17/01/2025 lúc 03:02 (GMT+7)
Breaking News

Người dân có quyền lựa chọn trong vay vốn hỗ trợ cho chương trình nhà ở xã hội

VNHNO- Đây là điều mà ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam khẳng định khi trao đổi với báo chí về kết quả cho vay và một số nội dung trong quá trình cho vay nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ.

VNHNO- Đây là điều mà ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam khẳng định khi trao đổi với báo chí về kết quả cho vay và một số nội dung trong quá trình cho vay nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ.

Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý 

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả và tiến độ của việc triển khai chương trình cho vay hỗ trợ tín dụng chính sách với nhà ở xã hội theo tinh thần của Nghị định 100 của Chính phủ thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Lý: Trước đây, Chính phủ đã quan tâm NƠXH là nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho đồng bào vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long và nhà ở cho các hộ nghèo miền Trung chống bão lũ, thiên tai; nhà ở cho đối tượng chính sách. Đặc biệt khi có Luật Xây dựng, Luật Nhà ở thì Chính phủ xây dựng Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội với đối tượng chủ yếu là cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, người nghèo ở khu vực đô thị mà có thu nhập chưa bị chịu thuế thu nhập…

Chính phủ cũng quy định, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định này trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Hiện, Chính phủ đã bố trí vốn đến năm 2020 là 2.316 tỷ đồng, riêng năm 2018, Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai sâu rộng tới tận các thị xã, thành phố trên toàn quốc và có 50 tỉnh, thành có dư nợ với khoảng 200 tỷ đồng và đã có 700 người được thụ hưởng nguồn vốn này. Dự kiến trong năm nay, Ngân hàng Chính sách sẽ giải ngân 1.000 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh có dư nợ cao là: Quảng Nam (gần 32 tỷ đồng); TP Đà Nẵng (21 tỷ đồng); Bắc Ninh (15 tỷ đồng); Bắc Giang (12 tỷ đồng); Hưng Yên (9 tỷ đồng); Quảng Bình (8,5 tỷ đồng); Thừa Thiên Huế (7,2 tỷ đồng); Quảng Trị (7,2 tỷ đồng); Thanh Hoá (7 tỷ đồng)… Dự kiến những tháng còn lại, NHCSXH căn bản sẽ thực hiện nốt số vốn còn lại để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong năm 2018.

Trong quá trình triển khai có cả thuận lợi và vướng mắc nhưng về cơ bản, chúng tôi đang từng bước tháo gỡ trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình. Đây là chương trình tín dụng dài hạn nên đối tượng thụ hưởng đã đăng ký, đủ thủ tục thì sẽ được vay vốn. Nếu như gói vay hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) triển khai từ năm 2013 và đã kết thúc có số tiền giải ngân nhất định, thời hạn giải ngân nhất định, người thụ hưởng phải nhanh chân, nhanh tay, đăng ký để được hưởng, thì chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định 100 triển khai dài hơi, năm này qua năm khác.

Vì thế, có người lo ngại rằng nếu làm thủ tục rồi mà không giải ngân được thì bỏ là không phải. Chúng tôi xin khẳng định, hoàn toàn không có chuyện đó, mà đây là chương trình tín dụng triển khai dài hạn, năm này gối đầu sang năm khác…

PV: Như ông khẳng định, từ giờ đến cuối năm, NHCSXH sẽ căn bản thực hiện nốt số vốn còn lại để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 30/9/2018, chúng ta mới giải ngân được hơn 200 tỷ. Ông lý giải thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Văn Lý: Thực tế, tiến độ giải ngân như trên là phù hợp về căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch. Ngân hàng rất muốn đẩy vốn nhanh nhưng phải cân nhắc trên nhiều mặt, bởi cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, dễ sai đối tượng. Việc triển khai cho vay phải trên cơ sở nền dân chủ cơ sở và dùng quy trình dân chủ cơ sở để giám sát trở lại để chương trình thực sự giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được trường hợp nào đủ điều kiện vay mà chưa được vay.

Còn với những vướng mắc, như NƠXH được chủ dự án thế chấp vay Ngân hàng thương mại, nay muốn vay phải giải chấp thì mới vay vốn tín dụng chính sách NƠXH; người vay vốn có hộ khẩu ngay trên địa chỉ đất nhà ở, xây dựng chưa có phê duyệt…

Thực ra, với chương trình này, người dân thuộc đối tượng vay có thể cân nhắc, xem xét lựa chọn thêm vì đó là chương trình dài hơi. Không vay năm này thì ta vay năm sau, đồng thời có thể xem xét kỹ lưỡng chỗ cần mua cho phù hợp nhu cầu gia đình. Người vay không phải vội vì lo hết thời hạn.

Có thể khẳng định lại một lần nữa là tiến độ như trên là phù hợp.

Với tư cách người cho vay, chúng tôi rất muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng hiện tại, chúng tôi vẫn phải chấp hành đúng Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về quản lý tiền mặt, tránh tiếp tay cho hành vi trốn thuế và tiếp tục tăng cường tuyên truyền, không vì chạy theo tiến độ mà bỏ qua các quy trình kiểm soát, giám sát trong quá trình cho vay.

PV: Vậy tới đây, NHCSXH sẽ tiếp tục có kế hoạch cụ thể nào để triển khai hiệu quả chương trình tín dụng hỗ trợ cho vay mua NƠXH mang đầy tính nhân văn này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Là một chương trình cho vay ưu đãi mang tính chất an sinh xã hội, cho vay nhà ở xã hội là chính sách dài hơi của Nhà nước, nên bên cạnh việc cho vay các hồ sơ đủ điều kiện, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhất là ở các khu công nghiệp nơi có nhiều công nhân để tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các chi nhánh phải quan hệ chặt chẽ với các Liên đoàn Lao động tỉnh để nắm bắt nhu cầu của người lao động, từ đó chuẩn bị nhân vật lực đáp ứng kịp thời.

Đáng chú ý là, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch tạm thời đến năm 2021, nhu cầu vốn khoảng 18.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho bố trí nguồn vốn này thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. NHCSXH đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng và cũng rất phấn khởi khi ý kiến của Chủ tịch Quốc hội kết luận trong phiên họp Thường vụ Quốc hội gần đây là sẽ chính thức trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới để cho NHCSXH có vốn tập trung cho người nghèo đô thị vay, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp.

Phải nói lại một lần nữa là, hiện nay, nguồn vốn của NHCSXH rất mạnh. Cách đây 10 năm giải ngân vốn cho học sinh, sinh viên lúc đầu cũng có khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể thuần thục và có kinh nghiệm nên giải ngân kịp thời theo đúng tiến độ. Do đó, với chương trình cho vay ưu đãi với chương trình NƠXH lần này nói riêng và với tất cả các chương trình cho vay tín dụng chính sách nói chung của chúng tôi, những đối tượng vay vốn thuộc quy định của Chính phủ chắc chắn sẽ được vay vốn tại NHCSXH. Nếu những hồ sơ có bị chậm chủ yếu là do còn thiếu giấy tờ hoặc hồ sơ không đúng đối tượng. Còn khi ngân hàng đã chính thức tiếp nhận hồ sơ thì chúng tôi phải có trách nhiệm trong điều hành kế hoạch vốn để giải ngân theo hợp đồng đó. Người vay vốn sẽ không gặp vấn đề gì trong quá trình giải ngân cho nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm với chúng tôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Anh (thực hiện)