Sự kiên trì và tỉ mỉ trong nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ (Hà Nội) đã tạo ra những lá vàng mỏng tang, dát lên các đồ vật truyền thống mang tính thẩm mỹ cao. Ngày 9/3 vừa qua, nghề quỳ vàng bạc 300 năm tuổi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Quốc gia.
Nghề quỳ vàng bạc ở thôn Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, TP. Hà Nội) có lịch sử trên 300 năm. Những kỹ thuật khéo léo truyền đời khiến cho người dân nơi đây nổi danh khắp vùng qua những sản phẩm dát vàng tinh tế như đồ thờ cúng, gốm sứ...
Bắt đầu từ vàng nguyên chất, sau đó được kéo mỏng, cắt miếng hình vuông, mỗi chiều 1cm. Loại vàng hay được sử dụng là vàng "4 số 9". Đây mới chỉ là bước khởi đầu cho cả quá trình dát mỏng vàng.
Diệp (vàng) được bó thành tập, sau đó dùng búa đập trong khoảng 40 phút (đập diệp). Từ các diệp hình vuông cạnh 1cm diện tích 1cm2 trở thành các lá vàng mỏng tang, có cạnh 4cm và diện tích rộng khoảng 16cm2.
Công cụ hành nghề trước đây rất đơn giản, các cụ làng Kiêu Kỵ chỉ cần mang cái búa, cái mâm (đồ nghề) đi khắp nơi đều có thể làm việc được, các gia đình giàu có thuê người Kiêu Kỵ làm bộ đồ thờ dát vàng có khi đến cả năm mới xong.
Trước đây việc dát mỏng vàng phải trải qua đến 40 công đoạn, nay được rút ngắn chỉ còn hơn 20 công đoạn. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.
Người thợ giỏi có thể đập nửa chỉ vàng dàn mỏng thành 500 lá vàng mỗi cạnh 4cm. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 40 phút liên tục.
Các công đoạn "cắt dòng" và "sang vàng" phải làm trong phòng kín, không được dùng quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể làm bay những lá vàng.
Vàng sau khi được dát mỏng (quỳ) dùng để thếp vàng cho các tượng phật, bộ đồ thờ, bình lọ... Các lá vàng mỏng đến mức thở mạnh cũng làm bay, hoặc vỡ vụn.
Chính vì các lá vàng mỏng đến mức thở mạnh cũng có thể làm bay mất nên việc dát vàng phải làm trong phòng kín, để khi các bụi vàng rơi ra sẽ được thu nhặt lại để tái sử dụng.
Một sản phẩm hoàn chỉnh sau khi được dát vàng bởi bàn tay người thợ Kiêu Kỵ. Ngày 9/3 vừa qua, nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Quốc gia.
Làng nghề Kiêu Kỵ hiện nay có thể dát vàng lên nhiều kiểu bề mặt, từ gỗ, gốm sứ... và nhiều loại khác khó hơn trước đây chưa làm. Các sản phẩm cấp thấp không được dát bằng quỳ vàng do Kiêu Kỵ làm ra.
Việc dát vàng trên gốm sứ trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên sơn lót, sau đó "cầm" sơn lên trên phần sơn lót, dán vàng, cuối cùng là dầm vàng. Trong ảnh là công đoạn sơn lót trên bình sứ.
Trong ảnh là công đoạn dán vàng lên lọ sứ sau khi đã được sơn lót. Ông tổ nghề của Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai, tỉnh Hải Dương. Một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối...
Về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ, rồi bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi (17/8 Âm lịch) làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm.
Trước đây nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, Kiêu Kỵ cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước và tranh sơn mài… Ngày nay Kiêu Kỵ vẫn còn nhiều người tâm huyết với nghề, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh lớn và mở rộng thị trường.
Theo dantri.com.vn