18/11/2024 lúc 21:36 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang: Nỗ lực gánh trọng trách dẫn dắt nền kinh tế địa phương

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trước trọng trách lớn lao này, Ngành NHNN Chi nhánh Tiền Giang đang nỗ lực tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng, đồng hành cùng người dân – doanh nghiệp để xây dựng tỉnh nhà ngày càng hiện đại, văn minh.
Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư các công trình trọng điểm góp phần đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: DUY NHỰT

Đi đúng hướng

Thời gian qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang vẫn nêu cao tinh thần phát huy tối đa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể như ông Nguyễn Văn Nhựt – Phó Giám đốc NNNH Chi nhánh Tiền Giang chia sẻ, đến cuối năm 2021, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 79.489 tỷ đồng, tăng 3.641 tỷ so với cuối năm 2020. Xét về quy mô, huy động vốn của tỉnh đứng hàng thứ 2/12, tốc độ tăng trưởng đứng hàng thứ 7/12 tỉnh vùng ĐBSCL (trừ Thành phố Cần Thơ). Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thực hiện là 71.880 tỷ, đạt 99,81% kế hoạch, với 1.173.488 khách hàng còn dư nợ, dư nợ tăng 7.578 tỷ so với cuối năm 2020, tỷ lệ tăng 11,78%; hệ thống TCTD đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 1.833.765 lượt khách hàng vay vốn trong năm với doanh số cho vay lũy kế đạt 125.913.302 tỷ đồng; quy mô dư nợ của tỉnh đứng hàng thứ 5/12 tỉnh vùng ĐBSCL. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,05%, giảm 0,2% so với cuối năm 2020....

Đặc biệt, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Ngành trong năm qua đó là quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến cuối năm 2021, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho 6.974 khách hàng, với giá trị nợ gốc và lãi đạt 2.374 tỷ đồng. Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục lại SXKD với DSCV lũy kế khi phát sinh dịch COVID-19 là 264 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã đóng góp cho ASXH, công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền là 19 tỷ 521 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngành cũng đã hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn vào thời điểm cao nhất trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 03/2020 là 2.306 tỷ đồng, chiếm 4% dư nợ toàn tỉnh.

Không chỉ vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT), thì người nông dân là đối tượng luôn được Ngành chú trọng, dành những chính sách ưu đãi tạo điều kiện phát triển (bởi tỉnh Tiền Giang có 85,7% dân số sinh sống tại nông thôn). Bằng nhiều chính sách thiết thực điển hình là khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông thôn như chấp hành nghiêm túc LSCV ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực NNNT (hiện nay tối đa là 4,5%/năm); từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân... Ngoài ra, NHNN tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp, khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để người dân nhất là các hộ tại vùng nông thôn được tiếp cận vốn và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất... “Từ đồng vốn tín dụng mà người nông dân có điều kiện để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh. Nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung trong tỉnh nhờ đó đã hình thành trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng vùng như vùng lúa dinh dưỡng có giá trị cao, vùng khóm ở Tân Phước, vùng cá dọc sông Tiền, vùng trái cây xoài, mãng cầu xiêm, măng cụt, sầu riêng, bưởi ở Cái Bè, vùng công nghiệp, vùng hoa màu vùng ven thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành” - ông Nguyễn Văn Nhựt bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc NHNN tỉnh Tiền Giang

Nỗ lực kết nối

Trong năm 2021, NHNN tỉnh cũng đã phân công các ngân hàng phụ trách hỗ trợ 16 xã xây dựng NTM, thực hiện hỗ trợ về vốn vay và ASXH với tổng số tiền đăng ký là 493,59 tỷ đồng. Kết quả, các ngân hàng đã hỗ trợ 421,28 tỷ đồng dư nợ và hỗ trợ cho công tác ASXH là 284 triệu đồng, đạt 85,41% kế hoạch. Quy mô dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng liên tục qua các năm từ mức 12.082 tỷ đồng cuối năm 2015 lên mức 33.905 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng gấp 2,8 lần (chiếm 47% dư nợ cho vay toàn tỉnh). Nguồn vốn tín dụng tăng sự gắn kết giữa các hội đoàn thể với người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM, đóng góp tích cực giúp các xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch của tỉnh.

Bên cạnh đó, vấn đề kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp luôn được Ngành chú trọng để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, NHNN tỉnh Tiền Giang là một trong những tỉnh đầu tiên vùng ĐBSCL thành lập website riêng của ngành Ngân hàng tỉnh (theo địa chỉ tiengiangbank.vn). Nhờ những giải pháp thiết thực trên mà đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1.830 doanh nghiệp đang vay vốn (chiếm 30% trong tổng số 6.061 doanh nghiệp đang hoạt động) với dư nợ đạt 23.080 tỷ, chiếm 32% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV là 11.315 tỷ, chiếm 49% dư nợ doanh nghiệp.

Trước những thành công gặt hái được, ông Nguyễn Văn Nhựt nhấn mạnh thời gian tới Ngành sẽ tiếp tục chú trọng vào những yếu tố trọng tâm để tự tin gánh trọng trách dẫn dắt nền kinh tế. Trong đó bao gồm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số; nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với các TTHC liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp theo sự hướng dẫn của NHNNVN. Cũng như theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với NHNN để giải quyết các vấn đề liên quan. "Chi nhánh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Lãnh đạo NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ, hợp tác của tập thể lãnh đạo và CBCC Chi nhánh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bản thân Ngành sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đem hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết cùng tập thể Chi nhánh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn; quyết tâm xây dựng ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không ngừng lớn mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương" – ông Nguyễn Văn Nhựt nhấn mạnh./.

Trí Đức - Hoàng Châu