16/01/2025 lúc 11:38 (GMT+7)
Breaking News

Nhìn lại 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của các nghị sỹ

VNHN trân trọng giới thiệu bài viết "Nhìn lại 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của các nghị sỹ" của Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân.

VNHN trân trọng giới thiệu bài viết "Nhìn lại 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của các nghị sỹ" của Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân.


Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân. Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (12/7/1995 - 12/7/2020), Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân, trước đây là Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội Việt Nam, có gần 20 năm phụ trách quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã có bài viết: “Nhìn lại 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của các nghị sỹ”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cách đây một phần tư thế kỷ, đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không ai có thể tưởng tượng rằng, hai nước từng là kẻ thù không đội trời chung, giờ khép lại quá khứ đau thương, cùng nhau bước sang một chương mới trong lịch sử hai nước. Để có những bước đi mang tính lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ, từ cựu thù thành bạn bè và đối tác toàn diện từ năm 2013, đã diễn ra rất nhiều thay đổi ngay trong cách suy nghĩ, tư tưởng của những người đứng đầu Quốc hội, Chính phủ ở hai phía. Sự kiện này có một ý nghĩa đặc biệt, vượt lên trên kỳ vọng của người ngoài cuộc và trong cuộc.

Những gì Việt Nam và Mỹ đã làm được là kết quả của một quá trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên để vượt qua những trở ngại lớn. Trong đó, cần phải kể tới những đóng góp vô cùng quan trọng của những nghị sỹ Mỹ đã nỗ lực hết mình vì hòa bình, phát triển và lợi ích của hai dân tộc. Nổi bật trong số đó có cố Thượng nghị sỹ John McCain và cựu Thượng nghị sỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, những người đi đầu phá tan tảng băng ngờ vực trong giới chính khách Mỹ. Nhìn lại toàn bộ quá trình này, thấy một nghịch lý trong quan hệ Việt - Mỹ, đó là những người từng tham chiến lại trở thành nhà tiên phong trong hàn gắn quan hệ. Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của hai Thượng nghị sỹ John Mccain và John Kery đối với việc bình thường hóa, tiến trình đó sẽ còn bị trì hoãn nhiều năm nữa khi chống đối ở Quốc hội Mỹ lúc đó vẫn rất mạnh.

Là một phi công chiến đấu tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, John McCain bị bắt năm 1967 sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ở Hà Nội trong phi vụ ném bom miền Bắc. Sau khi được trao trả về Mỹ, McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị, trở thành một Nghị sĩ, Thượng nghị sĩ, ứng cử viên Tổng thống năm 2000 và 2008 và là người đã có những nỗ lực không mệt mỏi để hóa giải mối hận thù giữa hai đất nước, được nhiều người dân Việt Nam yêu mến coi như một người bạn thân thiết. Trong những năm cuối đời, dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư não, Thượng nghị sĩ McCain vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự theo luật pháp ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là với những hành động cải tạo thực địa các bãi đá ngầm nhằm mục đích quân sự hóa trên Biển Đông.

Tôi có may mắn là được gặp Thượng nghị sỹ John McCain khá sớm, từ những ngày đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trong hơn 20 chuyến thăm của Thượng nghị sỹ sang Việt Nam, tôi đã tháp tùng Thượng nghị sỹ John McCain trong hơn 10 chuyến, kể cả chuyến thăm cuối cùng của ông vào tháng 6/2017 mà Thượng nghị sỹ rất cảm kích trước quyết định của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã bố trí cho ông lên thăm tàu khu trục USS John S. McCain mang tên cha và ông nội mình đang dừng đỗ ở cảng chiến lược Cam Ranh. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất về Thượng nghị sỹ Mccain là sự thẳng thắn và quyết tâm chính trị rất lớn của ông trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Có thể nói, đối với tôi, Thượng nghị sỹ là một biểu tượng cho quan hệ Việt - Mỹ, của tinh thần hòa giải, bước qua những mặc cảm để đi đến bình thường hóa và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với một đối tác mà trước đây là kẻ thù của mình. Với những đóng góp tích cực của mình, ông đã có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ. 

Cũng là một cựu binh Mỹ, tham gia lực lượng Hải quân trong chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sỹ - cựu Ngoại trưởng John Kerry thường được coi như cặp bài trùng với Thượng nghị sỹ John McCain trong vấn đề hàn gắn vết thương giữa hai dân tộc, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mặc dù hai Thượng nghị sỹ thuộc hai Đảng đối lập. Thượng nghị sĩ John Kerry là người đứng đầu Ủy ban đặc biệt về các vấn đề tù binh và quân nhân mất tích trong chiến tranh. Khi đó, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là vấn đề vô cùng nhạy cảm, là vết thương nhức nhối của người Mỹ. Thế nhưng, bằng hàng chục chuyến công du Việt Nam và Đông Nam Á, cùng việc nghiên cứu hàng ngàn tài liệu, hình ảnh, ông John Kerry đã làm sáng tỏ tin đồn về binh sĩ Mỹ bị giam trong “các nhà tù bí mật” ở Việt Nam. Điều đó đã giúp Thượng nghị sỹ dành được sự đánh giá và uy tín cao trong Quốc hội Mỹ.

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, người đã dành trọn 30 năm cống hiến cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước. Thượng nghị sỹ Leahy được xem là thế hệ tiếp nối ông John McCain (đã mất) và John Kerry (rời xa chính trường) trong việc vun đắp quan hệ Việt - Mỹ.

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, năm nay 79 tuổi, là một người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và đã có công lớn trong việc phân bổ ngân sách dành cho Việt Nam không chỉ trong giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Thời gian đầu, để giúp đỡ Việt Nam không phải là điều dễ dàng, bởi không phải người Mỹ nào cũng hiểu được những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại ở Việt Nam và tầm quan trọng của việc hòa giải với Việt Nam. Khi lòng tin giữa hai nước đã được cải thiện, Thượng nghị sỹ Leahy bắt đầu các dự án giúp đỡ Việt Nam, trong đó “Quỹ các nạn nhân chiến tranh Leahy” đã cung cấp chân tay giả và xe lăn giúp hàng nghìn người Việt Nam hồi phục khả năng vận động và bớt mặc cảm với xã hội.

Thượng nghị sỹ Leahy còn là người vận động về việc hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Ông từng nói công việc đó đã giúp vơi đi phần nào nỗi đau của hàng trăm gia đình Mỹ, và chỉ có thể làm được điều đó nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn, nghèo đói sau cuộc chiến và do lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ.

Đối với Thượng nghị sỹ Leahy, cột mốc hợp tác đỉnh cao giữa hai bên nhằm khắc phục nỗi đau do chiến tranh để lại là hoàn thành dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng và khởi công dự án ở sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam trị giá 183 triệu USD/5 năm đầu do Chính phủ Mỹ trực tiếp viện trợ. Tôi vẫn còn nhớ mình tháp tùng ông và Đoàn Thượng nghị sỹ lớn nhất trong lịch sử gồm 9 Thượng nghị sỹ Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đến tỉnh Đồng Nai. Người đàn ông cao tuổi này vẫn không ngại đường xa, chương trình hoạt động dày đặc, đầu trần đứng dưới trời nắng như đổ lửa để chứng kiến Lễ động thổ Dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa.

25 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được, trong đó có vai trò của Quốc hội Mỹ, các nghị sỹ Mỹ và Quốc hội Việt Nam, các Đại biểu Quốc hội thực sự ấn tượng, góp phần không nhỏ trong giai đoạn mở đường và sự hợp tác vượt bậc của hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay.

Có thể lý giải rằng bên cạnh lợi ích song phương, hai nước ngày càng gần nhau hơn vì cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, Bán đảo Triều Tiên và phối hợp tại các diễn đàn khu vực, quốc tế. Điều quan trọng hơn cả, quan hệ của hai nước cũng được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Rõ ràng, lòng tin chiến lược giữa nhân dân, lãnh đạo cấp cao hai quốc gia ngày càng được nâng cao rõ rệt. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục gạt bỏ khác biệt, tôn trọng lịch sử và hướng về phía trước, vì một tương lai chung lòng tin, hòa bình và thịnh vượng.