18/01/2025 lúc 14:56 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình: Dự án 144 tỷ đồng 10 năm chưa bàn giao đã xuống cấp trầm trọng

VNHN - Dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét hệ thống sông Ân, sông Cà Mâu, sông Hoành Trực (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sử dụng nguồn vốn Trung ương nhưng chậm tiến độ, xây dựng ẩu nhiều hạng mục, chưa bàn giao đã xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận.

VNHN - Dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét hệ thống sông Ân, sông Cà Mâu, sông Hoành Trực (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sử dụng nguồn vốn Trung ương nhưng chậm tiến độ, xây dựng ẩu nhiều hạng mục, chưa bàn giao đã xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận.

Theo tìm hiểu, dự án trên được phê duyệt theo Quyết định số 2051/QĐ-UBND ngày 07/11/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình bao gồm các hạng mục: Nạo vét các tuyến sông Ân, sông Cà Mâu, sông Hoành Trực (30 km), kè và tạo cảnh quan sông Ân đoạn qua thị trấn Phát Diệm. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước ngọt, tưới cho 11.285 ha đất canh tác khu vực sông Vạc và vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.

Dự án được giao cho UBND huyện Kim Sơn làm chủ đầu tư, tổng kinh phí đầu tư là 144,219 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện dự án lấy từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn huy động hợp tác khác, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009- 2011. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai dự án, đến nay vẫn chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu bàn giao.

Những ngày gần đây, phóng viên Việt Nam Hội nhập đã có nhiều cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế tại dự án này. Theo quan sát, nhiều hạng mục công trình dù chưa được bàn giao nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Những lan can nằm ngổn ngang, những cây sắt, kè đá lởm chởm tạo những lỗ hổng to vừa làm mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với cuộc sống người dân.

Kè đá xuống cấp gây mất mỹ quan

Ngày 19/3/2019, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Toàn – PGĐ Ban quản lý các Dự án Xây dựng huyện Kim Sơn để tìm hiểu nguyên nhân vì sao dự án ì ạch kéo dài suốt 10 năm qua và trách nhiệm của cơ quan nhà nước về chất lượng hạng mục công trình của dự án này.

Những cây sắt lởm chởm, tiềm ẩn những nguy hiểm cho người dân

Theo ông Nguyễn Quốc Toàn lý giải, nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ là do nguồn vốn khó khăn, nếu huyện không tìm được nguồn vốn thì dự án sẽ bị dừng. “Chỉ có duy nhất đoạn qua thị trấn Phát Diệm đã được chỉnh trang đô thị, điện chiếu sáng từ cống Biện Nhị đến cầu Lưu Phương (gần 1km) đã hoàn thành theo thiết kế và được bàn giao. Phần còn lại của dự án (khoảng 30 km) đã hoàn thành nạo vét và kè 2 bên bờ, nhưng chưa hoàn thiện", ông Toàn cho hay.

Những cột đèn thiếu bóng nghiêng ngả

Cũng theo thông tin từ ông Toàn, hiện tại đã trả được cho nhà thầu 85% theo khối lượng công việc, sắp tới sẽ báo cáo lên tỉnh để kết thúc dự án và bàn giao lại hiện trạng cho các xã tự quản lý. Đoạn qua thị trấn Phát Diệm nếu xuống cấp, hỏng hóc thì thị trấn Phát Diệm phải có trách nhiệm tu sửa.

Buổi tối, những bóng đèn thuộc dự án không được thắp sáng

Vậy những hạng mục chưa được bàn giao không có ai quản lý, để trơ trọi nhiều năm liệu có quá lãng phí tiền của của nhà nước và của nhân dân? Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu với một dự án hàng trăm tỷ đồng? Và căn cứ vào đâu để chủ đầu tư có thể quyết toán được cho nhà thầu 85% trong khi dự án chưa bàn giao?

Theo ghi nhận thực tế từ phía người dân sinh sống dọc sông Ân khu vực thị trấn Phát Diệm và xã Yên Lộc cho biết, từ khi triển khai dự án nạo vét sông, khối lượng đất đá, cát sỏi không được múc lên chở đi nơi khác mà chỉ thấy cào từ 2 bên bờ, rồi gom lại chất đống ở giữa sông(?).

"Đất đá, cát sỏi cứ thấy họ cào ra giữa sông chất đống đấy thôi, chứ không thấy múc chuyển đi nơi khác. Làm kiểu này phải gọi là san lấp, chứ đâu phải nạo vét. Bóng điện ở đây còn chưa một lần nào thắp sáng, mà đây là khu vực nguy hiểm thường xuyên xảy ra tai nạn, chúng tôi phải tự góp tiền lắp đèn đường”,một người dân xã Yên Lộc bức xúc.

Cả 1 dãy đèn đường sáng đều do dân tự đóng góp tiền làm

Trao đổi về vấn đề này, ông Toàn thông tin: “Việc nạo vét toàn bộ trục sông và kè 2 bờ sông đã hoàn thành trước đó. Thông tin phản ánh của người dân nói trên là do chỉ đạo của huyện, năm 2017, huyện giao cho các xã nạo vét, thông dòng và phá dỡ những cầu bến. Kinh phí do huyện hỗ trợ, không nằm trong kinh phí dự án”.

Trong khi dự án với hạng mục chính là nạo vét, xây dựng cống và kè 2 bên bờ sông, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện do thiếu kinh phí. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2017 huyện Kim Sơn lại có chủ trương giao cho 10 xã dọc sông Ân nạo vét sông 1 lần nữa, nguồn kinh phí lấy từ nguồn "khác" không thuộc kinh phí dự án? Thử hỏi Ngân sách Nhà nước có đang bị lạm dụng một cách lãng phí nghiêm trọng? Phải chăng thực chất đây là dự án “san sông” như người dân địa phương phản ánh?

Hợp đồng nạo vét sông vào cuối năm 2017 của xã Yên Lộc (1 trong 10 xã huyện giao) với nhà thầu

Với cách phân bổ và sử dụng ngân sách trong việc xây dựng, cải tạo nạo vét hệ thống các sông như vậy liệu đã hợp lý và mang lại hiệu quả?  Đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình vào cuộc để giải đáp rõ những thắc mắc của người dân địa phương về sự lãng phí tiền của này! Từ đó làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan.

Theo Nghị định 48/2010/NĐ-CP tại điều 21 quy định: Quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Hồ sơ quyết toán hợp đồng do bên nhận thầu lập phù hợp với từng loại hợp đồng và giá hợp đồng. Nội dung của hồ sơ quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng, bao gồm các tài liệu sau:

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng;

- Bản xác nhận giá trị khối lượng công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi hợp đồng;

- Bảng tính giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng (gọi là quyết toán A-B), trong đó nêu rõ phần đã thanh toán và giá trị còn lại mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu;

- Hồ sơ hoàn công, nhật ký thi công xây dựng công trình đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng;

- Các tài liệu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng.

- Thời hạn giao nộp hồ sơ quyết toán hợp đồng do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ nội dung công việc cần thực hiện theo hợp đồng, bao gồm cả công việc phát sinh (nếu có); trường hợp hợp đồng có quy mô lớn thì được phép kéo dài thời hạn giao nộp hồ sơ quyết toán hợp đồng nhưng không quá 120 ngày.