27/04/2024 lúc 09:26 (GMT+7)
Breaking News

NGƯT. Nguyễn Phú Cường: Thầm lặng đưa những chuyến đò tri thức

NGƯT. Nguyễn Phú Cường - nguyên Chủ tịch HĐQT (sau đó là Chủ tịch Hội đồng trường) của Trường THCS &THPT M.V.Lômônôxốp và Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình là một nhà giáo, nhà quản lý mẫu mực, đáng kính bởi sự tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu sắt son với nghề giáo. Chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển của Trường THCS &THPT M.V.Lômônôxốp và Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình ghi nhận những dấu ấn đóng góp sâu đậm của ông trong những thành quả nổi bật mà nhà trường đạt được.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường 

NGƯT Nguyễn Phú Cường sinh ra trong một gia đình trí thức, với truyền thống yêu nước, hiếu học được truyền lại qua nhiều thế hệ. Tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ và theo học trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ra trường, được phân công về những vùng xa xôi, vừa dạy học, vừa tham gia làm giúp nông dân những vụ gặt mùa hay chống lũ, tổ chức cho học sinh học và tự học trong những lán trại, trong hầm trú ẩn thời chống Mỹ. Đến năm 1980, sau 15 năm công tác tại nông thôn, với thành tích xuất sắc trong việc giảng dạy, ông được tuyển về làm việc tại trường chuyên của ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm tháng khó khăn, đời sống anh chị em cán bộ giáo viên gặp nhiều khó khăn; Đứng trước tình cảnh đó, ông đã có nhiều sáng kiến, mang những hiểu biết, kinh nghiệm vận động mọi người tăng gia sản xuất, có thu nhập thêm cải thiện cuộc sống. Ông được các thành viên trong trường tín nhiệm, trờ thành Hiệu trưởng của trường này trong 2 nhiệm kì từ 1990. Thời kỳ đổi mới của trường (1988-1993), Nhà giáo Nguyễn Phú Cường lại chủ động thực hiện những công việc quan trọng, mang lại sự thay đổi tích cực cho các thầy cô giáo, nhân viên trường THPT Chuyên ngoại ngữ (PTCNN) thuộc ĐHSP Ngoại ngữ HN (nay là ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội). Ông đã đứng ra xin TP Hà Nội cấp đất làm nhà cho CB - GV - NV ĐHSPNNHN tại xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Hiện nay, nơi đây đã trở thành khu nhà ở đẹp đẽ cho CB - GV - NV của PTCNN và các khoa trường ĐHNN - ĐHQGHN. Khi đó, Bộ GDĐT có chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nên năm 1988, thông qua Đảng ủy trường ĐH SPNN, ông đã xin Bộ cho phép ĐHSPNNHN mở các lớp hệ B (có đóng học phí) và năm 1989, ông đã xin phép Sở GD&ĐT cho mở các lớp cấp 2 dân lập tuyển sinh từ lớp 6 để tạo nguồn cho các lớp cấp 3 của trường PTCNN. Những lớp này sau đó đã phát triển thành trường PT bán công cấp 2 -3 chuyên NN HN (nay là THCS và THPT M.V.Lômônôxốp). Đến năm 1992, trong chuyến khảo sát các trường chuyên tại TP.HCM, nhận thấy dự án “Tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp” của Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm tại đây, NGƯT Nguyễn Phú Cường đã cùng với Hiệu trưởng trường ĐHSPNNHN xin phép Bộ cho triển khai dự án này tại ĐHSPNNHN. Và từ năm 1993, các lớp thuộc dự án này chính thức được thành lập, tuyển sinh từ lớp 1 và lớp 6. Các lớp 1 phát triển đông dần tới năm 1997 trở thành trường THDL Đoàn Thị Điểm…

Nhắc đến NGƯT Nguyễn Phú Cường, là nhắc đến những đóng góp, sáng kiến đã làm thay đổi tích cực bộ mặt giáo dục phổ thông của ngành giáo dục nước nhà. Với trường THCS và THPT Lômônôxốp, nhà trường đã triển khai mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo các Quyết định của UBND TP. Hà Nội với nhiều đổi mới trong các chương trình, phương pháp giảng dạy từ năm học 2005 - 2006. Mỗi giai đoạn đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT (2002 và 2020), nhà trường đều đi đầu và tham gia tích cực với với việc tổ chức nhóm giáo viên dạy mẫu thu hình và dạy trên VTV2, viết sách tham khảo để hướng dẫn học sinh ôn tập... Nhà trường đã triển khai hình thức lớp học ít học sinh (hai loại 20 HS/lớp và 30 HS/lớp trong khi quy định chung là 45 HS/ lớp chưa kể một số trường còn có hiện tượng 60 - 70 HS/ lớp). Bên cạnh đó, ông cũng đã xin phép Sở GD & ĐT đưa người nước ngoài vào dạy bổ trợ tiếng Anh trên cơ sở SGK của Bộ GD&ĐT; Từ đó hình thành các kĩ năng nghe- nói-đọc-viết-làm dự ánkhi học; thêm hình thức kết nghĩa với trường ở Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… đưa học sinh và giáo viên học tập ngắn ngày tại các nước đó. NGƯT Nguyễn Phú Cường luôn tâm huyết, trăn trở với những suy nghĩ đổi mới, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của ngành giáo dục nước nhà, đi đầu trong giáo dục Thủ đô khai phá - thực hiện, ví dụ như: mô hình bán trú tổ chức cho HS ăn - nghỉ trưa tại trường năm 1992, mô hình ô tô đưa đón HS từ năm 2004, các dự án tăng cường tiếng Pháp từ năm 1993, dự án tiếng Đức từ năm 2008…Những dự án này của Bộ, ông đều chủ động tham gia từ đầu với tư cách là người hưởng ứng và kết nối giữa các cơ quan cấp Bộ, ban ngành và các đối tác. NGƯT Nguyễn Phú Cường còn tích cực tư vấn cho các trường ở Nhật như Đại học Kochi (đưa GV và HS giao lưu), Hệ thống giáo dục Seitoku (tổ chức hội thảo ở VN và tham quan tại Tokyo)…ông được tặng danh hiệu “Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu” 2010 và “Nhà khoa học sáng tạo và cống hiến” trong Diễn đàn hội nhập kinh tế ASIA 2020.

Nhà giáo Nguyễn Phú Cường trao tặng kỷ vật của Nhà trường cho các em học sinh tiêu biểu nhân dịp Lễ ra mắt Quỹ Học bổng Tài năng Lômônôxốp

Để rồi ngày nay, trong các năm học 2016-2021 và 2022-2027, trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp đã liên tục được Sở GD&ĐT Hà Nội chứng nhận kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất, có giá trị 5 năm) và được UBND TP Hà Nội công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2 từ năm 2022 (mức độ cao nhất). Có thể nói, tên tuổi và uy tín của trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp được biết đến là một thương hiệu lớn của ngành Giáo dục Thủ đô. Chia sẻ về thành quả đáng tự hào trên, Nhà giáo Nguyễn Phú Cường cho biết, sau 30 năm phát triển trong hành trình hạnh phúc, nhà trường đã rút ra nhiều bài học về quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đón đầu và đương đầu với thử thách mới; Về đoàn kết và cùng nhau xây dựng ngôi trường hạnh phúc, ở đó người làm giáo dục và người hưởng giáo dục được tôn trọng, trong hệ thống chính sách luôn khích lệ và phù hợp, trong môi trường an toàn, lành mạnh với mối quan hệ cộng đồng tích cực hợp tác, truyền cảm hứng cho mọi thành viên.

Luôn tâm huyết với ngành giáo dục Thủ đô, NGƯT Nguyễn Phú Cường đã để lại rất nhiều thành quả thiết thực cho các thế hệ về sau. Ông chính là người đã tham gia sáng lập các trường PT Bán công cấp 2-3 chuyên NNHN, THDL Đoàn Thị Điểm, THDL Phù Đổng, đưa ra những giải pháp, sáng kiến tối ưu nhằm áp dụng mô hình quốc tế vào sự hoạt động của chuỗi hệ thống trường học TH School bao gồm: trường Mầm non TH School, trường Tiểu họcTH School, THCS và THPT TH School ở phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) và ở Hòa Lạc (huyện Thạch Thất)… Nhà giáo Nguyễn Phú Cường chính là người đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc của các trường này; giúp mở trường THPT Trưng Vương(Gia Lâm), trường Phổ thông quốc tế Việt Nam (Hà Đông) và một số trường khác. Ông tham gia viết sách, giảng dạy trong chương trình ôn tập kiến thức và giải đáp thắc mắc về môn toán trên VTV2. Ngoài những đóng góp về xây dựng các mô hình trường dân lập, tư thục, ông luôn tích cực tham gia nhiều mặt hoạt động của ngành và đã vinh dự được UBND TP trao tặng danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường dài đã qua cho ngành giáo dục nước nhà, NGƯT. Nguyễn Phú Cường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất (1985), Nhà giáo ưu tú (1994), Huân chương Lao động hạng Ba (2002), Các Huy chương và Kỉ niệm chương: Vì sự nghiệp Giáo dục (1995), Vì sự nghiệp Công đoàn (2001), Vì sự nghiệp Xây dựng Thủ đô Hà Nội (2006), Vì sự nghiệp xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (2006), Vì sự nghiệp Truyền hình Việt Nam (2012). Tổng liên đoàn Lao động Việt nam tặng danh hiệu Nhà quản lí giỏi (2006).Trung tâm Văn hoá doanh nhân Việt Nam tặng Cúp vàng Doanh nhân văn hoá (2008). Ban Đối ngoại Trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu” (2010). Nhiều bằng khen của Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội. 

Tiến Đức