18/01/2025 lúc 15:53 (GMT+7)
Breaking News

Nghề y như duyên phận cuộc đời

VNHN - Tôi được biết đến một người mà nhiều bác sỹ trong ngành y đều trân trọng, một thầy thuốc gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng với bệnh nhân. Hơn nửa đời người cống hiến những tinh túy của mình với nghề, ông không ngừng đem tâm sức mình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vinh quang.

VNHN-Tôi được biết đến một người mà nhiều bác sỹ trong ngành y đều trân trọng, một thầy thuốc gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng với bệnh nhân. Hơn nửa đời người cống hiến những tinh túy của mình với nghề, ông không ngừng đem tâm sức mình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vinh quang.

Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết dưới đây là TTND.GS.TS Trần Hậu Khang, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu của trường ĐH Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Châu Á, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam. Có thể nói, ông chính là người đã có công lớn đưa ngành Da liễu Việt Nam hội nhập cùng thế giới.

TTND.GSTS Trần Hậu Khang

TTND.GS.TS Trần Hậu Khang sinh ra và trưởng thành tại một vùng quê nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mảnh đất nắng gió miền Trung với bao khó khăn, nhọc nhằn càng khơi dậy trong ông tinh thần hiếu học, lao động cần cù, kiên trì và vượt qua thử thách cuộc đời. Phát huy truyền thống gia đình với nghề giáo, và nghề y chữa bệnh cứu người, ông nuôi dưỡng trong mình quyết tâm theo đuổi nghề y, với mong ước giản đơn có thể chữa bệnh cho những người dân nghèo quê hương mình. Phấn đấu học tập, ông dự thi và đỗ vào trường ĐH Y Hà Nội, nối nghiệp chữa bệnh, cứu người theo truyền thống gia đình… Năm tháng trên giảng đường, ông không ngừng trau dồi, nghiên cứu và tích lũy kiến thức cho chặng đường sau này. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp BS đa khoa, ông được lựa chọn và thi đỗ vào lớp BS nội trú. Lựa chọn cho mình một lối đi riêng, ông đã theo đuổi chuyên ngành Da liễu, một ngành học “vừa khó, vừa khô, vừa khổ”. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của người thầy đáng kính, GS. Lê Kinh Duệ, ông đã tiến từng bước vững chắc cho sự nghiệp vẻ vang sau này. Sau ba năm học BS nội trú, hoàn thành xuất sắc chương trình học với vốn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sâu rộng, ông được trường ĐH Y Hà Nội giữ lại làm giảng viên Bộ môn Da liễu. Năm 1994, ông bảo vệ thành công Luận án TS và đến năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Da liễu QG và Phó Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu, trường ĐH Y Hà Nội. Không dừng lại ở đó, ông còn nghiên cứu học tập kinh nghiệm từ nền y học của nhiều nước trên thế giới. Ông đã nhiều lần được cử đi học tập, nghiên cứu, tại nhiều nước như Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…Những chuyến đi này đã cho ông những kinh nghiệm quý báu, nâng cao đáng kể kỹ năng khám chữa bệnh chuyên môn của mình.

  Trong vai trò một người thầy thuốc, nhà giáo, TTND.GS.TS Trần Hậu Khang luôn coi bệnh nhân như như chính người thân trong gia đình mình. Ông tâm sự cùng tôi: “Người thầy thuốc phải biết tạo niềm tin với người bệnh. Điều quan trọng nhất là phải lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tư vấn đầy đủ để họ tin tưởng, an tâm. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi chỉ đơn giản là nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, không đau đớn trên môi người bệnh.” Vậy đó, với ông, y đức lớn nhất của người bác sĩ chính là chất lượng khám chữa bệnh và tình yêu thương, cảm thông chia sẻ với người bệnh. Luôn thương cảm với những hoàn cảnh khó khăn, ông đã kêu gọi các tổ chức từ thiện Quốc tế giúp đỡ kinh phí để tổ chức có hiệu quả nhiều lớp dạy nghề,  hỗ trợ kinh phí ăn ở, chữa bệnh cho những bệnh nhân khó khăn. Từng là Giám đốc bệnh viện, trong thời gian thực hiện công tác quản lý, ông luôn tích cực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực quản lý, điều hành công việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi khi nhắc đến ông, đồng nghiệp đều nhắc đến hình ảnh một nhà quản lý có đức, có tâm với nghề.

 Với công tác NCKH, TTND.GS.TS Trần Hậu Khang đã hoàn thành hơn 100 đề tài trong lĩnh vực Da liễu. Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn và đã được báo cáo tại các Hội nghị Khoa học trong nước và quốc tế. Tiêu biểu trong đó phải kể đến một số công trình như: “Chẩn đoán nhiễm Chlamydia Trachomatis bằng PCR” (Giải nhất Hội nghị Khoa học tuổi trẻ toàn quốc), “Điều trị loét dinh dưỡng bằng Insulin” (Huy chương sáng tạo tuổi trẻ), “Nghiên cứu bệnh viêm da tiếp xúc do công trùng” (Giải xuất sắc Hội nghị Khoa học Quốc tế tại Nhật Bản)… Luôn miệt mài tận tâm với sự nghiệp của mình, với uy tín về chuyên môn và ngoại ngữ, Giáo sư đã được Tổ chức Y tế thế giới mời làm cố vấn về bệnh phong và Da liễu khu vực Châu Á, Tây Thái Bình Dương trong một thời gian dài. Hiện nay, ông cũng được mời làm tham vấn, tham gia viết tài liệu hướng dẫn về nhiều bệnh Da liễu trong khu vực. Vừa là người thầy thuốc giàu y đức, ông cũng là một nhà giáo nhiệt thành. Xuyên suốt chặng đường dài đã qua, TTND.GS.TS Trần Hậu Khang đã truyền đạt những kiến thức quý giá cho các sinh viên, học viên qua những bài giảng, bài học thực tế trên thực địa cùng những khóa luận tốt nghiệp BS, Luận án BSCK II, ThS, TS, xây dựng nên đội ngũ thế hệ bác sĩ trẻ nhiệt huyết sau này. Bên cạnh công tác đào tạo, ông còn tham gia biên soạn, chủ biên, đồng chủ biên 20 cuốn sách về chuyên ngành Da liễu.

 Nhìn lại hành trình dài vẻ vang đã đi qua, với 10 năm làm Phó Viện trưởng Viện Da liễu và 7 năm làm Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương, 16 năm làm Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu, ĐH Y Hà Nội, TTND.GS.TS Trần Hậu Khang đã để lại dấu ấn sâu sắc, đóng góp, cống hiến đáng trân trọng cho ngành Da liễu Việt Nam. Có thể nói, cùng những thành tựu xuất sắc đạt được, ông đã đưa ngành Da liễu hòa nhập cùng khu vực và thế giới. Với uy tín của mình, Hội Da liễu Việt Nam và Bệnh viện Da liễu Trung ương đã vinh dự được tổ chức Hội nghị Da liễu Đông Nam Á (2009) và Hội nghị Da liễu Châu Á - Úc ( 2014).

Với những đóng góp, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp y khoa, chuyên ngành Da liễu nước nhà, TTND.GS.TS Trần Hậu Khang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp Bộ, ngành cùng các tổ chức Quốc tế ghi nhận bằng nhiều phần thưởng uy tín và danh hiệu cao quý như: Huy chương Sáng tạo Tuổi trẻ của Trung ương Đoàn (1986), Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (2008), Huân chương Lao động hạng Ba (2009), Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ và cấp Cơ sở nhiều năm, Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học của Nhật Bản (2009), Giải thưởng Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới (2013) tại Thủ đô Viên chăn của Lào, Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2014)… Đặc biệt, ông đã vinh dự là người Đông Nam Á đầu tiên được nhận Giải thưởng Cống hiến của Liên đoàn Da liễu Thế giới (2012)…