xuân. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi và chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2022. Tăng cường bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với thời tiết khí hậu vùng ven biển Kim Sơn để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 47.979,4 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,9% kế hoạch năm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá như: dứa đóng hộp 8,1 nghìn tấn, tăng 81,9%; hàng thêu 1,1 triệu m2, tăng 19,1%; quần áo các loại 50,7 triệu cái, tăng 23,3%...
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 6/2022, tỉnh Ninh Bình đã có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,3%); trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/8 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư cơ bản đồng bộ, đặc biệt là đường giao thông nông thôn. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh ước thực hiện 14.871 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 3,49% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2021.
Các hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh dần quay trở lại hoạt động bình thường và đạt mức tăng khá. Ước tính tổng số lượng khách đến các điểm thăm quan đạt trên 1.778,0 nghìn lượt, gấp trên 2,0 lần, đạt 71,1% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt gần 1.054,4 tỷ đồng, tăng 88,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59,7% kế hoạch. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm. Văn hóa xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường…
Tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, quân và cùng sự đoàn kết cảu nhân dân, hy vọng kinh tế xã hội của tỉnh sẽ có bước phát triển nhanh và bền vững, đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm 2022.