16/01/2025 lúc 07:42 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Hải quan thực hiện hiệu quả các nội dung về Chính phủ điện tử

VNHN-2 nhóm nhiệm vụ cốt lõi triển khai Chính phủ điện tử đã và đang được ngành Hải quan triển khai tích cực, hiệu quả, đó là thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP (năm 2015), Nghị quyết 01/NQ-CP (năm 2019) và nhóm nội dung liên quan đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

VNHN-2 nhóm nhiệm vụ cốt lõi triển khai Chính phủ điện tử đã và đang được ngành Hải quan triển khai tích cực, hiệu quả, đó là thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP (năm 2015), Nghị quyết 01/NQ-CP (năm 2019) và nhóm nội dung liên quan đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN

Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan đã tập trung đôn đốc các bộ, ngành triển khai Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn (2018-2020) ban hành theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung. Một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này là nghiên cứu, thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW và ASW. Đồng thời hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực XNK, quá cảnh hàng hóa.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, riêng quý I, có thêm 20 thủ tục hành chính được kết nối, nâng tổng số thủ tục của 13 bộ, ngành tham gia kết nối lên 173 thủ tục. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đến hết quý I lên trên 1,97 triệu bộ của 28.000 doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang tập trung hoàn thành triển khai NSW đối với đường hàng không.

Về ASW, từ 1/1/2019 đến ngày 15/3, tổng số C/O form D do Việt Nam gửi đi là 121.198; tổng số C/O form D Việt Nam nhận được từ các nước ASEAN là 69.264.

Đồng thời nước ta tiếp tục triển khai trao đổi chính thức Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) với 4 nước: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trao đổi thử nghiệm C/O form D với 3 nước: Brunei, Campuchia, Phillipines. Trong thời gian tới, theo kế hoạch sẽ triển khai kết nối kỹ thuật thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch thực vật (ePhyto), chứng nhận kiểm dịch động vật (e-AH)…

Tổng cục Hải quan đánh giá, triển khai Cơ chế NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian vừa qua cơ bản đúng tiến độ đề ra.

Một nội dung quan trọng trong thực hiện Chính phủ điện tử trong lĩnh vực hải quan là nghiên cứu trao đổi C/O điện tử với Hàn Quốc. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, trong tháng 3/2019, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Hàn Quốc tổ chức phiên làm việc để trao đổi về thí điểm trao đổi C/O điện tử giữa 2 nước trên cơ sở ứng dụng công nghệ blockchain. Dự kiến thời gian thực hiện thí điếm diễn ra từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2019.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Nhóm nội dung quan trọng thứ hai liên quan đến thực hiện Chính phủ điện tử trong lĩnh vực hải quan là thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Trong tháng 3/2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT, trong đó đã hoàn thành rà soát các quy định liên quan và quy trình thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử để chuẩn bị cho việc nâng cấp 2 thủ tục hành chính đang cung cấp DVCTT mức độ 1 thành DVCTT mức độ 4 theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ Tài chính.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai kế hoạch tích hợp trang thông tin điện tử của các đơn vị vào hệ thống Cổng Thông tin điện tử tập trung, trong đó hoàn thành việc gửi văn bản và phiếu khảo sát đến các cục hải quan đã có trang thông tin điện tử để khảo sát hiện trạng.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì, vận hành ổn định Hệ thống DVCTT. Tính đến nay tổng số DVCTT đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực hải quan là 171/181 thủ tục (chiếm trên 94,4% số lượng thủ tục). Số hồ sơ trên hệ thống DVCTT từ ngày 1/3/2017 (thời điểm triển khai chính thức) đến hết ngày 10/3/2019 là 212.648 bộ với 23.159 doanh nghiệp và 389 cá nhân tham gia.

Tổng cục Hải quan cũng đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán điện tử. Tính đến tháng 3/2019, đã kết nối trao đổi thông tin thu nộp thuế với 38 ngân hàng thương mại. Số thu qua ngân hàng thương mại từ 1/1/2019 đến hết 18/3/2019 là 64.677 tỷ đồng chiếm khoảng 93,78% tổng số thu ngân sách của cả ngành Hải quan.