24/12/2024 lúc 20:25 (GMT+7)
Breaking News

Nghịch lí… những cánh đồng không còn nông dân

(VNHN) - Đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở tỉnh Nam Định đã vượt mốc 1.000 ha. Tính chung của cả vùng Đồng bằng sông Hồng, của cả nước, con số này sẽ rất lớn. Đáng nói là, dẫu đã được tiên liệu, báo trước nhưng như đã thấy, giải pháp cho những cánh đồng không còn nông dân, những cánh đồng hoang lại chưa có nhiều và chưa đủ mạnh để phát huy hiệu quả.

(VNHN) - Đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở tỉnh Nam Định đã vượt mốc 1.000 ha. Tính chung của cả vùng Đồng bằng sông Hồng, của cả nước, con số này sẽ rất lớn. Đáng nói là, dẫu đã được tiên liệu, báo trước nhưng như đã thấy, giải pháp cho những cánh đồng không còn nông dân, những cánh đồng hoang lại chưa có nhiều và chưa đủ mạnh để phát huy hiệu quả.

Những cánh đồng hoang đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Nam Dương

“Huyền cũng đi làm công ty rồi!”. Đó là thông tin được nhiều người dân làng Bái Dương (Nam Dương, Nam Trực, Nam Định) chuyền tai nhau trong những ngày qua, như một sự kiện của làng…

Huyền, đơn giản là một nông dân trong làng. Năm nay chị 44 tuổi. Như nhiều người dân Bái Dương khác, nhiều năm qua, vợ chồng chị chuyên tâm với gần mẫu ruộng. Đồng đất Bái Dương được trời phú cho khá màu mỡ, phần lớn diện tích có thể thâm canh rau màu quanh năm. Chăm chỉ, chịu khó, biết tính toán nên rau màu giúp vợ chồng chị có được cuộc sống không đến nỗi nào, xây được nhà cửa kiên cố; nuôi hai con ăn học...

Ngặt nỗi, làm nông, nhất là thâm canh rau màu rất vất vả, “tối mắt tối mũi” từ sớm đến đêm khuya. Không kể cấy trồng, chăm bón, như lời chị Huyền: “Ba, bốn giờ sáng, khi mọi người còn đang ngủ ngon thì chúng tôi đã phải lao ra đường, mang rau, củ quả đi bán. Gặp hôm ế ẩm, thấy tủi cực lắm!” Trong khi đó, ngày ngày cứ mở Đài Truyền hình tỉnh ra lại thấy hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác trong huyện, trong tỉnh thông báo tuyển dụng công nhân, không may mặc thì lại giầy da. Ban đầu các doanh nghiệp còn yêu cầu về độ tuổi, về trình độ tay nghề nhưng do nguồn cung lao động thiếu, các doanh nhiệp “hạ” tiêu chuẩn, miễn ai còn sức khỏe là được mở cửa, đón chào. “Đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định đi làm công nhân cho một công ty trên TP. Nam Định, cách nhà hơn 10 km. Lương 5 triệu/tháng. Nếu tăng ca thì được hơn, cũng vất vả, gò bó nhưng được cái mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu”, chị kể.

Theo chân chị Huyền, hàng chục phụ nữ trung niên khác ở Bái Dương sau đó cũng... đi làm công ty. Trước đó, lớp trẻ trong làng đã “nhanh chân hơn”, không đi học đại học thì cũng đi làm công nhân, lái tắc-xi. Ở lại làng chỉ còn lứa người già và sắp già...

Rất dễ nhận ra câu chuyện trên không phải chỉ có ở làng Bái Dương mà là diễn biến chung của nhiều làng quê hiện nay. Nó cho thấy rõ hơn một điều là sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ; đủ sức khiến những người nông dân ở một làng quê như Bái Dương, sở hữu đất đai trù phú nhưng vì nhiều lý do vẫn lựa chọn “đi làm công ty” khi có cơ hội. Đây là vấn đề đã được tiên liệu, bởi chủ trương chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn đã có từ lâu và đều được các địa phương tích cực thực hiện. Chỉ có điều, như đã thấy, khi người người, nhà nhà “đi làm công ty” đồng nghĩa với việc những cánh đồng của nhiều làng quê đã và đang trở nên vắng vẻ. Những năm qua thì xuất hiện tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang và đang ngày một gia tăng.

Như báo cáo mới nhất của chính quyền tỉnh Nam Định, đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở tỉnh đã vượt mốc 1000 ha. Tính chung của cả vùng Đồng bằng sông Hồng, của cả nước, con số này sẽ rất lớn. Đáng nói là, dẫu đã được tiên liệu, báo trước nhưng như đã thấy, giải pháp cho những cánh đồng không còn nông dân, những cánh đồng hoang lại chưa có nhiều và chưa đủ mạnh để phát huy hiệu quả.

Nhìn theo hướng tích cực, rất dễ nhận ra việc một bộ phận nông dân không còn nhu cầu sử dụng ruộng đất lại là điều kiện thuận lợi, mở đường cho những cá nhân, tổ chức tâm huyết với sản xuất nông nghiệp có thể thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất để đầu tư thực hiện những dự án nông nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn. Cao hơn, là tiền đề để thực hiện định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, sản phẩm làm ra đáp ứng được những nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước - những yêu cầu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không đáp ứng được...

Tuy nhiên, theo nhiều cá nhân, tổ chức, bắt tay vào thực hiện, họ gặp rất nhiều rào cản. Khó nhất là làm sao có thể thuê lại được ruộng đất của nông dân, dồn đổi được thành những khu sản xuất tập trung. Ở Nam Định có chuyện để “gom” được 140 ha đất làm dự án nông nghiệp công nghệ cao, một doanh nghiệp đã phải vận động, đàm phán với tổng cộng 3.000 hộ nông dân ở địa phương. Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không. Khi đó chính quyền phải thực hiện thêm thao tác dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho doanh nghiệp. Khó khăn, phức tạp như vậy nên cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều rất ngán ngại.

Chủ một dự án sản xuất nông nghiệp tập trung ở Mỹ Lộc (Nam Định) thì kể rằng, khu sản xuất của ông rộng 1,4 ha, trong đó chỉ có 4.000 m2 ông thuê lại được từ đất công của xã, số còn lại ông phải thuê lại từ của mấy chục hộ nông dân. Mất rất nhiều công vận động, đàm phán nhưng do tâm lý muốn giữ đất, thuyết phục thế nào bà con cũng chỉ cho ông thuê trong thời hạn một năm, sau đó mới... tính tiếp. “Đầu tư làm nông nghiệp đã nhiều rủi ro, phải thuê đất trong ngắn hạn để làm lại càng rủi ro thêm”, ông nhìn nhận. Chủ một dự án nông nghiệp khác ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) thì cho biết, sản xuất tập trung, áp dụng kỹ thuật cao thì phải đầu tư rất lớn, đơn giản là phải đầu tư làm nhà kính, nhà lưới. Nhưng, như lời ông: ”Có nghe nói tỉnh có chính sách hỗ trợ nhưng đến nay chưa nhận được hỗ trợ gì. Mình thấy cần làm thì cứ vay vốn làm thôi!”.

Ngoài tâm lý muốn giữ đất, phía những người nông dân cũng có không ít lý do để chần chừ mang đất cho thuê. Một nông dân ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho hay, khi mang đất cho một doanh nghiệp thuê làm nông nghiệp công nghệ cao trong 20 năm, họ chỉ được trả 120 kg ngô/sào/năm. Sau khi cho thuê ruộng, rất ít nông dân hoặc con em họ được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, trong khi kiếm được việc làm mới với những nông dân đã ở lứa trung niên không phải dễ.

Trong khi đó, mô hình nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng ruộng đất, thể hiện sự bình đẳng, bình quyền trong mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp được nói đến nhiều nhưng trên thực tế chưa xuất hiện... 

Những câu chuyện trên phần nào lý giải cho đến nay vẫn chưa có nhiều những dự án nông nghiệp tập trung, quy mô, hiệu quả như kỳ vọng; lý giải tại sao nghịch lý người có đất không cần, người cần không có vẫn cứ tồn tại; hai bên không thể bắt tay nhau. Và, những thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang vẫn cứ ngày càng nhiều thêm.

Chính sách, động lực nào để không còn những cánh đồng hoang? Đời sống vẫn đang chờ....

Trần Nam Dương/ĐCS