Sách Những ngày vàng
Hamvas Béla có những điểm riêng biệt so với những triết gia khác, thường có lối tư duy phức tạp, mang tính lý thuyết đôi khi trừu tượng theo hướng siêu hình, những điều mà Hamvas Béla nói luôn luôn sống động và bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân, vì thế nghe rất gần gũi cũng như thân thuộc. Sau khi nghiệm ra bản chất của cuộc đời này, ông như chấp nhận chính "kiếp người" ấy, từ đó một lòng muốn hưởng thụ nó.
Những trích đoạn sách được coi là hay nhất trong cuốn Những ngày vàng của Hamvas Béla: “Aldous Huxley đã tính toán, vòng của sự im lặng mỗi năm hẹp lại mười ba km rưỡi. Chẳng bao lâu nữa sẽ đến lúc, ông nói, sự im lặng sẽ biến mất hoàn toàn khỏi Trái đất. Kẻ hạnh phúc sẽ là kẻ đôi khi được dự phần vào sự trầm tĩnh nửa giờ trên biển hoặc trên dãy Himalaya. Vòng của sự thân mật cũng ngày càng nhỏ lại. Trong thời hoàng kim, niềm vui từng là toàn bộ Trái đất, thân thiết như mật quả. Bởi vậy kinh Tora mới gọi thời hoàng kim là vườn Ê-đen vì thế.
...
Chính bản thân con người đã tự đuổi họ ra khỏi Trái đất thời hoàng kim, nhưng cái giường là một nơi chốn bé xíu trong túp lều, nơi nó có thể chui vào sống một chút đời sống còn sót lại của thời hoàng kim, khi ngoài kia tiếng mô tô gầm rú, tiếng cười hô hố từ cái ra đi ô nhà hàng xóm, bên trong sự ồn ã cũng chả kém, cái đồng hồ liên tục tích tắc, lương tâm thì thét gào, nhưng con người có thể chui vào một góc đặc biệt, ngả đầu xuống gối, như một thời vào một buổi chiều mùa hè trong bóng râm, dưới gốc cây vả ngát hương ngả đầu vào bụng con sư tử nghỉ ngơi.”
(Trích Cái giường)
[...]
"... Sắc vàng rạng rỡ trên bầu trời và trong không gian này không phải là hiện tượng tự nhiên. Đây là hào quang của ân sủng tỏa sáng trên trái đất sung chín. Và trong sự trầm ngâm siêu nhiên, trên bậu cửa của cái chết, nhưng trên đỉnh của đời sống, thiên nhiên tự nguyện trút hết của cải của mình ra không chút mê muội và bắt buộc, trong cái đẹp bình thản, cùng mọi cơ hội bỗng chín mọng bên trong một thứ quả bí ẩn như thế nào đấy.
Đã bao nhiêu lần khi những ngày vàng này bắt đầu, tôi đều lên đường dự phần vào sự hiện hữu của chúng, luôn luôn nhận được một thấu thị báo trước nào đó như thể công việc của năm lúc đó đã chín muồi, chỉ đợi để thu hoạch".
Suy cho cùng, con người bất toàn và đầy mong manh. Họ không giống cây để biết hiện sinh của cây, mà chỉ biết mình không thể hòa hợp được cùng với ai, ngoại trừ nửa kia còn lại – cái tôi sót lại bên trong chính mình. Do vậy đọc Những ngày vàng của Hamvas Béla chính là quá trình "khoan sâu xuống đất", nhìn nhận lại bản thân, để sống thật khiêm nhường nhưng vẫn tỉnh táo khi biết hóa ra bản thân mình thật nhỏ bé.
Sách Những ngày vàng
Trải qua nhiều biến động thời cuộc và những bi đát cuộc đời, 3 lần tham chiến và có những lúc bị đày đến những vùng đất khiến ông sống cảnh biệt lập như trên hòn đảo, thế nhưng Hamvas Béla đã biến bất lợi trở thành cơ hội, từ đó đưa ra những suy ngẫm riêng vô cùng lãng mạn. Ông xem thường danh tiếng, sự thành công, sự nổi tiếng và cả vinh quang vì bản thân chúng không có ý nghĩa. Ông cũng tự hỏi "Tôi làm gì với danh vọng trong sự cô đơn trên rừng của tôi?". Vì vậy đọc cuốn sách này ta như đào sâu vào trong chính mình, và thấy bản thân như một đối tượng đang bị mổ xẻ.
Như Hamvas Béla viết "Các thực thể: hoa, cây, các ngôi sao, chim muông chỉ biết đến sự nổi tiếng trước Thượng đế; độc nhất có con người thỏa mãn với điều ít ỏi hơn: nổi tiếng trước nhân loại". Những ngày vàng là các tiểu luận chắt lọc của bản thân ông, trong sự nên thơ của từ ngữ và các suy ngẫm mang tính khai phóng, sẽ đưa người đọc vào một hành trình như ngọn lửa lan, để ta biết rằng vô số tổ hợp còn chờ đợi mình, và qua những cung đường ấy "chính con người cháy rụi, còn thế gian tiếp tục nở hoa".
Tác giả, triết gia Hamvas Béla
Tác giả Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của Hungary và châu Âu thế kỉ XX. Ông được đánh giá như một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20 ở châu Âu. Tư tưởng của ông hướng về giá trị tổng hợp, phổ quát của minh triết cổ nhân loại, nằm trong các cuốn sách cổ. Hamvas Béla với các tiểu luận triết học đặc thù, thông qua ngôn ngữ Hungary đã tái tạo, giới thiệu những giá trị tinh thần vĩnh cửu của nhân loại. Tư tưởng, đề tài, văn phong trong các tác phẩm của Hamvas Béla đặc biệt hấp dẫn người đọc, thông qua bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Béla thường viết theo dòng suy tưởng, thường theo motif được khơi nguồn từ nghệ thuật, thiên nhiên, sau đó sẽ là một loạt suy ngẫm cứ thế nối nhau cho đến vô tận.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Hồng Nhung
Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung hiện đang dạy tiếng Việt trong trường Đại học Tổng hợp Budapest ELTE Hungary. Là dịch giả một số tác phẩm văn học và triết học Hungary: Lời cỏ cây, Những ngọn nến cháy tàn (Márai Sándor), Kinh cầu Kaddis (Kertész Imre), Lữ khách và cõi trăng (Szerb Antal), Tập truyện ngắn của Csáth Géza, Karinthy Frigyes…
Ngoài các dịch phẩm, bà còn có các tác phẩm riêng: Gái ba mươi (truyện ngắn), Hãy yêu nỗi cô đơn (tùy bút và thơ), Phẩm hoa đêm ngày hương nhủ (tập thơ).
Lê Thị Vân Anh