VNHNO - Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhu cầu tiêu dùng đối với hàng dệt may trong nước đang ở mức thấp vì trên thị trường hiện nay vẫn bày bán tràn lan hàng lậu, hàng nhái, hàng giả. Thậm chí, những sản phẩm đó còn bị gắn mác là hàng Việt, hàng hiệu khiến nhiều người tiêu dùng không phát hiện được cho nên vẫn lựa chọn sử dụng.
Doanh nghiệp Dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đạị.
Việt Nam luôn đứng trong top 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa phát triển thị trường trong nước như kỳ vọng trước đó. Phần lớn, các doanh nghiệp Dệt may vẫn đang tập trung phát triển các cửa hàng, đại lý ở các khu đô thị, thành phố lớn và vẫn chưa thật sự chú trọng đầu tư vào thị trường ở nông thôn.
Nhận diện được vấn đề đang tồn tại bấy lâu nay, hàng loạt các công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) như: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè,… cũng tăng cường đầu tư, nghiên cứu thiết kế nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Mới đây, Vinatex đã khai trương trung tâm thời trang với quy mô 6 tầng và diện tích trưng bày là hơn 2.500 m2. Các nhóm hàng được bố trí sắp xếp theo từng tầng cụ thể và quy tụ những thương hiệu thời trang uy tín, nổi tiếng trong nước như Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Việt Thắng, Tân Phú,… đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.
Đồng thời, đại diện lãnh đạo Vinatex cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư nghiên cứu, tạo ra những dòng sản phẩm như khăn, vải, áo sơ-mi,... với giá bán phù hợp để hướng tới nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng ở vùng nông thôn.
Tại thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước như TP. HCM, mặc dù ngành Dệt may đang chịu áp lực sụt giảm sức mua, nhưng phần lớn các cửa hàng thời trang trên địa bàn được đầu tư hoàn chỉnh đều là của doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, hàng may mặc Việt hiện nay đã có sự điều chỉnh phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Mọi đối tượng người mua trong nước đều được quan tâm đúng mức, và có dòng sản phẩm phù hợp riêng cho mình.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước còn hướng đến sản phẩm dệt may dành cho gia đình như đồ dùng trong phòng ngủ (chăn, drap, gối…), đồ dùng nhà bếp… Tại nhiều hội chợ ngành dệt may, không chỉ doanh nghiệp lớn tự tin quảng bá sản phẩm, mà nhiều doanh nghiệp nhỏ, phát triển từ hộ sản xuất gia đình cũng đã tham gia với các sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng theo những xu hướng thời trang hiện đại.
Đại diện của Tổng công ty May 10 nhận định, hàng loạt trung tâm thời trang mang thương hiệu May 10 đã được hình thành theo tiêu chí: thời trang châu Âu, công nghệ Nhật Bản, tiện dụng Mỹ và giá cả Việt Nam nhằm giúp cho khách hàng thoải mai, có tin tưởng hơn vào những sản phẩm nội địa.
Ngoài việc duy trì hơn 200 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc, tổng công ty May 10 tiếp tục đầu tư, nâng cấp và mở rộng các cửa hàng, trung tâm thời trang có quy mô từ 200 - 300 m2 cùng với hàng trăm mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi đối tượng khách hàng.
Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang (Dugaco) không giấu được cảm xúc. Với vai trò là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dệt may Việt Nam, trước sự lấn sân của các thương hiệu nước ngoài, Dugaco quyết tâm nghiên cứu, đem các thương hiệu thời trang đến với đông đảo người tiêu dùng nội địa.
Từ năm 2016 đến nay, Dugaco đã xây dựng một Trung tâm thời trang theo mô hình tập trung khép kín với mô hình từ thiết kế, may mẫu, sản xuất và phân phối nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh và có sự khác biệt, đến nay Dugaco đã đưa ra thị trường những thương hiệu thời trang có uy tín như Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young,…
Khẳng định uy tín và đảm bảo được chất lượng của từng sản phảm, Dugaco đã được nhiều khách hàng công sở tin tưởng, lựa chọn. Đặc biệt phải kể đến các cơ quan, đơn vị tiêu biểu như: Liên Việt Post Bank, Kho bạc Nhà nước, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Vingroup, Agribank, Vietinbank,…/.