07/01/2025 lúc 10:28 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều dự án điện gió sắp hoàn thành vẫn nguy cơ… chết yểu

Nhiều nhà đầu tư điện gió trên bờ đang trong tình cảnh dở khóc dở mếu, chịu thiệt hại nghiêm trọng khi đã cơ bản hoàn thành nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng ưu đãi.

Nhiều nhà đầu tư điện gió trên bờ đang trong tình cảnh dở khóc dở mếu, chịu thiệt hại nghiêm trọng khi đã cơ bản hoàn thành nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng ưu đãi.

Nhiều dự án điện gió sắp hoàn thành vẫn nguy cơ… chết yểu - Ảnh 1.

Nhiều dự án điện gió triển khai thi công bị đình trệ vì ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: N.HÀ

Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, Công ty cổ phần điện gió Hanbaram cho hay đến ngày 31-10 đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 29/29 trụ tuabin, hoàn thành toàn bộ đường dây, trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia, đang thử nghiệm kỹ thuật toàn bộ và vận hành thương mại (COD) các trụ tuabin.

Đình trệ hoàn toàn do COVID-19, tổn thất nặng nề

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn để triển khai dự án. Lý do "bất khả kháng" này đã khiến chỉ có 6/29 trụ điện gió kịp vận hành COD để hưởng giá FIT ưu đãi, trong khi 23 trụ còn lại dù đã hoàn thiện nhưng chưa được COD do khi gần hoàn thiện thì hết cơ chế ưu đãi.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phong điện Gia Lai thì cho biết đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 25/25 trụ tuabin cùng nhiều hạng mục, nên đang thử nghiệm kỹ thuật để đi vào vận hành, nhưng do tác động của đại dịch COVID-19 nên chỉ 1/25 trụ điện gió kịp vận hành thương mại

Tổng giám đốc Công ty Hanbaram Đặng Mạnh Cường cho hay chậm tiến độ là do mua sắm, vận chuyển thiết bị điện gió về TP.HCM đúng thời điểm phong tỏa, nên thủ tục đình trệ. Huy động nhân lực gặp khó khăn do phải thực hiện cách ly kéo dài, đặc biệt với chuyên gia nước ngoài.

"Đầu tư vào dự án cả nghìn tỉ đồng, giờ tiền nằm chết ở đó" - ông Hoàng Giang, tổng giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre, chia sẻ đã rót vốn vào dự án lên tới 56 triệu USD (tương đương 1.270 tỉ đồng), nhưng dù chạy đua tiến độ vẫn chỉ hoàn thành được 75% khối lượng.

Chia sẻ khó khăn, ông Giang cho biết những tháng giãn cách, không chỉ công trường bị gián đoạn, chuyên gia, công nhân ra vào nhà máy khó khăn, mà việc mua bán và vận chuyển vật tư... cũng tắc, giải phóng mặt bằng... đình trệ, kéo dài.

Do đó, nhà đầu tư này cho rằng nếu Chính phủ, Bộ Công thương không gia hạn thêm thời gian vận hành thương mại, không "cấp cứu kịp thời" thì nguy cơ thua lỗ, phá sản rất gần. Đặc biệt là khi cơ chế, cách thức đấu thầu vẫn chưa được công bố dù quyết định 39 về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió đã hết hiệu lực từ hơn 2 tháng nay.

Giảm giá 12%, doanh nghiệp cầm chắc lỗ, đe dọa tài chính?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Công thương và các bên liên quan đã họp và dự kiến sẽ đưa ra giá mua điện từ các nhà máy điện gió từ sau ngày 31-10-2021 giảm khoảng 12% so với giá FIT theo quyết định 39. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho rằng với giá giảm này thì gần 40 dự án triển khai trong các năm vừa qua bị mất trắng lợi nhuận, cầm chắc phần lỗ.

Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho rằng nếu không gia hạn giá FIT theo quyết định 39, khoảng 50% dự án điện đã đăng ký không thể hòa lưới, sẽ kéo theo hệ lụy làm ảnh hưởng tình hình tài chính, nguy cơ phá sản, không có tiền trả ngân hàng, từ đó dẫn tới các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Đồng tình, ông Giang cũng cho rằng nếu không có cơ chế rõ ràng, nguồn điện không có đầu ra, doanh nghiệp không thể có doanh thu để trả nợ. Thậm chí, ngay cả khi thực hiện cơ chế mua điện từ các nhà máy điện gió từ sau ngày 31-10-2021 theo phương án dự kiến là giảm 12% giá như trên thì doanh nghiệp cũng mất trắng lợi nhuận, cầm chắc phần lỗ.

Hàng tỉ USD đầu tư nguy cơ... chôn vốn

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, chỉ có 84 dự án với tổng công suất hơn 3.980 MW kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1-11. Như vậy có khoảng 4.185MW của các dự án đã không kịp vận hành COD.

Theo tính toán của các nhà đầu tư trên cơ sở suất đầu tư trung bình tại các dự án hiện nay là 45 tỉ đồng/MW, tổng mức đầu tư cho các dự án chưa được COD lên tới khoảng 202.794 tỉ đồng (8,8 tỉ USD), tương đương 3,2% GDP Việt Nam năm 2020, sẽ là áp lực không nhỏ về tài chính cho cả nhà đầu tư và ngân hàng.

Cũng bởi, với lãi suất vay thương mại trung bình là 10%, các nhà đầu tư trả lãi lên tới hàng nghìn tỉ đồng nhưng không có doanh thu hoặc chỉ một phần, thì nguy cơ rủi ro nợ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng dòng tiền lưu thông của nền kinh tế.