Là một tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng sự nghiệp giáo dục Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành của Trung ương; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp Lào Cai; đặc biệt là quyết tâm cao của ngành Giáo dục nên sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Sở Giáo dục và Đào tạo có địa chỉ tại tầng 2, khối 4, đường 30/4, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GD&ĐT Lào Cai tích cực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu cho Mục tiêu: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất, duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo; phát triển mạnh giáo dục dân tộc, chuẩn hóa giáo dục vùng cao, từng bước đột phát về chất lượng giáo dục thông qua 3 giải pháp có tính đột phá là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Dạy và học ngoại ngữ - Hội nhập quốc tế; trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các chỉ số giáo dục vùng cao đứng đầu cả nước. Tin học - Ngoại ngữ đạt mức trung bình đến năm 2030 dẫn đầu khu vực.
Trường THPT số 1 Bảo Thắng quyết tâm cùng ngành giáo dục tỉnh Lào Cai nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm học 2020 - 2021 là năm học sơ kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là năm học đầu tiên toàn ngành quán triệt triển khai thực hiện mục tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó trọng tâm là mục tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2020-2025 về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo - Phát triển nguồn nhân lực - Khoa học Công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, với Đề án số 06: “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”.
Về quy mô, toàn tỉnh Lào Cai hiện có 612 trường, với 1.360 điểm trường, 8.178 nhóm/lớp, 221.727 học sinh, trong đó: Mầm non 195 trường (13 trường MN ngoài công lập), 2.321 nhóm/lớp, 58.857 trẻ (tăng 426 trẻ); Tiểu học 183 trường, 3.540 lớp, 83.808 học sinh; THCS 188 trường, 1.686 lớp, 56.368 học sinh; THPT 36 trường, 534 lớp, 20.705 học sinh; Trung tâm GDNN-GDTX 10 trung tâm với 79 lớp, 2.660 học viên; 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô đào tạo bình quân 13.000 người/năm, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp: 2700 người, đào tạo sơ cấp và bồi dưỡng thường xuyên 10.300 người; 100% xã,phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng.
Ngành giáo dục Lào Cai thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo nhiệm vụ dạy và học.
Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động giáo dục, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ GDĐT; sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, ngành GD&ĐT với nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm cao của toàn đội ngũ gần 17.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tỉnh, đã hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 với những kết quả rất đáng khích lệ.
Theo đó, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 30%; mẫu giáo đạt 97% (riêng 5 tuổi đạt 99,9%); trẻ 6-10 tuổi đạt 99,8% (riêng 6 tuổi đạt 99,9%); 11-14 tuổi đạt 99%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 98,2%. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,49%. Phân luồng học sinh sau THCS hằng năm có trên 78% học sinh tốt nghiệp THCS học THPT, 13% số học sinh đi học nghề; chú trọng công tác hướng nghiệp THPT nên tỷ lệ học sinh học Đại học giảm 8% (từ 29% xuống 21% so với năm 2015), số học sinh học nghề tăng, tỷ lệ này có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội việc làm cho học sinh, sinh viên.
Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt từ vùng thấp, đến vùng cao. Trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục tăng (390 trường, đạt 64,7%); chủ động, tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 30%; mẫu giáo đạt 97% (riêng 5 tuổi đạt 99,9%); trẻ 6-10 tuổi đạt 99,8% (riêng 6 tuổi đạt 99,9%); 11-14 tuổi đạt 99%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 98,2%. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,49%. Phân luồng học sinh sau THCS hằng năm có trên 78% học sinh tốt nghiệp THCS học THPT, 13% số học sinh đi học nghề; chú trọng công tác hướng nghiệp THPT nên tỷ lệ học sinh học Đại học giảm 8% (từ 29% xuống 21% so với năm 2015), số học sinh học nghề tăng, tỷ lệ này có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội việc làm cho học sinh, sinh viên.
Trong đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỉnh Lào Cai có 333 bài thi đạt điểm 10.
Các nhà trường trong tỉnh chú trọng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống, lý tưởng, hoài bão cho học sinh, gắn giáo dục hội nhập với việc gữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và nghiên cứu khoa học; kết quả là: Thi THPT Quốc gia hằng năm đạt kết quả cao và ổn định, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2020 đạt 99,37% (toàn quốc 98,34%), điểm trung bình thi toàn tỉnh đạt 6,31 điểm xếp thứ 28/63, chênh lệch điểm trung bình môn trong học bạ so với điểm thi đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ nhất trong khối thi đua, trong top đầu thuộc các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc (chênh lệch ít). Thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021, Lào Cai có 48 học sinh đạt giải (Nhì: 09; Ba: 17; KK: 22); có 01 học sinh được lọt vào vòng dự tuyển tham gia dự thi Quốc tế. Thi nghiên cứu khoa học (NCKH) kỹ thuật cấp quốc gia, tiếp tục khẳng định là tỉnh trong top đầu, năm 2021 có 02/02 dự án tham gia đều đoạt giải (01 giải Nhất và 01 giải Nhì), là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Lào Cai giành được giải cao, trong đó 01 giải nhất được Bộ GD&ĐT chọn thi NCKH Quốc tế và đạt giải 3 chuyên đề do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trao, 01 giấy chứng nhận do Hiệp hội thống kê Hoa Kỳ trao (đoàn Việt Nam đạt 02 giải Ba: 01 giải chuyên đề thuộc dự án của học sinh Lào Cai, 01 giải cuộc thi thuộc dự án học sinh Bắc Ninh). Dự giải Tackwondo toàn quốc năm học 2019-2020, đoàn học sinh Lào Cai đạt giải nhì toàn đoàn (06 Huy Chương Vàng, 06 Huy Chương Bạc, 03 Huy Chương Đồng)... Đó là những thành tích đáng tự hào trong điều kiện của một tỉnh vùng cao còn không ít khó khăn.
Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cơ sở vật chất trường, lớp học được ưu tiên đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa; trường, lớp học sạch, đẹp, từng bước hiện đại từ vùng thấp, đến vùng cao, thôn, bản. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đã đạt 74,5% (tăng 10,5% so với năm 2015), cơ bản đảm bảo học 2 buổi/ngày. Giai đoạn 2016-2020, Lào Cai đã đầu tư xây dựng đủ nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú; nhà vệ sinh, nhà tắm cho học sinh, xóa xong phòng học tạm, cơ bản đáp ứng nhu cầu ở thời điểm hiện tại và xây dựng các chính sách cho phát triển sự nghiệp giáo dục, với tổng kinh phí là 3.948 tỷ đồng.
Ngành GD&ĐT Lào Cai đã phát triển mạnh giáo dục dân tộc (GDDT). Nhờ vậy, 100% các trường PTDT nội trú có cấp THPT; có 134 trường PTDT bán trú; công tác GD&ĐT ở mảng này có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, nhất là công tác quản lý nội trú, bán trú đã đi vào nền nếp theo mô hình “một ngày bán trú”, “bán trú tự quản” “Nội trú, bán trú gắn với hướng nghiệp dạy nghề. Hệ thống các trường này thực sự trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao.
Học sinh trường THPT số 1 Bảo Thắng thể dục giữa giờ nâng cao sức khỏe.
Năm học 2021-2022 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngành GD&ĐT Lào Cai có nhiệm vụ: Giáo dục chính trị, tư tưởng và đẩy mạnh tuyên truyền, thi đua; Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ; Tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, phát triển quy mô giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh; Củng cố kết quả, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và hoàn thành chỉ tiêu xóa mù chữ đảm bảo chất lượng thực chất, không tái mù; Đẩy mạnh công tác giáo dục dân tộc; Xác định đúng lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia theo từng năm, giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Toàn ngành đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các hoạt động Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai…Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học ý nghĩa này, tạo thêm tiền đề cho sự phát triển với quy mô và chất lượng cao hơn của những năm tiếp theo./.