28/11/2024 lúc 08:24 (GMT+7)
Breaking News

Nhìn lại 10 năm Việt Nam thực hiện tư cách thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Sự ra đời của tổ chức có tên gọi là Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) được coi là một sáng kiến toàn cầu về pháp luật. HCCH chính thức đi vào hoạt động từ năm 1955, đến nay đã có lượng thành viên đông đảo với 91 thành viên bao gồm 90 quốc gia và một tổ chức (Liên minh châu Âu).

Ngoài ra, tổ chức này còn có 65 bên ký kết liên quan khác mà không phải là thành viên. Việt Nam đã từng là một bên ký kết liên quan của HCCH từ ngày 01/02/2012 khi là thành viên Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Hơn một năm sau đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của HCCH đánh dấu bước đi mới của Việt Nam vào sân chơi toàn cầu về tư pháp quốc tế.

Bài viết này sẽ cùng nhìn lại hành trình 10 năm Việt Nam là thành viên của HCCH, những chuyển biến về nhận thức, nhân sự; sự tham gia của Việt Nam vào các công ước và kết quả đạt được cũng như những thách thức mà Việt Nam đã và đang gặp phải trong hành trình này.

1. Quá trình gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam

Các quốc gia nghiên cứu về việc gia nhập HCCH thông qua việc tìm hiểu thông tin từ các quốc gia đi trước, từ chuyên gia của HCCH và từ việc nghiên cứu thông tin trên trang thông tin chính thức của HCCH. Trang thông tin chính thức của HCCH cung cấp nhiều thông tin cơ bản và cần thiết nhất về danh nghĩa tổ chức, quy chế thành viên, các nghĩa vụ thành viên và thủ tục gia nhập khi một quốc gia trở thành thành thành viên của HCCH.

Việt Nam đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu khá kỹ cho việc gia nhập HCCH. Từ năm 2008, tại Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 do Bộ Tư pháp tổ chức với khoảng 100 đại biểu đến từ nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương, nhiều đại diện đến từ HCCH và các quốc gia là thành viên đã tham gia các công ước của HCCH đã giới thiệu về HCCH, tổng quan tình hình soạn thảo, đàm phán và gia nhập các công ước, những thuận lợi của một quốc gia khi là thành viên của công ước trong đó chú trọng vào các công ước có nhiều quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử cán bộ làm quan sát viên tại một số phiên họp của HCCH để trực tiếp chứng kiến cách thức vận hành và trao đổi các vấn đề tại HCCH. Việt Nam đã cử đại diện tham dự Ủy ban đặc biệt xây dựng Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Ủy ban đặc biệt xây dựng Công ước cấp dưỡng năm 2007, một số phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của HCCH.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ về quy chế gia nhập HCCH và các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên, cân nhắc lợi ích của việc gia nhập, trên cơ sở Đề án của Bộ Tư pháp[1], ngày 17/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Ngày 28/9/2012, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập HCCH và chính thức trở thành thành viên HCCH vào ngày 10/4/2013.

2. Hành trình 10 năm là thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

2.1. Hoạt động truyền thông về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, các công ước của HCCH được quan tâm và đạt được những kết quả tốt

Mục tiêu của hoạt động này là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tư pháp quốc tế và đã được đặt là nhiệm vụ đầu tiên của Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam (Quyết định số 1440/QĐ-TTg)[2]. Việc nâng cao nhận thức cần được thực hiện đa dạng nhiều phương thức, trong đó có nghiên cứu khoa học về tư pháp quốc tế nói chung, HCCH và các công ước của HCCH nói riêng; bên cạnh đó, Kế hoạch đề ra nhiệm vụ quan tâm đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, chuyên gia làm việc trong các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương có liên quan về các nội dung về tư pháp quốc tế được điều chỉnh trong khuôn khổ HCCH; về vai trò vị trí của tư pháp quốc tế trong các quan hệ dân sự, thương mại và hoạt động tố tụng có yếu tố nước ngoài, về vị trí vai trò và tác động của HCCH cũng như các công ước của HCCH đến hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung.

Về nghiên cứu khoa học, sau khi Kế hoạch có hiệu lực, một số đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ giai đoạn 2017 - 2021, ví dụ như: Đề tài “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ Quyết định số 1440/QĐ-TTg về tư pháp quốc tế” đã được thực hiện và nghiệm thu thể hiện việc nghiên cứu chuyên sâu và nghiêm túc về các công ước của HCCH[3].

Bên cạnh đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật của Bộ Tư pháp đã xuất bản các số chuyên đề có bài viết giới thiệu về các công ước của HCCH về tư pháp quốc tế như “Hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự trước bối cảnh hội nhập” (năm 2017), “Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ và đưa trẻ em đi trái phép” (2018), “Tương trợ tư pháp về dân sự trong điều kiện hội nhập” (2020). Về giáo trình giảng dạy: Trường Đại học Luật Hà Nội đã biên soạn giáo trình mới về tư pháp quốc tế với những nội dung cập nhật.

Công tác tuyên truyền trực tiếp về HCCH,  các công ước của HCCH được quan tâm và trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quốc gia. Từ trước khi trở thành thành viên của HCCH tới nay, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức để giới thiệu về HCCH và các công ước của HCCH, đặc biệt tập trung vào các công ước mà Việt Nam nghiên cứu khả năng gia nhập. Các hội thảo, tọa đàm đều có sự tham gia của thành viên Ban Thư ký HCCH, Văn phòng HCCH khu vực châu Á Thái Bình Dương, chuyên gia đến từ các nước thành viên tích cực của HCCH (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc)[4].

Sau khi Việt Nam gia nhập các công ước của HCCH, Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho các đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tương trợ tư pháp về dân sự tại các tòa án và cơ quan thi hành án dân sự địa phương; biên soạn Sổ tay tương trợ tư pháp về dân sự và đăng tải trên trang Thông tin Tương trợ tư pháp. Tiếp tục thực thi Công ước nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã cập nhật và hoàn thiện thêm nội dung cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ, dịch và phát hành Sách hướng dẫn số 1 thực hiện Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế và tổ chức các lớp tập huấn.

Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham dự các phiên họp của Ủy ban đặc biệt triển khai thực hiện Công ước La hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HCCH còn ở mức độ hạn chế do tính bao phủ về không gian và đối tượng, thêm nữa nội dung mang tính chuyên sâu về tư pháp quốc tế nên không thu hút được đông đảo các đối tượng liên quan tham gia.

2.2. Về kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực tư pháp quốc tế

Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến về HCCH và việc tham gia của Việt Nam trong HCCH, nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực tư pháp quốc tế cũng được quan tâm thực hiện. Hoạt động này nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế bảo đảm có đủ trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và kĩ năng tham gia một cách chủ động và tích cực vào các hoạt động của HCCH.

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của HCCH, Bộ Tư pháp đã cử một cán bộ đầu mối chuyên trách làm nhiệm vụ điều phối hoạt động của cơ quan quốc gia và quản lý hộp thư chính thức [email protected]. Hoạt động của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan trung ương trong Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ được thực hiện tương đối hiệu quả, thông qua việc tiếp tiếp nhận và chuyển thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự theo khuôn khổ của các công ước, duy trì liên lạc với các nước thành viên và Ban thư ký của HCCH về các công ước này qua hộp thư điện tử [email protected].

Hàng năm, đội ngũ cán bộ, công chức của các bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao) và một số giảng viên của các trường đại học như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương… cũng được cử tham dự các phiên họp trong khuôn khổ HCCH để nắm bắt thông tin cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp và áp dụng các quy định về tư pháp quốc tế. Đại diện của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan cũng tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế[5], có bài trình bày giới thiệu về tư pháp quốc tế của Việt Nam và các hoạt động trong khuôn khổ HCCH.

Bên cạnh đó, hàng năm, các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ, luật sư cũng được tổ chức ở các cơ quan của Bộ Tư pháp như: Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp (mặc dù không chuyên sâu riêng về tư pháp quốc tế) như đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, tiếng Anh pháp lý, tọa đàm về hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, hoạt động kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo nâng cao năng lực cũng gặp những khó khăn về nguồn lực. Trong bối cảnh phải tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành trung ương Đảng, việc tăng số lượng công chức, viên chức cho các nhiệm vụ liên quan đến tư pháp quốc tế là khó khả thi. Việc chỉ có một cán bộ đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của HCCH dẫn đến tình trạng thông tin có lúc chưa được cập nhật kịp thời, hoạt động điều phối và nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên một trong những nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg chưa thể triển khai được. Đây là những thách thức mà Việt Nam đối mặt trong thời gian qua đòi hỏi phải được quan tâm và đầu tư hơn nữa.

2.3. Về việc phát huy vai trò thành viên tích cực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các công ước của HCCH

Từ khi chính thức trở thành thành viên của HCCH, Việt Nam đã cử người tham gia các phiên họp của HCCH đặc biệt là phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách, các phiên họp của Ủy ban đặc biệt về các công ước: Công ước năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Công ước dự án phán quyết, Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Công ước tống đạt), Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự (Công ước thu thập chứng cứ)…

Một trong những quyền của quốc gia thành viên là được có ý kiến về việc gia nhập HCCH của các quốc gia khác. Từ năm 2013, Việt Nam đã có ý kiến đồng ý về việc gia nhập của các nước thành viên mới, gồm: Singapore, Azerbaijan, Tuynidi, Moldova, Armenia, Dominica, Ả Rập Xê út, Andorra, Kazakhstan, Honduras, Uzbekistan, Namibia, Nicaragua, Mông Cổ, Thái Lan.

Việt Nam cũng có ý kiến với các văn kiện của HCCH thông qua: Trả lời các bảng câu hỏi về sơ thảo Công ước về tiếp cận công lý với khách du lịch quốc tế, dự thảo về nơi thường trú trong phạm vi Công ước nuôi con nuôi, Công ước Apostille…, góp ý các tài liệu của HCCH trực tiếp tại phiên họp và thông qua văn bản như góp ý về Sổ tay WIPO - HCCH dành cho thẩm phán về các vấn đề tư pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ… Khi nhận được các văn kiện của HCCH (thường qua địa chỉ thư điện tử chính thức [email protected]), Bộ Tư pháp sẽ xác định các bộ, ngành có liên quan và gửi văn bản lấy ý kiến, sau đó tổng hợp và gửi cho HCCH. Hiện nay, HCCH đang tiến hành một số dự án như: Dự án mới về thẩm quyền nhằm hoàn thiện quy định điều chỉnh các lĩnh vực thuộc phạm vi tư pháp quốc tế; Dự án tiếp cận công lý đối với khách du lịch được Bra-xin tài trợ kinh phí đang nghiên cứu việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trực tuyến (ODR) giữa khách du lịch và bên cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, HCCH vẫn tiếp tục theo đuổi Dự án quan hệ cha mẹ con/mang thai hộ để xây dựng một hoặc một số văn kiện trong lĩnh vực tư pháp quốc tế về vấn đề này. Bộ Tư pháp hiện đang theo dõi các dự án lập pháp của HCCH và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý văn bản khi được yêu cầu.

Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa HCCH với các nước trong khu vực thông qua: Sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN năm 2015; đề xuất các nước tham gia Công ước Apostille của HCCH; tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN về các công ước của HCCH; trao đổi kinh nghiệm giữa các nước gốc trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Hội nghị châu Á năm 2017 có sự tham gia của Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Kể từ sau khi tham gia HCCH, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự tham gia của Việt Nam còn ở mức độ hạn chế, thường mới chỉ dừng lại ở việc góp ý về những vấn đề chưa rõ trong các văn bản, báo cáo về các văn kiện, điều ước mới của HCCH mà chưa cử đại diện tham gia các nhóm chuyên gia, nhóm công tác soạn thảo; các hoạt động nghiên cứu chủ yếu vẫn do Bộ Tư pháp tiến hành, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của giới học thuật và những người làm thực tiễn. Thực tế này xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, số lượng chuyên gia về tư pháp quốc tế của Việt Nam không nhiều, đa phần là những người giảng dạy đại học và làm công tác nghiên cứu mà ít có những người hoạt động thực tiễn như thẩm phán, luật sư. Do đó, khi lấy ý kiến chuyên gia, hoặc lựa chọn chuyên gia để tham dự các nhóm công tác của HCCH, Bộ Tư pháp khó tìm được người có hiểu biết chuyên sâu, đáp ứng trình độ về chuyên môn và ngoại ngữ phù hợp và nếu lựa chọn được thì cũng không có kinh phí cho chuyên gia tham dự HCCH.

Thứ hai, tuy các hoạt động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế nói chung đã được đẩy mạnh hơn từ sau khi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi năm 2015 hướng đến việc xây dựng Luật riêng về tư pháp quốc tế nhưng số liệu thống kê từ thực tiễn về số lượng các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, những vướng mắc khó khăn trong thực tiễn còn “rất nghèo nàn” (không phải số liệu thống kê chính thức từ các cơ quan liên quan), chưa thể sử dụng làm căn cứ thực tiễn cho các đề xuất pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.

Thứ ba, có trường hợp sự phối hợp của các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ và nhận thức của một số bộ, ngành về vấn đề tư pháp quốc tế chưa cao. Điều này thể hiện ở việc khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức có liên quan về các văn kiện của HCCH, nhiều ý kiến Bộ Tư pháp nhận được trả lời khá chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin về vướng mắc trong thực tiễn, chưa có tính phản biện, thời hạn trả lời chưa bảo đảm.

Hơn nữa, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đại diện của Việt Nam chỉ có thể tham dự trực tiếp phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của HCCH. Đây cũng là năm kỷ niệm của nhiều công ước trong khuôn khổ HCCH nhưng đại diện của Việt Nam chỉ có thể tham gia một số hoạt động dưới hình thức trực tuyến (như Chương trình Cầu nối Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế kỷ niệm 50 năm Công ước thu thập chứng cứ).

2.4. Về đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất gia nhập và thực thi các công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Trước khi gia nhập HCCH, Việt Nam đã tham gia Công ước năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Do việc tham gia các công ước không bắt buộc phải là thành viên của HCCH nên từ năm 2008, Việt Nam đã quan tâm và bắt đầu nghiên cứu một số công ước thiết thực với Việt Nam như: Công ước Apostille về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công; Công ước tống đạt; Công ước thu thập chứng cứ, Công ước năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em (Công ước bắt cóc).

Ngày 16/3/2016, tại Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách, Việt Nam đã chính thức đệ trình Văn kiện xin gia nhập Công ước tống đạt[6]. Gần 04 năm sau, ngày 4/3/2020, cũng tại Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách, Việt Nam đã nộp Văn kiện gia nhập Công ước thu thập chứng cứ.

Như vậy, chưa đầy 10 năm kể từ ngày trở thành thành viên của HCCH, Việt Nam đã tham gia hai công ước quan trọng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự. Việc gia nhập hai công ước này có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong việc thiết lập kênh tương trợ tư pháp về tống đạt văn bản/thu thập chứng cứ ở nước ngoài đến các nước mà Việt Nam có rất nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Úc… Sau khi trở thành thành viên của các công ước, tỷ lệ các yêu cầu có phản hồi luôn đạt khoảng 80% với thời gian phổ biến từ 02 - 04 tháng[7].

Từ sau khi là thành viên của HCCH và gia nhập các công ước, Việt Nam ngày càng thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc thực hiện cam kết quốc tế. Đối với Công ước tống đạt, hàng năm Việt Nam đã tổ chức các hội thảo, tập huấn về thực thi Công ước, xây dựng sổ tay thực thi Công ước cho các đối tượng trực tiếp lập hồ sơ, tập hợp và cung cấp các thông tin mới của các quốc gia thành viên, nâng cấp phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự; ban hành các văn bản liên tịch để thống nhất áp dụng các kênh tống đạt theo quy định của Công ước[8]. Việc thực thi Công ước theo đó ngày càng “mượt mà” hơn. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, khi gia nhập các công ước, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức nhất định. Nhiều quy định của các công ước, sau khi nộp văn kiện gia nhập, Việt Nam cũng có nhiều “thấp thỏm”. Chẳng hạn, Công ước tống đạt có quy định rằng, Công ước chỉ có hiệu lực với Việt Nam nếu không có quốc gia nào là thành viên của Công ước phản đối[9]. Công ước thu thập chứng cứ thì quy định, Công ước chỉ có hiệu lực với quốc gia chấp nhận Việt Nam[10]. Cho nên, mặc dù Công ước thu thập chứng cứ có 65 thành viên nhưng cho đến nay, Việt Nam mới có quan hệ với 27 quốc gia chấp nhận Việt Nam[11]. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu là thành viên Công ước, Việt Nam còn gặp khó khăn về việc thu nộp kinh phí cho nước ngoài, sửa đổi ban hành biểu mẫu và thay đổi phần mềm. Trong khi đó, kinh phí cho công tác tương trợ tư pháp hàng năm không tăng, số cán bộ, công chức hạn chế nhưng lượng yêu cầu của các nước ngày càng nhiều. Việc cập nhật các biểu mẫu để thực thi Công ước thu thập chứng cứ vào phần mềm chung hiện tại vẫn chưa thực hiện được.

Như vậy, có thể thấy, các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH ngày càng tích cực, đạt được nhiều thành tựu, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động được thực hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do khó khăn cả về nguồn lực con người và tài chính. Do tính chất của tư pháp quốc tế là điều chỉnh gián tiếp các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên các chủ thể có liên quan chưa dành sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này. Để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực tư pháp quốc tế mà Bộ Tư pháp nói chung và Vụ Pháp luật quốc tế nói riêng xác định là trọng tâm hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình hội nhập của đất nước, Bộ Tư pháp rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác thực chất hơn nữa từ các bộ, ngành liên quan, giới học thuật và các nhà hoạt động thực tiễn. Trong đó có việc chia sẻ thông tin về các vụ việc, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và kiến nghị giải pháp liên quan đến tư pháp quốc tế; quan tâm, nghiên cứu, phản hồi kịp thời các văn bản của Bộ Tư pháp về lĩnh vực tư pháp quốc tế; đề xuất, giới thiệu chuyên gia, giới thiệu kết quả nghiên cứu của đơn vị trong lĩnh vực tư pháp quốc tế cho Bộ Tư pháp.

ThS. Bạch Quốc An

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

ThS. Dương Thị Bích Đào

Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

[1]. Tờ trình số 11/TTr-BTP ngày 19/4/2012 của Bộ Tư pháp về việc xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam.

[2]. Mục II.1 của Quyết định số 1440/QĐ-TTg.

[3]. ThS. Bạch Quốc An, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em: Kinh nghiệm quốc tế về gia nhập, thực thi và các đề xuất đối với Việt Nam”, nghiệm thu năm 2020; ThS. Phạm Hồ Hương, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại”, nghiệm thu năm 2021; Nguyễn Minh Khuê (Chủ nhiệm), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Công ước La Hay về quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em năm 1996: Nội dung và khả năng gia nhập”, nghiệm thu năm 2021.

[4]. Những hội thảo, tọa đàm đặt nền móng đầu tiên cho nhiệm vụ này là Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 2008 với nội dung quan trọng là tìm hiểu về HCCH và 02 công ước của HCCH về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille) và tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt); Tọa đàm về Công ước Apostille và Công ước tống đạt tháng 3/2012; Tọa đàm với Tổng thư ký HCCH tháng 11/2013 về thực thi quyền nghĩa vụ của cơ quan quốc gia trong quan hệ với HCCH và các nước thành viên... Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2016 và 2023 về các Công ước của HCCH. Cho đến nay, trung bình Việt Nam tổ chức từ 02 - 03 tọa đàm, hội thảo/năm.

[5]. Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số công ước của HCCH trong mối liên hệ với ASEAN” năm 2016; Diễn đàn pháp luật ASEAN “Kinh nghiệm quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong khuôn khổ HCCH” năm 2022 và Hội nghị châu Á trao đổi kinh nghiệm giữa các nước gốc trong lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2017 do Việt Nam chủ trì; Tuần lễ châu Á Thái Bình Dương hàng năm do Văn phòng  khu vực châu Á - Thái Bình Dương do HCCH tổ chức.

[6]. Convention of 15 November 1965 on the Service Abroad of Judicial and Extrajudicial Documents in Civil or Commercial Matters.

[7]. Số liệu lấy tại Phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự.

[8]. Thông tư liên tịch số 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG ngày 05/12/2019 của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao quy định về trình tự, thủ tục phối hợp giữa Tòa an nhân dân và cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài.

Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, trong đó đã nội luật hóa một số biểu mẫu, quy trình phù hợp với quy định của Công ước.

[9]. Điều 29 quy định Công ước có hiệu lực đối với nước gia nhập nếu sau 06 tháng kể từ ngày Bộ Ngoại giao Hà Lan thông báo việc gia nhập mà không có bất cứ sự phản đối nào từ phía các nước đã phê chuẩn Công ước.

[10]. Việc gia nhập sẽ chỉ có hiệu lực trong mối quan hệ giữa quốc gia gia nhập và quốc gia ký kết đã tuyên bố chấp nhận sự gia nhập của quốc gia gia nhập. Tuyên bố này được nộp lưu chiểu tại Bộ Ngoại giao Hà Lan; Bộ này sẽ chuyển tiếp một bản sao chứng nhận cho mỗi quốc gia ký kết thông qua con đường ngoại giao.

[11]. https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/acceptances/?mid=1436.