Trong tuần này, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đốt lửa lần đầu, một cột mốc tiến độ quan trọng để về đích trong năm 2022.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Trên công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, hàng trăm cán bộ kỹ sư và công nhân lao động 3 ca, chạy đua với thời gian để thực hiện các mốc đưa nhà máy vào hoạt động. Hai cột mốc trước mắt hết sức quan trọng là đốt dầu cho tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022 và phấn đấu hoà lưới điện vào ngày 30/4/2022. Đây là hai mốc sẽ tạo đà cho các mốc tiếp theo: Vận hành thương mại tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022 và tổ máy 2 vào ngày 31/12/2022.
Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1 có ý nghĩa rất lớn đối với ngành dầu khí nói chung và dự án nói riêng, khẳng định sự "hồi sinh" của 1 dự án tưởng chừng như đã "đóng băng" trong một thời gian dài, cũng như minh chứng cho chất lượng và tính đồng bộ của thiết bị/hệ thống nhà máy, tạo tiền đề cho sự thành công của các mốc tiếp theo trong năm nay.
Đại diện PVN cho biết, đến nay, tiến độ dự án đã đạt 88,75%, trong đó công tác thiết kế đạt gần 100%; mua sắm đạt gần 96%; thi công xây lắp đạt gần 88%; chạy thử đạt gần 26%.
Nhân lực duy trì trên công trường trong những ngày bình thường khoảng trên 500 người. Đặc biệt là, nhà thầu chạy thử vẫn huy động nhân công trong dịp Tết Nguyên đán và đã tiếp tục tăng cường sau nghỉ lễ để đảm bảo tiến độ. Trên công trường hiện tại có 24 đơn vị tham gia thi công và chạy thử gồm: 20 nhà thầu thi công trong nước; 4 nhà thầu nước ngoài: Qingdao, SDC, ABB, BWBC và các đơn vị của PVN hỗ trợ bảo dưỡng thiết bị: PVPower, PVPS, BSR, PVCFC, PVFCCo.
Tiếp tục nỗ lực hơn nữa
Với tổng công suất 1.200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD. Đây là dự án nguồn điện lớn thuộc Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh và sắp tới là Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có những sai phạm đã được các cơ quan chức năng kết luận, xử lý theo quy định. Từ chỗ "án binh bất động", thời gian qua, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đã lấy lại tiến độ.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. "Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung", ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong thời gian tới, Ủy ban tiếp tục đôn đốc PVN bám sát các mốc tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo dự án được triển khai hoàn thành đáp ứng cả về tiến độ và chất lượng.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có hàng loạt cuộc thị sát, trực tiếp kiểm tra, làm việc, giao ban tại công trường dự án, trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, PVN, chủ đầu tư dự án, thường xuyên kiểm tra việc thi công nhà máy. PVN bố trí đầy đủ nguồn lực cho dự án.
Đại diện PVN cho rằng, việc hoàn thành mốc đốt dầu, cũng như các mốc tiến độ sắp tới thể hiện quan tâm chỉ đạo, rõ ràng, cụ thể cùng với việc giám sát, động viên và chia sẻ trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là giai đoạn tháng 7/2021 đến nay, đã tạo động lực, quyết tâm cho tập thể lãnh đạo PVN, Ban Quản lý dự án cũng như Tổng thầu PetroCons và các nhà thầu phụ cố gắng, nỗ lực, ngày đêm lao động hăng say tại dự án, với một quyết tâm tất cả đặt mục tiêu hoàn thành dự án lên trên hết, phát điện thương mại vào cuối năm nay.
Thời gian tới, PVN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bảo đảm các mốc tiến độ thông qua việc chỉ đạo Tổng thầu PetroCons, Ban Quản lý dự án và Tư vấn PMC rà soát, cập nhật lại tiến độ các hạng mục, xây dựng tiến độ chi tiết tới cấp 4, cấp 5 và các giải pháp bù tiến độ (kế hoạch nhân lực, vật tư thiết bị, máy móc, chi phí,…) làm cơ sở đôn đốc, quản lý điều hành, giám sát thực hiện. Định kỳ và hàng tuần tổ chức giao ban, giải quyết tháo gỡ kịp thời các khó khăn.