14/01/2025 lúc 00:00 (GMT+7)
Breaking News

Những cánh tay nối dài... di sản

Họ sống cuộc đời bình thường như bao người khác trong khu vực I của phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhưng có một điểm đặc biệt, họ được cộng đồng và thành phố tin cậy trao gửi trọng trách - là "kênh" liên lạc thông tin hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy di sản.

Họ sống cuộc đời bình thường như bao người khác trong khu vực I của phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhưng có một điểm đặc biệt, họ được cộng đồng và thành phố tin cậy trao gửi trọng trách - là "kênh" liên lạc thông tin hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy di sản.

1."Thành phố đi vắng" - đó là tên tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhưng không hiểu sao bốn chữ đó, tên tập truyện ngắn đó cứ ám vào tâm trí chúng tôi trong những ngày này, khi sống tại thành phố du lịch Hội An. Thực tế thành phố vẫn ở đó, có phải thuyền bè đâu mà trôi đi, tìm bến mới, nhưng bởi, mỗi đêm về chỉ vài tấm biển bán món cao lầu, vài nhà hàng mở cửa le lói, khách thảng hoặc như người đi lạc đường vào ăn. Phố ngày cũng như đêm khúc xạ vào mỗi người nỗi buồn vắng. Trong những ngày đầu tháng bảy này, lại càng ít người đến với thành phố.

"Những cánh tay nối dài" của thành phố về thực chất, họ không có quyền, về phẩm chất - họ như những người "chăm sóc" cho thành phố. Trong những ngày này, họ chuẩn bị sẵn một chiếc bàn nhỏ, trên đó có nước sát khuẩn, khẩu trang… và cuốn sổ tay ghi chép những thông tin về cộng đồng cư dân của khu phố, anh Huỳnh Quang Ðạt, cộng tác viên di sản, là một trong những người như vậy. Anh cười, bảo: "Gặp nhau thời Covid phải thế!".

Chuyện cũ. Tháng 11/2020, khi thành phố Hội An vừa trải qua hai lần giãn cách, sau đó, những trận bão, lụt liên tiếp, nhà nhà trong khu phố cổ hầu như đóng cửa. Từng dãy phố trong tình trạng ngày không mở cửa, đêm không ánh đèn. Những ngôi nhà cho thuê làm cửa hiệu ngừng hoạt động kinh doanh đã đành, những ngôi nhà có người sinh sống tại đó cũng thường xuyên cửa đóng then cài kéo dài giãn cách. Bởi lẽ, người trẻ rời nhà đi làm, những người cao tuổi, hoặc chuyển ra ngoài khu phố cổ ở cùng con cháu, hoặc đóng cửa gói ghém toàn bộ sinh hoạt của họ ở bên trong ngôi nhà.

Thả một cái nhìn vào phố cổ, nhận về những lặng thinh như tỏ tình đơn phương. Trong nỗi niềm này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ để bước đầu thu thập thông tin về những người lớn tuổi hiện sinh sống trong khu phố cổ, qua đó đề xuất các định hướng khảo sát, điều tra theo hướng chuyên sâu phục vụ cho việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Việc tiếp cận người dân - đặc biệt người lớn tuổi trong khu phố cổ vô cùng khó khăn.

Nhận được đề nghị hỗ trợ, những cộng tác viên di sản đã thật sự chứng tỏ vai trò "cánh tay nối dài". Họ không chỉ cung cấp số liệu về ngày, tháng, năm sinh mà còn là nhịp cầu kết nối và tạo mối duyên để chúng tôi có cơ hội trực tiếp trò chuyện, hỏi han thu thập được nhiều thông tin về Hội An xưa qua ký ức của những cư dân lớn tuổi trong khu phố cổ.

Những buổi sáng sớm, khi nước lụt còn đang mấp mé trên nhiều quãng đường trũng, các cộng tác viên di sản vừa kết thúc việc dọn lụt trong ngôi nhà của mình đã sẵn lòng đưa chúng tôi đến từng ngôi nhà có người lớn tuổi đang sinh sống. Nhờ có sự giới thiệu của họ, câu chuyện của chúng tôi trở nên cởi mở, thân mật, đầm ấm sau những ngày đường ngâm trong nước, phố dầm trong mưa. Ngoài thông tin và những câu chuyện ký ức thu thập được, chúng tôi nhận được sự cảm mến của người dân đến mức có hôm còn được ăn bữa trưa với gia đình cư dân phố cổ.

2. Mỗi cộng tác viên đều nhiệt tình, trách nhiệm với công việc theo cách riêng của mình. Dù họ làm những công việc khác nhau để kiếm sống nhưng người nào cũng thường trực trong lòng, cũng sẵn tâm thế bảo vệ giá trị của khu phố cổ. Do vậy, nhiều khi đang trên đường đi làm, tình cờ nhìn thấy những hoạt động sửa chữa, tu bổ chưa đúng, các cộng tác viên liền liên lạc với Phòng Quản lý Khu phố cổ của trung tâm để có những can thiệp kịp thời.

Ðặc thù Khu phố cổ Hội An là "bảo tàng sống" - mỗi ngôi nhà là một di tích trong quần thể di sản đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Người dân sống "cộng sinh" với di tích, thực hành văn hóa vật chất, tinh thần với di tích. Ðiều này tạo ra giá trị đặc biệt của di sản, tuy nhiên cũng đặt chính quyền thành phố Hội An phải đối diện việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn, phát triển gắn với đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cư dân khu di sản. Ðội ngũ cộng tác viên di sản chính là một trong những nhân tố quan trọng hỗ trợ thành phố giải bài toán khó này.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An chia sẻ: "Thành lập theo một mô hình mẫu của Nhật Bản, từ tháng 6/2011 đến nay, đội ngũ khoảng 30 cộng tác viên bảo tồn di sản được thành phố Hội An duy trì. Họ đều là những người gắn bó trực tiếp với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của cư dân phố cổ, vì vậy, đây là "kênh thông tin" hết sức quan trọng hỗ trợ thành phố trong việc quản lý, định hướng công tác bảo tồn".

Năm 2021, mạng lưới cộng tác viên di sản được mở rộng với sự tham gia của một số người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có tâm huyết với công tác bảo tồn di sản, góp phần cùng các cơ quan chuyên môn trong công tác điều tra, khảo sát, thực hiện các hoạt động tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá hằng năm đối với các chương trình, dự án có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn.

Từ đây, đội ngũ cộng tác viên di sản không chỉ hỗ trợ thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ như phối hợp tham gia giám sát, thông tin đến các đơn vị, cơ quan chức năng của thành phố để nắm bắt, xử lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế các trường hợp sửa chữa, tu bổ di tích khi chưa được cấp phép. Họ còn là những tuyên truyền viên truyền đến người dân những chính sách, quy định trong quản lý, bảo tồn. Di sản, nhờ thế mà có thêm trợ lực trong hành trình bảo tồn và phát triển