20/01/2025 lúc 18:12 (GMT+7)
Breaking News

Người dân cần đi tiêm theo quy định của ngành y tế

Để người dân có thông tin và tránh được nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không bảo đảm chất lượng, báo chí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.

Để người dân có thông tin và tránh được nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không bảo đảm chất lượng, báo chí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việc quản lý vaccine nhập khẩu hiện nay của Bộ Y tế đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiểm soát cấp phép lưu hành. Các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

Đối với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Sau đó, cần khai báo với cơ quan y tế có thẩm quyền (cụ thể đăng ký với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) và cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan, để Bộ Y tế kiểm định về nguồn gốc, chất lượng vaccine.

Nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ cấp phép. Khi đó, vaccine mới được đưa vào sử dụng tiêm cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để bảo đảm tiêm cho người dân an toàn nhất.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp cận các nguồn vaccine khác nhau và đã ký hiệp định thỏa thuận khung với các nhà sản xuất có thể cung cấp cho Việt Nam khoảng 105 triệu liều vaccine COVID-19. Bộ Y tế đang tiếp tục tiếp cận các nhà sản xuất khác để phấn đấu đạt được 150 triệu liều theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế mới chỉ cung cấp giấy phép và khẳng định chất lượng đối với các lô vaccine của AstraZeneca đã về Việt Nam và một số vaccine khác như Sputik-V, Mordena, Sinopharm, Pfizer. Còn các vaccine khác, Bộ Y tế đang đề nghị các nhà sản xuất cung cấp cho Việt Nam thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ Y tế thông báo đủ điều kiện để tiếp cận vaccine.

Theo đó, các nhà cung cấp cũng như các doanh nghiệp do Bộ Y tế thông báo đủ điều kiện, khi tiếp cận được nguồn vaccine thì đều phải cung cấp đầy đủ hồ sơ và dữ liệu có liên quan để Bộ Y tế thẩm định chất lượng và cấp phép.

Nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ đồng ý cho phép sử dụng tiêm cho người dân. Khi tiêm cho người dân phải bảo đảm theo nguyên tắc ưu tiên công tác phòng chống dịch, không phải tiêm tự do, mà không có sự kiểm soát của ngành y tế.

"Chúng tôi khẳng định, tất cả vaccine phòng COVID-19 về tới Việt Nam, đều đã thông qua ký hiệp định khung với các cơ sở sản xuất vaccine này, nên không có việc tuồn vaccine đó ra ngoài'', Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Ở trong nước, vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế công khai phân bổ số lượng liều vaccine cho các địa phương, đơn vị bộ, ngành… trong đó ưu tiên các địa phương có dịch.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tiêm tất cả các loại vaccine chưa được Bộ Y tế kiểm định và thông báo.

"Người dân hãy đi tiêm theo đúng hệ thống tiêm chủng của ngành y tế tổ chức triển khai. Hãy tiêm những vaccine được Bộ Y tế thông báo đủ điều kiện và thực hiện tiêm theo hướng dẫn của ngành y tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo. Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 mới chỉ thực hiện tại các cơ sở y tế đã được cấp phép, thuộc quản lý của ngành y tế, tức là trong y tế công lập. Các đơn vị khác hiện nay Bộ Y tế chưa cấp phép tiêm vaccine COVID-19. 

Làm gì để ngăn chặn lừa đảo tiêm vaccine

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, khi người dân nhận được những thông tin, lời mời chào mua vaccine phòng COVID-19 xách tay hay rao bán xuất tiêm ngoại giao… cần thông tin cho cơ sở y tế gần nhất và phản ánh tới cấp có thẩm quyền, để kiểm tra thông tin, kiểm tra nguồn vaccine đó. 

Về tình trạng lừa đảo tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là rao bán trên mạng internet, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình trạng này đã được Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo, được đề cập tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành công an ngày 21/6 vừa qua.

Cục Cảnh sát hình sự và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để kéo giảm các loại tội phạm, trong đó có nhóm tội phạm nảy sinh trong đại dịch COVID-19 như tội phạm lừa đảo tiêm chủng vaccine, bán giấy chứng nhận đã tiêm vaccine…

Thiếu tướng Hà khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên vội vàng tin vào các chiêu mời gọi tiêm phòng vaccine trên mạng internet hay thông tin rao bán “nhường suất” tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, người dân cần nâng cao nhận thức. Khi thấy có người rao bán, chèo kéo thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng như công an, y tế vào cuộc điều tra, ngăn chặn, xử lý hành vị phạm tội này để người dân không bị “tiền mất, tật mang”.

Luật sư Trần Hoàng Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội). Ảnh: VGP/Lê Sơn

Luật sư Trần Hoàng Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng tội phạm lừa đảo tiêm vaccine phòng COVID-19 là loại tội phạm mới nảy sinh gần đây khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Tội phạm lợi dụng tình hình và sự lo lắng của nhân dân để lừa đảo với nhiều hình thức, từquảng cáo tràn lan trên mạng xã hội đến “rỉ tai” việc “nhường suất” tiêm vaccine phòng COVID-19, có thuốc tiêm phòng... 

Các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác đều có chế tài nghiêm khắc xử lý các tội danh có liên quan đến nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Hoàng Anh, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung điều tra, truy tố, xét xử một cách nhanh chóng để răn đe kịp thời, như các vụ án đã được xét xử với một số đối tượng chống lại các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch ở một số địa phương vừa qua.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục đến nhân dân về các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để người dân nâng cao cảnh giác, kịp thời tố cáo đến các cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc bị dụ dỗ, mời chào tiêm vaccine phòng COVID-19, bởi đây là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội.

Nguồn: baochinhphu.vn