11/01/2025 lúc 03:20 (GMT+7)
Breaking News

Những giải pháp cụ thể, thiết thực xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương trong ứng phó dịch bệnh

VNHN - Trong rất nhiều các giải pháp ứng phó với dịch nCoV, từ đảm bảo ổn định nguồn cung, giá cả tại thị trường trong nước; đảm bảo nguyên, nhiên việt việt phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt thị trường hàng hoá, ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng… đến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu thay thế, tìm đầu ra cho hàng hoá trong cả ngắn và dài hạn.

VNHN - Trong rất nhiều các giải pháp ứng phó với dịch nCoV, từ đảm bảo ổn định nguồn cung, giá cả tại thị trường trong nước; đảm bảo nguyên, nhiên việt việt phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt thị trường hàng hoá, ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng… đến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu thay thế, tìm đầu ra cho hàng hoá trong cả ngắn và dài hạn.

Theo đại diện Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vụ đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch nCoV đến các thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là nông, thuỷ sản sang khu vực Châu Á và Châu Phi, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp. "Việc mở cửa các thị trường cho hàng nông sản ở hai khu vực này còn gặp nhiều khó khăn” – đại diện Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi nói và cho biết, dù vậy, sau khi rà soát, Vụ đã định hướng tập trung vào các thị trường xuất khẩu cụ thể, như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường đã ký các FTA với Việt Nam.

Chi tiết hơn, vị đại diện Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi cho biết, đã phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nói trên để xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và theo kế hoạch, từ ngày 17-22/2, sẽ có 5 đoàn doanh nghiệp nông sản của Hàn Quốc đến Hà Nội tham gia chương trình kết nối tiêu thụ nông sản với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trước đó, từ ngày 12-15/2, sẽ có 15 đoàn doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản của Nhật Bản đến các tỉnh phía Nam nhằm kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Đặc biệt, trong thời gian các đoàn hoạt động tại Việt Nam, ngày 14/2, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam. Cũng trong tháng 2/2020, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi kết hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan mời đoàn doanh nghiệp của Thái Lan đến TP. Hồ Chí Minh để kết nối tiêu thụ thanh long và nếu điều kiện cho phép, sẽ tổ chức “Ngày thanh long Việt Nam” tại vùng Đông Bắc của Thái Lan trong quý II/2020.

Còn ở thời điểm hiện tại, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi đang tích cực vận động đoàn doanh nghiệp của Indonesia sang làm việc với các địa phương, như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên trong tháng 2 và 3/2020 để hình thành kênh tiêu thụ quả vải. Cùng đó, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết dự kiến trong ngày 26-28/2 sẽ tổ chức đoàn các nhà nhập khẩu rau, củ, trái cây sang nước ta tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại các tỉnh phía Nam. Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi cũng đang hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các quy định, điều kiện của quốc gia nhập khẩu và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân và giảm thiểu tác động bất lợi của dịch nCoV đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hoá.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu than hoạt tính để sản xuất khẩu trang, Vụ đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia trong khu vực tích cực tìm kiếm đối tác cung cấp. Hiện Thương vụ tại Thuỵ Điển đã thông báo danh sách 19 doanh nghiệp có khả năng cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh đó, Thương vụ tại Ba Lan, Bỉ, Pháp… cũng đã cung cấp danh sách nhiều doanh nghiệp. Hiện các đối tác đang chờ phía Việt Nam đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật để có thể sớm cung cấp các nguyên liệu nói trên. Về việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang các thị trường này, đại diện Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho biết, qua phân tích, đánh giá, Vụ nhận định khu vực Đông Âu là thị trường khả quan hơn cả.

Còn theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, bên cạnh việc chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế thì việc duy trì ổn định với thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là cần thiết. Vì vậy, Cục Xuất nhập khâu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới nắm bắt tình tình, trao đổi với phía đối tác để điều tiết hoạt động giao thương và đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thuỷ sản. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch và đáp ứng các điều kiện, các tiêu chuẩn mới theo hướng ngày càng khắt khe hơn của thị trường Trung Quốc.

Đánh giá cao các biện pháp và hành động kịp thời của các Cục, Vụ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có báo cáo đánh giá bước đầu trình Chính phủ về những tác động của dịch nCoV đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng nông, thuỷ sản – những mặt hàng chịu tác động đầu tiên và mạnh nhất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, chúng ta cần tiếp tục có những đánh giá toàn diện hơn những tác động có thể có, cả tác động trực tiếp và gián tiếp, bám sát diễn biến của dịch bệnh đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu nói chung, Trung Quốc nói riêng.

Đặc biệt, không chỉ nghiên cứu, đánh giá, đưa ra các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác này đối với nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam, nhất là với những mặt hàng nhập khẩu là nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước, trong đó tập trung vào những ngành mũi nhọn trong sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu để có những kịch bản mới, tương ứng diễn biến của dịch bệnh, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020.

Liên quan đến công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu thay thế, trong đó có các mặt hàng nông, thuỷ sản, Bộ trưởng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, lâu dài, gắn với việc tuân thủ các điều kiện sản xuất, chế biến rất cao của các thị trường nhập khẩu đã và sẽ được đưa ra trong các Hiệp định thương mại tự do đa và song phương. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ khẩn trương xây dựng và tổ chức ngay các đoàn hai chiều (đoàn ra nước ngoài và mời đoàn nước ngoài vào Việt Nam) đi làm việc với các đối tác nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường có dư địa lớn trong tiêu thụ hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, thuỷ sản nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá trong ngắn hạn, đồng thời có kế hoạch dài hạn trong việc tìm kiếm, ở rộng, duy trì và phát triển các thị trường thay thế hậu dịch nCoV.