18/01/2025 lúc 03:28 (GMT+7)
Breaking News

Người giữ hồn Bả trạo

VNHN - Từ xưa đến nay, người dân xã Tam Hòa, nói riêng, ngư dân các xã ven biển nói chung đã chắt chiu giữ từng câu hò Bả trạo – nét văn hóa đặc sắc này ngư dân vùng ven biển Miền trung dùng trong nghi lễ của Lễ hội cầu ngư, Lễ hội Nghinh Ông; cầu cho mưa thuận gió hòa, cho trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền…Ngày nay hát Bả trạo không chỉ sử dụng trong các nghi lễ mà còn tham gia vào rất nhiều hoạt động lễ hội của ngư dân miền biển thông qua các trò chơi diễn xướng như hội đua thuyền và các h

VNHN- Từ xưa đến nay, người dân xã Tam Hòa, nói riêng, ngư dân các xã ven biển nói chung đã chắt chiu giữ từng câu hò Bả trạo – nét văn hóa đặc sắc này ngư dân vùng ven biển Miền trung dùng trong nghi lễ của Lễ hội cầu ngư, Lễ hội Nghinh Ông; cầu cho mưa thuận gió hòa, cho trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền…Ngày nay hát Bả trạo không chỉ sử dụng trong các nghi lễ mà còn tham gia vào rất nhiều hoạt động lễ hội của ngư dân miền biển thông qua các trò chơi diễn xướng như hội đua thuyền và các hoạt động văn hóa dân gian khác. Đây là một trong chín loại hình văn hóa phi vật thể của Quảng Nam đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Làng quê Tam Hòa

Về xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thỉnh thoảng chúng ta được nghe câu ca “Ai về đất mẹ Tam Hòa. Say điệu bả trạo, bài chòi Đông Tân”. Từ Bả trạo, Bài chòi đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Đông Tân, hay còn gọi “xóm câu” là một làng quê miền sông nước bên dòng Trường Giang của xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ở làng quê này cứ chiều chiều đâu đó bên những bóng dừa ven sông, điệu hò khoan, hò Bả trạo lại vang lên rộn rã đầy ắp những tiếng cười vui, thanh bình.

Người Đông Tân nói rằng điệu hò Bả trạo không biết tự bao giờ đã thấm sâu vào máu như nhịp chèo, tiếng gõ lưới trên dòng Trường Giang. Lớp người xưa ở làng quê này còn nhớ, hơn 70 năm trước, có một đội chèo Bả trạo do ông Rằng làm tổng mũi từ xứ Xuân Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) về hát chèo đưa linh trong dịp cúng lăng Ông đã làm mê lòng nhiều chàng trai làng Đông Tân bởi làn điệu cũng như động tác mô phỏng chiếc thuyền vượt trùng khơi đưa hồn linh Ông về với biển. Trong lớp thanh niên trai trẻ ấy có bác Lê Văn Minh, giờ đã qua tuổi “thất thập” nhưng vẫn còn nhớ như in, như là duyên mệnh gắn cuộc đời của bác với điệu hò Bả trạo, bác kể “Ngày ấy tôi mê lắm, mê đến nỗi rủ năm ba đứa trẻ trong làng chặt bẹ dừa làm chèo và ngêu ngao chèo hát đại rứa chớ có biết chi mô, đến khi tôi lớn trúng tuổi vào quân dịch của lính cộng hòa (của chính quyền Sài Gòn) nên tôi phải trốn lính vào tận tỉnh Ninh Thuận”.

Tổng mũi Lê Văn Minh

Tại nơi đất khách quê người, ông lại gặp những người bạn hát Bả trạo vùng Ninh Thuận dạy ông biết cách cầm chèo và những điệu hò Bả trạo. 20 năm sau, ông trở về quê cũ, lúc này quê hương vẫn đang chìm trong cuộc chiến, đời sống người dân vất vả trăm bề. Song với tình yêu quê hương và nỗi khát khao có được một đội hát bả trạo riêng cho quê mình, Bác Lê Văn Minh đã bàn bạc cùng anh em con cháu trong làng trong đó phải kể đến bác Trần Xuân Hải, người bạn đã cùng với ông quyết tâm thành lập đội hát Bả trạo làng Đông Tân từ thời đó. Với sự hào hứng của nhiều người, thế là đội hát Bả trạo được ra đời và đặt tên: “Đoàn Bả trạo Đại Nghĩa” với nhiều gương mặt giờ đã là ông là bà như anh Châu, Hiến, Tiến, Tuấn, Chung, Tâm, Phòng... Khi đoàn Bả trạo sắp ra đời, cả làng ai cũng phấn khởi, người đẽo cây làm chèo, người phụ giúp dán giấy trang trí áo mũ cho ra dáng một đội Bả trạo. Để có lớp, tích nội dung diễn hát, bác Lê Văn Minh đã cho anh em ngày đêm tập trích đoạn “Trịnh Ấn tế Trịnh Ân” trong vở tuồng Tống Thái Tổ, mặt khác ông cho người tìm hiểu đoàn Bả trạo ông Rằng ở Xuân Quang, nhưng do muốn giữ bí kiếp riêng nên đoàn ông Rằng không tiết lộ, do đó bác Minh về tự tìm hiểu các bậc cao niên trong vùng biết đờn ca hát bộ để cải biên các nội dung trong tuồng thành những làn điệu Bả trạo. Và cuối cùng đoàn Bả trạo “Đại Nghĩa” của xóm Câu cũng đã biểu diễn ra mắt làm nức lòng bà con. Lúc đầu đoàn diễn trong làng vào các dịp cúng lăng Ông hay các lễ xuân thu nhị kỳ, nhưng sau đó tiếng lành đồn xa, đoàn của ông luôn được mời đi diễn khắp các làng, xã trong vùng.

Đội Bả trạo Đông Tân

Nói về làn điệu và động tác diễn bác Lê Văn Minh cho biết bác đã cải biên, sáng tác đến nay đã hàng chục bài theo nhiều làn điệu khác nhau như: nam xuân, nam ai, phú lục, bắt bãi… nhưng để có một cách diễn riêng sinh động theo kiểu “bi ai mà không bi lụy” bác đã dày công nghiên cứu các đội hát ở khắp các vùng Miền Trung để áp dụng sao cho hấp dẫn người xem. Bác tập cho các bạn chèo biết cách nhấn giọng, lên giọng, ngắt câu nhanh hơn, mạnh hơn trong điệu xướng bạch, hoặc như lúc diễn hò đưa linh ( đưa cá Ông) thì trong điệu nam xuân, nam ai phải trung bình không nhanh, không buồn, chủ yếu diễn để khuyết khích người lao động. Trong hình tượng một chiếc thuyền chèo đưa linh khi gặp trời gió “Các con ơi! Cùng nhau thức suốt đêm dài, để tác nước đưa linh cho đặng…” thì các bạn diễn phải thể hiện được động tác chiếc thuyền lúc gặp khó khăn, nhất là động tác của người tổng mũi, tổng lái và tổng thương…

 Trong những năm gần đây để phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể biểu diễn phục vụ các ngày lễ hội văn hóa của địa phương mà bác viết lời kết hợp ở nhiều thể loại ngâm thơ, hò khoan, bài chòi, cổ bản, xàng xê… với nội dung sao cho phù hợp với buổi diễn như bài: đón xuân , biểu diễn trong ngày tết cổ truyền, ngày lễ lớn của đất nước

Đội Bả trạo Đông Tân đã đại diện cho tỉnh Quảng Nam tham dự liên hoan văn hóa  nhiều nơi trong cả nước, trong đó có Liên hoan văn hóa Miền biển các tỉnh duyên hải Nam – Trung bộ và đã mang về giải xuất sắc cho tỉnh.

Bến thuyền làng Đông Tân

Từ ngày “đoàn hát Bả trạo Đại Nghĩa” của xóm Câu ra đời (1970) đến nay đã trên 45 năm với nhiều bước thăng trầm theo năm tháng. Giờ  đây tên gọi "Đại Nghĩa” không còn nữa mà đổi thành tên Đội Bả trạo Đông Tân, bà con còn thường gọi tên thân thương là Đội Bả trạo Chín Minh. Song để giữ cho đội bả trạo Đại Nghĩa ngày xưa hoạt động trong suốt chừng ấy năm phải nói bác Lê Văn Minh đã miệt mài dày công vun đắp, động viên, tập hợp nhiều lớp thế hệ thanh thiếu niên trong làng. Đội bả trạo và hình ảnh người tổng mũi Lê Văn Minh đã đi vào ký ức, niềm tự hào của quê hương làng Đông Tân, xã Tam Hòa từ xưa đến nay./.