22/12/2024 lúc 19:36 (GMT+7)
Breaking News

Ngành giáo dục luôn trân trọng sự đồng hành của báo chí

VNHN - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 được trao cho 43 tác phẩm ở 4 loại hình báo chí. Báo Điện tử Chính phủ nhận 1 giải C.

VNHN - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 được trao cho 43 tác phẩm ở 4 loại hình báo chí. Báo Điện tử Chính phủ nhận 1 giải C.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu trao giải A cho các tác phẩm xuất sắc

Sáng qua, lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 được tổ chức long trọng tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Là năm đầu tiên tổ chức với thời gian phát động không dài nhưng Giải đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, những cây bút chuyên và không chuyên đang đồng hành cùng ngành giáo dục ở khắp các vùng miền của cả nước với hơn 700 tác phẩm tham gia dự thi, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung và chuẩn mực, sáng tạo về hình thức thể hiện.

Các tác phẩm dự thi đã phản ánh một cách chân thực, sống động về những thành tựu của ngành giáo dục, những nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo trên mọi miền của đất nước, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân đối với sự nghiệp giáo dục; đồng thời phân tích những khó khăn của ngành giáo dục từ thực tế các địa phương, cơ sở giáo dục, từ đó đưa ra quan điểm phản biện, nguyên nhân và giải pháp.

“Các tác phẩm báo chí tham dự Giải đã thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của người làm báo đối với sự nghiệp giáo dục, sự quan tâm của báo chí đối với giáo dục. Các tác phẩm được trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 thực sự là các tác phẩm có chất lượng tốt, đóng góp tích cực vào đổi mới, phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, số lượng tác phẩm tham gia Giải lần này phong phú cả về nội dung, hình thức thể hiện. Đề tài của các tác phẩm khá toàn diện. Số lượng bài phản ánh mặt tích cực của ngành giáo dục nổi trội. Nhiều bài có đề tài về những tấm gương vượt khó, tinh thần cống hiến của giáo viên, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Có nhiều tác phẩm phát thanh, truyền hình phản ánh, khắc họa những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học trò thân yêu đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người nghe, người xem, có tác động xã hội mạnh mẽ.

Đặc biệt là phản ánh được những tấm gương nhà giáo đã hy sinh quyền lợi, tuổi đời của mình gắn bó với giáo dục vùng khó khăn, gắn bó với học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ trao giải

Trong 74 tác phẩm vào vòng Chung khảo của 4 loại hình, có 43 tác phẩm đạt giải, trong đó có 4 giải A, 8 giải B, 11 giải C và 20 giải Khuyến khích, 1 giải đặc biệt được ban giám khảo bình chọn từ 4 giải nhất của 4 loại hình báo chí.

Báo Điện tử Chính phủ  đoạt 1 giải C với loạt bài viết “Nâng cao chất lượng giáo dục từ môi trường sư phạm an toàn, thân thiện, bình đẳng” của tác giả Dương Phương Liên.

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội, báo chí trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia trong quá trình đổi mới.

Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Có thể nói, báo chí đã đồng hành, chia sẻ và tác động tới mọi hoạt động giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục luôn trân trọng sự đồng hành này và mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục có những hỗ trợ để mọi thông tin của ngành được thông suốt, có tác động tích cực đến dư luận xã hội”./.

Theo Chinhphu.vn