09/01/2025 lúc 19:09 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Giảm ''gánh nặng'' học phí

Hơn 1,5 triệu học sinh thành phố Hà Nội đã bước sang tuần học thứ ba của năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, khác với cùng kỳ năm học trước, việc tổ chức thu các khoản tiền đầu năm học này chưa phát sinh các vấn đề “nóng”. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục Thủ đô đã, đang đồng hành, kịp thời có nhiều giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, giúp giảm "gánh nặng" học phí cho gia đình học sinh.

Hơn 1,5 triệu học sinh thành phố Hà Nội đã bước sang tuần học thứ ba của năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, khác với cùng kỳ năm học trước, việc tổ chức thu các khoản tiền đầu năm học này chưa phát sinh các vấn đề “nóng”. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục Thủ đô đã, đang đồng hành, kịp thời có nhiều giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, giúp giảm "gánh nặng" học phí cho gia đình học sinh.

Ảnh minh họa.

Trường công lập chưa thu học phí

Đến nay, các trường công lập đều chưa triển khai thu học phí năm học 2021-2022, mà ưu tiên tập trung cho công tác tổ chức dạy và học bảo đảm nền nếp, chất lượng, đúng tiến độ.Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà cho biết: hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhà trường chưa triển khai thu học phí năm học 2021-2022. Hiện nhà trường mới chỉ phổ biến tới 1.900 học sinh về khoản thu bảo hiểm y tế, bởi đây là khoản phải nộp đúng thời gian quy định.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình Nguyễn Công Dương: Với đặc thù ngành học hầu hết học viên “đầu vào” có điểm số thấp hơn các trường trung học phổ thông, số học viên có hoàn cảnh khó khăn năm nay nhiều hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó từ đầu năm học tới nay, trung tâm đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ học viên có đủ thiết bị học trực tuyến. Đến nay, trung tâm chưa thu bất cứ khoản nào ngoài bảo hiểm y tế.

Liên quan đến việc tổ chức thu học phí của các trường công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2021-2022, với tinh thần giảm 50% học phí cả năm học. Trong thời gian chờ HĐND thành phố ban hành nghị quyết, Sở yêu cầu các trường tạm thời chưa thu học phí, tổ chức dạy học hợp lý, bảo đảm chất lượng và tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục không cần thiết.

Không để xảy ra lạm thu

Không chỉ các trường công lập mà cả các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhằm chia sẻ gánh nặng cho gia đình học sinh.Là một trong số các đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất thành phố với 137 trường học, trong đó có hơn 30% là trường ngoài công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông đã tăng cường kiểm tra hoạt động dạy học và thực hiện các khoản thu. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay: “Phòng đã yêu cầu các trường ngoài công lập không được tăng học phí, chia sẻ gánh nặng với gia đình học sinh. Căn cứ điều kiện thực tế, các trường ngoài công lập đều có chủ trương giảm học phí với mức giảm ít nhất 30% so với năm học trước”.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) Đàm Tiến Nam cho biết, nhà trường áp dụng mức học phí học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 bằng 80% mức học phí học trực tiếp; đồng thời hỗ trợ 130 học sinh là con các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc công khai các khoản thu được thực hiện theo quy định, phụ huynh có thể đóng học phí theo từng tháng…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin thêm: “Sở đã yêu cầu các trường ngoài công lập xác định mức thu học phí hợp lý, trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa nhà trường, gia đình học sinh, có chính sách giảm mức thu phù hợp và giãn thời gian đóng học phí”.

Về vấn đề tổ chức thu tiền của các nhà trường, cả công lập và dân lập, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, các nhà trường cần huy động các nguồn lực để có các chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh. Tuyệt đối không được lạm thu, không để xảy ra tình trạng học sinh phải bỏ học vì gia đình khó khăn, không có tiền đóng góp.