Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh và toàn diện, trong đó vấn đề y đức được Người đặc biệt quan tâm. Mỗi lần có dịp đến với ngành y, điều đầu tiên Người nhắc tới vẫn là "Thầy thuốc phải như mẹ hiền". Đây chính là yêu cầu Người đặt ra trong phương châm hành động và phục vụ của cán bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh.
Tư tưởng sâu sắc và toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức
- Nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần "khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe" (1). Quan niệm này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978: "Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội". Thế nên Người đã đề ra một nhiệm vụ vừa cụ thể vừa toàn diện cho người thầy thuốc: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu" (2).
Người thầy thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang” (3). Trong một đoạn văn ngắn, hai lần Bác dùng hai chữ “phó thác” thật đắt, vì nội hàm chữ “phó thác” vừa có nghĩa "giao cho cái quan trọng" vừa có nghĩa "tin tưởng vào người nhận". Và câu nói "Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi" của Bác đã trở thành khẩu hiệu để rèn luyện ý chí, bản lĩnh người thầy thuốc (4).
- “Người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”
Tình mẹ thương con là tình cảm cao quý, thiêng liêng nhất trong mọi tình cảm của con người. Đối với bệnh nhân, người thầy thuốc phải có tình yêu như thế. Do đó, trong các bài viết, bài nói chuyện với ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “Lương y như từ mẫu”.
Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948 đăng trên báo Cứu quốc (số 908 ngày 23/4/1948), Người viết: "Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền” (5).
Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư này thể hiện một cách khá toàn diện và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế. Vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Bác nhấn mạnh: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (6). Điều này cho thấy quan điểm “thầy thuốc như mẹ hiền” chính là điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là trách nhiệm và lương tâm với người bệnh. Có lương tâm với người bệnh chính là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết khác của người thầy thuốc.
- Người thầy thuốc phải giỏi chuyên môn
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, y đức không chỉ cần lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, mà còn cần say mê nghề nghiệp, luôn trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.
Do đó, Bác luôn nhắc nhở đội ngũ thầy thuốc, “về chuyên môn, cần thường xuyên học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác” (7). Đặc biệt, Bác luôn khuyến khích cán bộ y tế tự nghiên cứu, tìm tòi phát huy sáng kiến kinh nghiệm trong công tác: "Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng” (8).
- Người thầy thuốc phải thật thà, đoàn kết
Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Do đó, ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải "thật thà đoàn kết". Tại thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2/1955, Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân" (9).
- Xây dựng một nền y tế vừa truyền thống, vừa hiện đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại để tạo thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.
Người nhắc nhở: “Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây” (10). Cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, “như người có hai tay cùng làm việc thì tốt”. Người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi…
Bác cũng thường xuyên căn dặn cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành phải tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho nhân dân, nâng cao thể lực cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Và chính Bác là một tấm gương sáng mẫu mực của ý chí rèn luyện nâng cao thể lực cho toàn dân học tập, làm theo.
Kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế
Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức ngoài việc mang tính chất trách nhiệm, bổn phận, còn mang sắc thái của tình cảm cao cả, thiêng liêng, máu mủ, ruột thịt, gắn bó keo sơn. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo lập nên nền y đức mới, y đức cách mạng. Tư tưởng của Người đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế nước ta.
Thực hiện lời dạy của Người, các thế hệ đội ngũ cán bộ y tế nước ta đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn gian khổ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập. Rất nhiều thầy thuốc đã nêu gương sáng cả về chuyên môn lẫn đạo đức, như bác sĩ Vũ Đình Tụng, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Bách, Đặng Thuỳ Trâm…
Với những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ y tế, ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển đất nước. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.
Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế vào năm 2015 và đang tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. So với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, các chỉ số sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cụ thể là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng thêm 20 tuổi (từ 53,5 năm 1957 lên 73,7 năm 2021); chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm).
Đội ngũ thầy thuốc giữ được y đức và có y thuật cao, ngày đêm tận tuỵ vì sức khoẻ của nhân dân… Ở đâu đó còn có những bức xúc về y đức của những thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, đó chỉ là con số ít, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành y tế nước ta đã đạt được. Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống, khống chế những bệnh truyền nhiễm liên quan đến các chủng virus mới như: MERS-CoV, SARS hay COVID-19…
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã phát huy các phẩm chất và đạo đức nghề thiêng liêng cao quý, gác lại riêng tư, âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Ngày 27/2/2023 - kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để mỗi chúng ta tri ân những người thầy thuốc. Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác y tế nhận thức sâu sắc và khắc cốt ghi tâm lời dạy ân tình, sâu sắc, thiết thực của Bác về nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức, giữ gìn hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của những người thầy thuốc. Trước những thuận lợi và khó khăn trong thực hành nghề nghiệp, mỗi cán bộ y tế trên từng vị trí công tác của mình cần phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một người thầy thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”./.
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.212
(2), (5): Sđd, 1995, t.5, tr.395
(3), (6), (9), (10): Sđd, 1996, t.7, tr.476
(4): Sđd, 1995, t.5, tr.567
(7): Sđd, 1996, t.7, tr.88
(8): Sđd, 1995, tập 5, tr.396.