VNHNO - Nằm trong số những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, như lũ quét, sạt lở đất cho nên công tác cảnh báo, di dân khỏi vùng thiên tai được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do khó khăn nhiều mặt nên dù rất cố gắng tỉnh chưa thể di chuyển hết các gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt, trượt cao.
Người dân xã Hua Thanh, huyện Điện Biên di dời nhà cửa sau thiên tai.
Bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên có 17 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Được ngành chức năng cảnh báo từ những năm 2000 nhưng tới nay 17 hộ này vẫn chưa thể di dời đến nơi ở mới an toàn. Ông Quàng Văn Lảng, ở bản Co Pục cho biết: Mỗi khi có mưa, chúng tôi nơm nớp lo sợ. Trận mưa nào kéo dài hơn một giờ là cả gia đình tôi phải di chuyển ra nhà văn hóa bản. Nhà có người già, trẻ nhỏ cho nên mùa mưa vợ chồng tôi chẳng yên tâm đi làm ở đâu vì lúc nào cũng canh cánh lo… mưa.
Với anh Quàng Văn Thiêm, ở bản Na Hý, xã Hua Thanh thì cảnh tượng đất đá đổ sụp vào nhà luôn ám ảnh. Anh Thiêm kể: Rạng sáng 16-8, vách đồi phía sau đổ ụp xuống ầm ầm. Mọi người hoảng hốt mở cửa chạy nhưng không được, vì cửa bị chèn đầy đất đá. Tìm đủ vật dụng dỡ kèo, phá vách song phải mấy tiếng sau người trong nhà tôi mới thoát được ra ngoài. Bà con trong bản giúp gia đình tôi dựng lán ở tạm. Nếu trời còn mưa chắc không trụ được.
Cũng trong đêm nhà anh Thiêm bị đất đá làm sập vào, bản Na Hý còn có bốn gia đình và bản Tâu có ba gia đình chung cảnh ngộ. Ông Vì Văn Tân, Trưởng bản Na Hý cho biết: Năm nào tình trạng sạt lở đất cũng xảy ra, nhưng năm nay nghiêm trọng nhất. Những năm trước, một số hộ chỉ bị đất tràn vào nhà.
Phấp phỏng, lo lắng, cũng là cảm giác mà 17 gia đình ở bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) đã và đang trải qua. Cả bản có 62 gia đình đều chung nỗi lo đá lăn, đất đè, trong đó 17 gia đình ở dưới chân núi Pắc Xá Nọi có nguy cơ cao. Đã mấy năm rồi, năm nào núi Pắc Xá Nọi cũng bị lở khiến cuộc sống của dân bản đảo lộn. Mỗi mùa mưa, bà con chẳng thể yên tâm làm việc gì bởi hễ cứ mưa lại lo… đi sơ tán. Đêm 30 rạng sáng 31-8, 268 con người ở bản Pa Xa Xá phải sơ tán khẩn cấp về trụ sở UBND xã tránh nguy cơ núi lở đá lăn.
Trao đổi với chúng tôi về việc di chuyển dân trong đêm, Thiếu tá Đặng Văn Hạnh, Đồn phó Đồn Biên phòng Pa Thơm cho biết: Mấy ngày liền trong địa bàn, mưa rất to cho nên anh em trong Đồn không yên tâm để bà con ở lại. Sau khi báo cáo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và lãnh đạo huyện Điện Biên, chúng tôi huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hỗ trợ dân bản Pa Xa Xá di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn.
Di dời dân ra khỏi vùng thiên tai đang là “bài toán” khó đối với tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên do quỹ đất hẹp, kinh phí hạn chế cộng với tâm lý không muốn thay đổi chỗ ở, xa họ hàng của người dân. Tại huyện Ðiện Biên, giai đoạn 2015 - 2020 dự kiến di dời 238 hộ với 1.098 người ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét thế nhưng từ năm 2015 đến nay mới di dời được bốn hộ. Huyện Nậm Pồ có 55 hộ, 307 người cần phải di dời khẩn cấp. Huyện Điện Biên Đông còn khoảng 15 khu vực nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tập trung tại các xã: Keo Lôm, Na Son, Mường Luân, Phì Nhừ, Xa Dung. Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ các hộ dân thuộc 15 khu vực dân cư có nguy cơ sạt trượt không thể thực hiện trong một hoặc hai năm.
Ông Lò Văn Ðôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cho biết: Xã hiện có 29 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Bản Co Pục hiện còn 17 hộ phải di dời mà chưa thể thực hiện vì huyện chưa bố trí được vốn. Song ngay cả khi huyện thu xếp được vốn thì bà con cũng không có tiền đối ứng để di dời, bởi số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ di dời tránh thiên tai là quá ít với một gia đình di chuyển tái định cư. Với bản Co Pục thì khó nhất là hết quỹ đất không thể bố trí cho các hộ tái định cư tại chỗ. Xã đã có phương án bố trí cho các hộ này tái định cư tại các bản Tâu 5, Tâu 6, Tâu 7 nhưng các hộ không đồng ý với lý do là khác dân tộc, xa khu vực sản xuất.
Đồng chí Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Bà con đều muốn di chuyển đến nơi an toàn và gần nơi ở cũ để gần họ hàng thì xã lại không còn quỹ đất. Với cấp huyện thì khó khăn lớn nhất chính là nguồn kinh phí ít, lại thường được phân bổ chậm cho nên cũng không chủ động được.
Đánh giá về công tác di dân khỏi vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Do nguồn vốn hạn hẹp, nên nhiều dự án di dời dân cư trên địa bàn triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các huyện rà soát thực trạng, đánh giá nguy cơ thiên tai để cảnh báo, hỗ trợ người dân di dời. Nhưng do điều kiện tỉnh nghèo cho nên dù rất cố gắng vẫn chưa thể hoàn thành công tác di dời dân khỏi vùng nguy cơ. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh dùng nguồn ngân sách địa phương bố trí di dời được 217 hộ. Trong năm 2018, Điện Biên được phân bổ hai tỷ đồng để hỗ trợ di dời 100 gia đình ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai nhưng đến hết tháng 6-2018, mới di chuyển được 47 hộ. Hiện còn 60 hộ ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và huyện Điện Biên cần di dời nhưng chưa có kinh phí. So kết quả nêu trên với con số hơn 1.700 hộ phải bố trí di dời tập trung và xen ghép theo Quyết định 1776/QĐ-TTg thì phần việc cần tiếp tục còn rất lớn.
Di dời dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người. Do đó, Điện Biên cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và hợp tác với chính quyền trong thực hiện tái định cư.