15/01/2025 lúc 11:44 (GMT+7)
Breaking News

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Nghe hồn lửa thở dài trên củi ướt…

Năm 2010, một chùm thơ, trong đó có bài thơ Sống chậm trong thành phố của mình của Đoàn Mạnh Phương đã đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ về Hà Nội nhân Hà Nội - Thăng Long 1000 năm do báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội đồng tổ chức.

Năm 2010, một chùm thơ, trong đó có bài thơ Sống chậm trong thành phố của mình của Đoàn Mạnh Phương đã đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ về Hà Nội nhân Hà Nội - Thăng Long 1000 năm do báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội đồng tổ chức.

Một thập kỷ đã trôi qua, giờ đọc lại, Sống chậm trong thành phố của mình vẫn thấy nó không chịu cũ theo thời gian và vẫn được coi là một tứ thơ mới mẻ, độc đáo. Dường như nhà thơ muốn lấy “cái chậm” khắc chế “cái nhanh”, lấy “cái bất biến” khắc chế “cái vạn biến” từ trong sự “nhận thấy” và “cảm thấy” của chính mình. Xuất phát từ “thèm khát một lắng sâu”, tác giả muốn “cọ má vào hơi thở của Hà Nội từng ngày” để “thật chậm rãi/ để nghe được tiếng bước chân của ngàn năm trên từng centimet phố/ để nghe được lời của nước mắt được chắt ra từ sự mất ngủ của trí nhớ” với khát vọng “mỗi ngày một lát cắt sống chậm/ để có thể cầm tay được lâu hơn với thành phố của mình”. Và trong khi “thành phố ngợp thở/ giữa những tín hiệu và ký hiệu/ ngày ngày uống mặt trời để quang hợp ngàn năm”, tác giả như muốn lắng mình xuống, chùng lòng mình xuống, gửi gắm tâm sự với Hà Nội mới và Hà Nội xưa: “Thật chậm rãi/ để có thể trò chuyện được nhiều hơn với thành phố của mình/ Giữa hiện hữu và biến mất/ Thầm ước ao có những cánh chim/ Một ngày cộng thêm vào ban mai một tiếng hót…”. Tâm thế ấy là tâm thế của một người sống với Hà Nội hết lòng và yêu Hà Nội cũng hết lòng trong từng lát cắt. Rồi cái người tự nhận “còn một tôi ngắm cơn mưa tưởng tượng, gọi hồn những cơn mưa dưới những tán lá xanh” mới có thể được nhận về: Một ký ức Hà Nội/ đổ mưa trong ngực mình.

Đọc mấy dòng thơ này trong bài thơ lẻ Những cơn mưa ký ức, tôi mới tạm cắt nghĩa được rằng tại sao Đoàn Mạnh Phương lại đặt tên tập thơ thứ ba của mình như thế! Hay đó cũng là nguyên cớ để đặt tên cho một tập thơ. Đó chắc chắn là một ký ức sống động và tươi mới đến từng chi tiết và luôn “Nhắc ta một ký ức/ chảy trong tĩnh mạch mình”.

Ký ức ấy là Chạm, là Về, là Sau tất cả, là Giới hạn, là Giữa, là Đánh thức, là Ăn sáng vỉa hè... và nhiều nữa. Ký ức ấy là sự tiếp xúc toàn phần, toàn diện của các giác quan: “Giẫy đạp khỏi mọi lo toan mà lo toan luôn mới/ Thẩm thấu giữa thấy, nghe, nếm, ngửi/ Cuộc sống...” từ trong “Thẳm sâu thiện niệm”, “thẳm sâu tâm thức” để tỉnh thức. Ký ức ấy là một thể thống nhất giữa tĩnh và động, giữa chuyển động, chuyển tiếp và kết nối mà xuyên suốt là để “cặp kè với một trạng thái mới”, là để “về ngôi chùa cổ/ đựng đầy tiếng chuông”. “Cặp kè với một trạng thái mới”, có thể hiểu là thích nghi, thích ứng. “Về ngôi chùa cổ/ đựng đầy tiếng chuông”, có thể hiểu là sự trở về trong thẳm sâu nguồn cội.

Trong vệt thơ này, Ăn sáng vỉa hè là một tứ thơ khó viết. Với nhiều người, tứ thơ này là một thách đố, không dễ vượt qua. Tứ thơ cũng minh chứng: Đề tài nhiều khi chỉ là cái cớ và cũng có khi chỉ góp phần tạo ra một chỗ bám để người viết treo ý tưởng lên đó. Và rồi cũng từ đó, theo cách nói của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà người làm thơ viết được những câu thơ như những cái đinh đóng vào trí nhớ của độc giả.

Với Đoàn Mạnh Phương, vỉa hè đã cho tác giả “một bữa sáng” nhưng lại ở “trong quán vô tận thông tin” và “khuấy vào tôi/ một ly cà phê đắng” nhưng lại “ngợp trong dòng tin tức mánh mung”. Chỉ bằng mấy câu thơ thay cho lời mở này, Đoàn Mạnh Phương đã cung cấp cho chúng ta một bữa ăn sáng không bình thường. Cũng chỉ bằng mấy câu thơ này thôi, Đoàn Mạnh Phương đã làm cho Ăn sáng vỉa hè trở nên khác thường, đầy ngẫm ngợi. Khổ kết Ăn sáng vỉa hè chính là sức nặng của tứ thơ: Và cứ thế/ quán vỉa hè mỗi sang/ cứ cộng dồn tích nợ một tôi xưa/ để một tôi bây giờ lặp lại/ thành nhiều tôi trong ngách phố chuyển mùa...

Tôi hiểu “nhiều tôi” của Đoàn Mạnh Phương có nhiều ẩn ý. Ấy là tôi “nghe hồn lửa/ thở dài trên củi ướt” (Trong giá lạnh). Ấy là tôi “tự nhậu mình một dấu chấm lang thang” (Chấm). Ấy là tôi trải nghiệm đến tận cùng trong sự đa chiều, đối lập: “Đêm bảo lưu những dấu vết của ngày/ Ngày đã từng ngậm đầy bóng tối” (Đen trắng)...

Đôi khi dấu hỏi hoặc câu hỏi của Đoàn Mạnh Phương cũng không đơn giản hoặc thuần túy là một dấu hỏi hay một câu hỏi nữa. Dường như cái tâm thế lật xoay giữa im lặng đã làm Dấu hỏi bật ra một cách tiếp cận lạ: “Bàn chân làm nên những con đường/ Hay con đường làm nên bàn chân?”, “Ánh sáng gọi tên những con đường/ Hay con đường đã gọi tên ánh sáng?”... Đây cũng là một cách đặt vấn đề rất mới trong thơ.

Với Một ngày, ít nhất Đoàn Mạnh Phương cũng để lại hai điểm nhấn: “Mỗi hữu hình/ đặt cạnh một vô hình/ Khước từ lạnh lùng, thản nhiên vứt bỏ/ Hiện tại thở bằng rất nhiều mảnh vỡ”; “Bao con đường bao rêu phong hồn vía/ Nếp nhăn nào khắc họa được nghìn năm”. Trong Soi, ít nhất Đoàn Mạnh Phương cũng để lại một điểm nhấn: “Trong thế trận tâm hồn/ Có một con hổ ký ức/ vừa no say nỗi buồn, vừa đói khát niềm tin”. Với Về quê, ít nhất Đoàn Mạnh Phương cũng để lại một điểm nhấn: “Giữa cái còn cái mất/ hồn rạ rơm lơ lửng đợi trăng vàng”...

Năm 1996, Đoàn Mạnh Phương cho xuất bản tập thơ thứ nhất với tiêu đề Mắt đêm. Năm 1999, xuất bản tập thơ thứ hai với tiêu đề Câu thơ mặt người. Năm 2007, tập thơ thứ ba với tiêu đề Ngày rất dài. Và đến năm 2021, tập thơ với tiêu đề Mưa ký ức mới được xuất bản. Như vậy, nếu tính từ khi xuất bản Ngày rất dài đến khi xuất bản Mưa ký ức mất cả thảy 14 năm. Nêu thế để thấy Đoàn Mạnh Phương rất cẩn trọng với thơ. Nêu thế để thấy “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” luôn được đánh giá và coi trọng ở mọi nơi, mọi lúc là vậy!

Theo tôi, anh là người bước đi từng bước chậm rãi, chắc chắn, nhưng là từng bước đi có nhận biết giữa buông bỏ, giữa nóng lạnh của thời cuộc.

Đặng Huy Giang