18/01/2025 lúc 19:30 (GMT+7)
Breaking News

Những nhận thức, phát triển lý luận mới trên thế giới về khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường và giá trị tham khảo cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này, đồng thời khắc phục những sai lầm trong khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi có sự đổi mới từ tư duy đến đối tượng nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường
Ảnh minh họa

Hiện nay, nhân loại đang đứng trước những cơ hội do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0), chuyển đổi số nhưng cũng phải đối mặt với các thách thức to lớn xảy ra trên phạm vi toàn cầu với mức độ nghiêm trọng như bùng nổ dân số, suy thoái và cạn kiệt của các nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, tác động khốc liệt của thiên tai, tai biến và biến đổi khí hậu (BĐKH), dịch bệnh và các tác động bất hợp lý của con người lên môi trường tự nhiên ngày càng trầm trọng. Đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn đó, nhân loại đã nhận ra rằng, muốn tiếp tục duy trì bền vững một cuộc sống tốt đẹp trên hành tinh Trái Đất, chúng ta hơn bao giờ hết cần phải đồng thuận thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV); ứng phó biến đổi toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải định hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để giái quyết các vấn đề của thời đại, trong đó bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu với cách tiếp cận nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược để đạt được phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn không chỉ cho hiện tại mà cả ngàn đời sau của nhân loại.

1- Biến đổi khí hậu và gia tăng thiên tai, ô nhiễm môi trường tiếp tục là những vấn đề toàn cầu.

Theo Ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã đạt 403,3ppm năm 2016, 405,5ppm năm 2017 và 408 ppm năm 2018. Giai đoạn 2010-2019 được đánh giá có mức tăng phát thải trung bình cao nhất trong lịch sử loài người, với 56 Gt CO2 tương đương/năm. Các hoạt động của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2000 năm qua. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), 2010-2020 là thập kỷ có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử, trong đó tháng 6/2019 là tháng 6 nóng nhất kể từ khi loài người bắt đầu ghi nhận số liệu thời tiết kể từ năm 1800, và tháng 6/2015 cùng với tháng 6/2020 được ghi nhận là tháng 6 nóng thứ 2 trong lịch sử [1].

BĐKH đã, đang và sẽ tác động mạnh đến sức khỏe, an toàn của con người, đến sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững trên toàn cầu. BĐKH làm thiên tai xảy ra ở nhiều nơi như lũ lụt ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á, hạn hán ở Nam Âu, Châu Phi,… bão, lốc cường độ mạnh, sức tàn phá lớn, dị thường có xu hướng tăng lên ở Bắc Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Đại Tây Dương. Những đợt sóng nhiệt tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái. Những hiểm họa từ BĐKH sẽ gây tác động rất lớn đối với sinh vật và hệ sinh thái, theo đó nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2oC thì 18% các loài côn trùng, 16% các loài thực vật và 8% các loài động vật có xương sống bị tuyệt chủng, 7-10% diện tích đất chăn thả gia súc toàn cầu sẽ bị mất [1].

Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí do khí thải, ô nhiễm sông hồ, đại dương, nước dưới đất và đất do các loại chất thải và nước mưa chảy tràn qua các khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, công trường xây dựng. Hậu quả của ô nhiễm môi trường là tác hại sức khỏe, đời sống sinh vật và phát triển kinh tế, an sinh xã hộ. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) khu vực Đông Nam Á công bố ngày 12/2/2020, mỗi ngày, chi phí để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã lên tới 8 tỷ USD, tương đương khoảng 3,3% GDP toàn cầu. Trung Quốc đại lục, Mỹ và Ấn Độ là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất do ô nhiễm không khí. Các hạt bụi mịn nhất là bụi mịn PM2.5 sinh ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân khiến khiến 4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Con số này cũng gần tương đương với số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí gây ra, chủ yếu là liên quan đến bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em.

Việc khai thác tài nguyên không bền vững trong thời gian qua cũng đã gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, tác động đến sức khỏe con người. Chất lượng rừng tiếp tục suy giảm do bị khai thác trái phép, không bền vững, cháy rừng, làm suy giảm đa dạng sinh học, tăng nguy cơ mất cân bằng sinh thái.

2- Phát triển bền vững với mô hình kinh tế các bon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại.

Thế kỷ 20 cùng với sự gia tăng nhanh dân số, nhu cầu tiêu thụ và phát triển kinh tế nhanh thì vấn đề môi trường đã bắt đầu trở thành một thách thức lớn đối nhận loại. Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người năm 1972 đã thừa nhận sự xuống cấp của môi trường toàn cầu và nhận thấy cần phải có ngay biện pháp bảo vệ và cải thiện vì đó là “một vấn đề lớn có ảnh hưởng tới phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế toàn thế giới”. Qua nhiều chương trình nghị sự quốc tế, đến năm 2015, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Hoa Kỳ. Chương trình đã đặt ra 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững (SDGs), trong đó có 05 mục tiêu liên quan trực tiếp đến vấn đề tài nguyên, môi trường và BĐKH, bao gồm: (i) Đảm bảo việc tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG 6); (ii) Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (SDG 12); (iii) Ứng phó với BĐKH và các tác động của nó (SDG 13); (iv) Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển (SDG 14); (v) Quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học (SDG 15).

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của toàn cầu, là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Như vậy, các mô hình phát triển kinh tế bền vững của thời đại và tương lai không thể tách rời phát triển bền vững về xã hội, môi trường, một số mô hình mẫu về kinh tế đã và đang được ứng dụng, phát triển trên thế giới sau đây:

Mô hình kinh tế các bon thấp

Là mô hình phát triển nhằm mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất. Kinh tế các-bon thấp đã trở thành mục tiêu dài hạn của các nước trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Mục tiêu hướng tới kinh tế các-bon thấp bắt đầu với việc các quốc gia ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó kêu gọi các quốc gia giảm phát thải khí nhà kính, xu thế này sẽ tiếp tục với việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Mô hình kinh tế xanh

Là mô hình kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái [2]. Trong mô hình kinh tế xanh, mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ được điều chỉnh sao cho những chuyển đổi trong quá trình vận hành, sản xuất và tiêu thụ sẽ đồng thời góp phần giảm thiểu các chất ô nhiễm phát thải, giảm lượng tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng sử dụng nhằm mang lại động lực và đa dạng hóa nền kinh tế, tạo các cơ hội việc làm phù hợp, thúc đẩy thương mại bền vững, giảm nghèo, cải thiện nguồn vốn và phân phối đồng đều nguồn thu nhập. Kinh tế xanh là con đường hướng tới phát triển bền vững; (ii) Phát triển kinh tế xanh không những không làm chậm tăng trưởng, mà còn duy trì và phục hồi nguồn vốn thiên nhiên; (iii) Giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu; (iv) Giảm đói nghèo; (v) Tạo ra việc làm và cải thiện công bằng xã hội.

Mô hình kinh tế tuần hoàn

Là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, bởi nền kinh tế này đạt được 3 mục tiêu: (i) Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; (ii) Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận thay thế cho cách tiếp cận truyền thống trong xây dựng nền kinh tế trước đây, đó là kinh tế tuyến tính, hay kinh tế đường thẳng, từ Khai thác tài nguyên đến Sản xuất  và cuối cùng là Thải loại. Kinh tế tuần hoàn có thể kết nối điểm cuối của đường thẳng ấy trở lại với điểm đầu, giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

3- Chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng sạch ít phát thải khí nhà kính là giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năng lượng luôn là nhu cầu không thể thiếu của sự phát triển và là vấn đề thời sự nóng bỏng của thế giới; biến động giá năng lượng gây ra suy thoái kinh tế và dẫn đến bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong sự phát triển của thế giới, nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng chính nuôi sống nền công nghiệp toàn cầu và là điểm tựa cho sự phát triển của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, với tốc độ khai thác hiện nay, nguồn năng lượng hóa thạch được cảnh báo là sẽ cạn kiệt vào trước nửa cuối thế kỷ XXI. Việc sử dụng năng lượng hóa thạch ồ ạt trong hơn một thế kỷ qua, đã phát thải ra một lượng khí nhà kính (KNK) lớn và gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu với những hậu quả khôn lường cho nhân loại. Thực tế, tiêu thụ năng lượng không ngừng là nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu khai thác các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch là yêu cầu cấp bạch của mọi quốc gia trên thế giới. Năng lượng tái tạo là năng lượng được tạo ra từ các quá trình tự nhiên và liên tục được bổ sung. Nguồn tự nhiên này bao gồm ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, gió, thủy triều, nước và các dạng sinh khối khác nhau. Nguồn năng lượng này không bị cạn kiệt và không ngừng được tái sinh. Các dạng nguồn năng lượng tái tạo bao gồm: Năng lượng bức xạ, gió, thủy triều, thủy điện, sóng biển, địa nhiệt và sinh khối.

Chuyển dịch sang năng lượng sạch đã trở thành con đường bắt buộc với tất cả các quốc gia. Theo báo cáo của cơ quan Năng lượng quốc tế về Lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 của ngành năng lượng, đến năm 2030, quy mô điện gió và mặt trời sẽ cần tăng gấp 4 lần, số xe điện bán ra sẽ tăng 18 lần, hiệu suất sử dụng năng lượng cần nâng cao nhiều lần so với năm 2020. Tại các Hội nghị toàn cầu về BĐKH (COP) đã đề cập đến khai thác nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng phục vụ sự phát triển, dần dần thay thế nhiên liệu hóa thạch và chống BĐKH toàn cầu. Theo dự báo của Cơ quan quốc tế về năng lượng tái tạo (IRENA), năng lượng tái tạo có thể tăng 28% vào năm 2030, 66% vào năm 2050 [3]. Ngoài ra, tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu có thể đạt 57% vào năm 2030, 86% vào năm 2050 (tỷ trọng hiện nay là 26%) [4].

Tại Hoa Kỳ, năng lượng tái tạo đã tăng khoảng 9% vào năm 2016, chiếm 14% tỷ trọng sản xuất điện năng. Trong đó, tỷ lệ điện năng từ năng lượng gió và bức xạ chiếm tỷ lệ lần lượt là 5,2% và 0,8% [5]. Để đẩy nhanh việc thực hiện “Kế hoạch năng lượng sạch cho châu Âu” và hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp, châu Âu đã đầu tư 873 triệu euro cho các dự án năng lượng tái tạo. Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho các dự án năng lượng tái tạo, kỳ vọng năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn năng lượng từ than đá trong khoảng 10 năm tới; chiếm tỷ trọng 50% tổng công suất phát điện vào năm 2030.

Hiện nay, các quốc gia đã cùng chung tay chống BĐKH theo Thỏa thuận Paris (2015) tại COP-21 và Thỏa thuận Glassgow (2021) tại COP-26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm chống BĐKH và bảo vệ khí hậu Trái đất.

Theo báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2022, tổng tiềm năng năng lượng bức xạ ở Việt Nam đạt giá trị khoảng 1.500-1.600 kWh/m2/năm (tương ứng khoảng 4,0-4,5 kWh/m2/ngày), được đánh giá ở mức có tiềm năng khai thác từ hiệu quả đến hiệu quả cao. Trong khi đó, khu vực Bắc Biển Đông, ven bờ Bình Định - Ninh Thuận, Bình Thuận - Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ và nơi có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất trên biển Đông. Đặc biệt, khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 500 đến trên 700 W/m2 là nơi có khả năng khai thác tốt nhất.

4- Khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với chuyển đổi số, tài nguyên số - cơ hội cho phát triển bền vững

Trên thế giới, sự phát triển các hình thức kinh tế mới gắn liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, dẫn tới sự thay đổi về bản chất và quy mô của lực lượng sản xuất hiện đại, làm sâu sắc hơn quá trình toàn cầu hóa, hình thành “nền kinh tế ảo” xuyên biên giới tách rời tương đối với nền kinh tế thực. Chính vì vậy, nhận thức đúng vị trí, vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ góp phần quan trọng nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Các quốc gia trên thế giới đều coi khoa học công nghệ là nền tảng của việc phát triển đất nước, là công cụ để đảm an ninh quốc gia và ổn định xã hội, duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân và nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó việc phát triển khoa học công nghệ sẽ tạo ra một nền văn hóa mới phù hợp với trình độ xã hội mới.

Từ trước đến nay, thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào thế kỷ 18, đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ văn hóa xã hội tới kinh tế chính trị. Các công nghệ mới như AI, big data, internet vạn vật (IoT), robot, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu, máy tính …dựa trên nền tảng số được phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 từ giữa thế kỷ trước đang thay đổi đáng kể mọi mặt trong đời sống xã hội của người dân trên toàn thế giới. Các công nghệ này đã giúp tăng năng suất sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghệ tăng tính tự động hóa, tăng cao tính tương tác giữa máy móc và con người mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID 19 vừa qua, các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đã phát huy vai trò trong việc giám sát người nhiễm covid, nhiều nhà máy sản xuất được vận hành các hệ thống máy móc sản xuất từ xa không cần con người trực tiếp vận hành, các công nghệ phục vụ người dân trong thời điểm giãn cách. Việc phát triển nhanh chóng của thế giới mạng, thế giới kĩ thuật số, cùng các công nghệ AI, big data đang hình thành những tư duy mới về phát triển khoa học, công nghệ, cụ thể:

Một làCơ cấu của phương thức sản xuất công nghệ đã thay đổi từ mô hình: thông tin + tri thức + đổi mới, tương ứng với nền kinh tế tri thức, sang mô hình: trí tuệ con người + các công nghệ mới + thông tin + sáng tạo đặc trưng cho thời đại Công nghiệp 4.0. Các yếu tố tiên quyết của cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm trí thức con người, các công nghệ hiện đại cùng với lượng thông tin khổng lồ được sắp xếp, lưu trữ và khai thác hợp lý và những ý tưởng đổi mới, tư duy hiện đại nhằm khai thác hiệu quả cũng như tạo ra các sản phẩm có tính năng vượt trội. Hiện nay, việc phát triển khoa học công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 cũng xoay quanh các yếu tố này: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các công nghệ hiện đại như AI, big data, IOT, machine learning…, hệ thống hóa và khai thác hiệu quả các dữ liệu đã và đang tiếp tục được thực hiện từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 giữa thế kỷ trước, phát triển những tư duy, ý tưởng mới.

Hai là, phát triển khoa học công nghệ gắn liền với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Cùng với sự phát triển của các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết các quy trình sản xuất tại các nhà máy được thực hiện tự động hóa, các công nghệ máy móc đang dần thay thế cho lao động thủ công truyền thống. Các công nhân vận hành máy móc đòi hỏi phải nắm rõ về công nghệ và có kỹ năng cao trong vận thành hệ thống sản xuất. Cùng với đó, các công tác nghiên cứu, phát triển nghiên cứu ứng dụng sử dụng các công nghệ mới hiện đại cần có nguồn nhân lực có tri thức, kiến thức sâu rộng, hiện đại về khoa học công nghệ và các lĩnh vực kinh tế xã hội nhằm tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả lớn trong sản xuất. Để làm được như vậy, các quốc gia đang nỗ lực điều chỉnh hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nền công nghiệp 4.0.

Ba là, khoa học công nghệ gắn kết với đổi mới sáng tạolà động lực cho đổi mới sáng tạo: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hai mặt của một vấn đề. Muốn phát triển khoa học công nghệ phải có đổi mới sáng tạo, ngược lại khoa học công nghệ phát triển sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, sự nghiên cứu tìm tòi để tạo ra các sản phẩm mới. Trong nhiều năm trước đây, việc thử nghiệm các công nghệ mới chỉ có thể được thực hiện bởi các tập đoàn đa quốc gia hoặc các phòng nghiên cứu do chính phủ tài trợ. Ngày nay, công nghệ giá cả phải chăng - kỹ thuật số và các lĩnh vực khác - giúp hầu hết các doanh nghiệp - lớn và nhỏ - có thể thử nghiệm các ý tưởng và khái niệm theo những cách hoàn toàn mới và được thực hiện cả trong thực tế thay vì chỉ trong các phòng thí nghiệm. Công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới (như AR, VR và AI) cho phép đã cắt ngắn quá trình đổi mới thời đại công nghiệp truyền thống. Những gì đã từng mất nhiều năm lập kế hoạch, thử nghiệm và thực hiện giờ đây có thể hoàn thành trong vài tháng và đôi khi thậm chí vài tuần.

Bốn làphát triển khoa học công nghệ sẽ là động lực tạo ra các thị trường mới: Công nghệ mới có tác động rất lớn đến thị trường và động lực của thị trường. Điều này luôn đúng như vậy, nhưng trong thời đại kỹ thuật số, điều này đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Trong những thập kỷ qua, chúng ta đã thấy công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi nhiều thị trường khác nhau như thế nào. Ví dụ: công nghệ phát trực tiếp đã làm thay đổi hẳn ngành công nghiệp âm nhạc, cũng như truyền hình, phim ảnh hay các phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi hoàn toàn lĩnh vực truyền thông, hay ví dụ như công nghệ 5G bắt đầu trở thành hiện thực trên thị trường, tạo ra các tính năng công nghệ mới, chẳng hạn như có thể chia nhỏ mạng, độ trễ cực thấp, tốc độ nhanh nhẹ và độ tin cậy cực cao. Và những tính năng công nghệ này đang thúc đẩy các ứng dụng mới từ các phương tiện điều khiển từ xa trong hầm mỏ đến các cảm biến nhỏ có tuổi thọ pin dài 10 năm, từ đó tạo ra thị trường mới cho các sản phẩm này.

Năm là, phát triển khoa học công nghệ theo hướng liên ngành: Theo khái niệm truyền thống, liên ngành được định nghĩa là sự kết nối, phối hợp giữa các bộ môn khoa học khác nhau nhằm vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng và thực hành từ hai hoặc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghiệp 4.0, liên ngành có thể được hiểu như một hệ sinh tháí kết hợp giữa con người và máy móc giải quyết các vấn đề có tính phức tạp ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, liên ngành là khả năng kết hợp giữa công nghệ số và kỹ năng mềm được thể hiện chủ yếu bằng năng lực xã hội, đòi hỏi những người tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải có các kỹ năng trong các lĩnh vực khác nhau, ví dụ như các kỹ sư giỏi nhất là những người không chỉ viết thuật toán mà còn có thể giao tiếp và quản lý nhân lực một cách rất hiệu quả. Mối liên hệ giữa liên ngành và năng lực nhận thức là rõ ràng nếu liên ngành được hiểu là khả năng tạo ra kiến thức mới và giải pháp thực tế cho các vấn đề phức tạp.

5- Đổi mới sáng tạo Khoa học, Kinh tế tuần hoàn và Bền vững trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này, đồng thời khắc phục những sai lầm trong khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi có sự đổi mới từ tư duy đến đối tượng nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường:

Một là, bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay, đặc biệt là để góp phần phục hồi sau đại dịch, giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu đặt ra yêu cầu khoa học công nghệ phải đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh mới. Từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá Trái Đất, Môi trường để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội mà không tuân theo quy luật tự nhiên, khoa học hiện nay cần phải nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên; chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi tự nhiên.

Hai là, các ngành khoa học cần tăng cường liên kết trong nghiên cứu, khám phá đầy đủ, toàn diện các giá trị, thông tin khoa học, dữ liệu lịch sử từ kho tàng địa chất, luận giải được lịch sử hình thành, phát triển của Trái Đất, Môi trường từ đó có được những hiểu biết sâu sắc về cũng như bài học kinh nghiệm từ những biến cố trong lịch sử để dự báo tương lai nhằm thích ứng, giảm nhẹ những thảm hoạ.

Ba là, các nhà khoa học hiện nay cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề lớn của môi trường, từ chôn lấp, lưu trữ các-bon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như  địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân chất lượng cao phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt chú trọng đào tạo các nội dung tri thức có tính liên ngành; chuyển đổi, đổi mới mục tiêu, kết quả, sản phẩm và quy trình đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức (R&D), quản lý, tổ chức và đảm bảo chất lượng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng cao và nhanh chóng, hài lòng các bên liên quan.

Năm là, mô hình các tổ chức khoa học công nghệ cần thay đổi để phù hợp thực tiễn, gắn sản phẩm đầu ra phục vụ quản lý, chính sách, tác nghiệp và doanh nghiệp; làm rõ tính hiệu quả kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ; cần xã hội hoá nguồn lực khoa học công nghệ và cần gắn khoa học công nghệ và đào tạo, đào tạo nguồn lực chất lượng cao. Đây là nền tảng để Việt Nam có thể làm chủ công nghệ tiên tiến, tiến tới phát triển công nghệ made in Việt Nam.

Giá trị sản phẩm khoa học và những luận chứng mới sẽ góp phần triển khai hiệu quả các cam kết của Việt Nam với quốc tế về môi trường và khí hậu, cũng như các giải pháp công nghệ cho khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên.

GS. TS. Trần Hồng Thái 

Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Tài liệu tham khảo:

  1. UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication - A Synthesis for Policy Makers, www.unep.org/greeneconomy.
  2. IPCC (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press. In Press.
  3. Imteaz, M.A., Shanableh, A., Rahman, A., Ahsan, A. (2011). Optimisation of rainwater tank design from large roofs: A case study in Melbourne, Australia. Resour Conserv Recycl, 55(11), 1022–1029.
  4. Gielen, D., Boshell, F., Saygin, D., Bazilian, M.D., Wagner, N., Gorini, R. (2019). The role of renewable energy in the global energy transformation. Energy Strategy Reviews, 24, 38–50.
  5. BP Statistical Review of World Energy: https://www.bp.com/en/global/corporate/energy-economics/statistical-review-of-world-energy.html.