VNHN - Việc đa dạng loại hình học tập, tạo nhiều lựa chọn cho học sinh sau khi học hết lớp 9 cũng được triển khai. Tuy nhiên việc nắm rõ quyền lợi học tập để không bỏ lỡ cơ hội học tập là điều mà học sinh cần lưu ý.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, trong tổng số hơn 107.000 học sinh dự kiến xét tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập chiếm 62% (khoảng 66.500 học sinh). Với khoảng 40.700 học sinh còn lại, thành phố dự kiến phân luồng vào học tại nhiều loại hình học tập. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, các loại hình học tập trên địa bàn thành phố hiện nay rất đa dạng, bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh.
Ngoài hệ thống các trường trung học phổ thông công lập, học sinh có thể theo học tại các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường trung học phổ thông ngoài công lập hoặc tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường trung học phổ thông ngoài công lập được chủ động quyết định lựa chọn một trong hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là sử dụng kết quả kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập hoặc xét học bạ cấp trung học cơ sở; hoặc có thể sử dụng đồng thời cả hai phương thức.
Năm học trước, toàn thành phố có hơn 80% số trường ngoài công lập xét học bạ để tuyển sinh. Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) là một trong hơn 100 trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội vừa công bố sẽ xét học bạ cấp trung học cơ sở để tuyển học sinh vào lớp 10. Học sinh cũng có thể sử dụng tổng điểm 3 môn thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập để dự tuyển vào trường. Học sinh ở khu vực ngoại thành cũng có nhiều lựa chọn.
Việc đa dạng loại hình, tạo nhiều lựa chọn cho học sinh sau khi học hết lớp 9 được triển khai sẽ góp phần giúp học sinh không bỏ lỡ cơ hội học tập. Ảnh: Internet
Theo ông Hoàng Hữu Niềm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông Kinh Đô và Trường Trung học phổ thông Ngô Tất Tố (huyện Đông Anh), trường tuyển học sinh toàn thành phố, kể cả học sinh không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh cũng có thể lựa chọn học lớp 10 tại 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, ưu thế của học sinh trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là được học văn hóa song song với học nghề, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng và có thể đi làm ngay.
Đây là một lựa chọn tốt đối với những học sinh mong muốn sớm có việc làm và hoàn thiện trình độ học vấn. Bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá và các yêu cầu về chất lượng đội ngũ giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được thực hiện tương tự như tại các trường trung học phổ thông. Học sinh dù theo học hệ nào cũng được cấp cùng một loại bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, có nội dung và giá trị như nhau.
Tùy theo năng lực và điều kiện cụ thể của gia đình và cá nhân, học sinh có thể tham khảo, lựa chọn con đường học tập phù hợp, sau khi học xong lớp 9. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2020-2021 tại Hà Nội diễn ra vào ngày 17 và 18-7-2020. Nếu học sinh không đủ điều kiện dự tuyển hoặc có lựa chọn học lớp 10 tại các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thì nộp hồ sơ dự tuyển tại trường từ ngày 1-7 đến 31-7-2020.
Tại Quyết định số 1612/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 17-4-2020 về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021, quy định rõ: Tỷ lệ học sinh tuyển vào các trường ngoài công lập chiếm 20%, vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chiếm 7,5%, vào các trường nghề chiếm 7,9%.
Đón nhận thông tin trên, bà Trần Thị Tuyết Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) nói: "Con tôi đang học lớp 9, vợ chồng tôi đang làm việc ở khu công nghiệp. Tôi từng rất lo lắng vì gia đình lại chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, nên không biết con tôi có đủ điều kiện học tại các trường trung học phổ thông ở Hà Nội hay không. Gia đình tôi đã dự tính năm học tới sẽ chuyển con về quê học trung học phổ thông.
Nhưng giờ gia đình có thể yên tâm vì con tôi vẫn có thể học tập ở Hà Nội, tiện cho chúng tôi chăm sóc, quản lý". Thời điểm này, khi học sinh đã quay trở lại trường học sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tập trung học tập, các em cần lưu ý đến các quy định liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, nắm rõ quyền lợi để cân nhắc, lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.