03/05/2024 lúc 01:13 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng CSXH Huyện Thanh Chương: Xây dựng Thương hiệu bằng niềm tin và trách nhiệm

VNHN - Mười lăm năm qua, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận lợi trong việc tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tiết giảm chi phí, đảm bảo công khai, thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và của các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực thi tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Chương đã không ngừng mở rộng mạng lưới Điểm giao dịch phục vụ nhân dân tại UBND các xã, thị trấn.

VNHN - Mười lăm năm qua, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận lợi trong việc tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tiết giảm chi phí, đảm bảo công khai, thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và của các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực thi tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Chương đã không ngừng mở rộng mạng lưới Điểm giao dịch phục vụ nhân dân tại UBND các xã, thị trấn.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã thành lập được 40 điểm giao dịch tại 40 xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch, thời gian và ngày làm việc được quy định cụ thể, cố định trong tháng, giúp ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như người dân tại địa phương chủ động sắp xếp thời gian đến giao dịch mọi công việc như vay vốn, trả nợ,  gửi tiền tiết kiệm… Nhờ vậy, khách hàng chỉ cần đến điểm giao dịch vào đúng ngày trực sẽ được phục vụ chu đáo và nhanh chóng. Tại buổi trực giao dịch, cán bộ Ngân hàng được phân công theo dõi địa bàn sẽ tổ chức họp giao ban giữa Ngân hàng, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn… nhằm đánh giá kết quả thực hiện tín dụng chính sách trong tháng, những khó khăn cần tháo gỡ, những tồn tại cần khắc phục; đồng thời triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo, lồng ghép tuyên truyền phổ biến những chủ trương, chính sách mới về tín dụng; lắng nghe và giải đáp các ý kiến vướng mắc…

Thời gian đầu khi mới hình thành, Ngân hàng CSXH huyện chỉ thực hiện hai chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, còn dư nợ chủ yếu là nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Kho bạc Nhà nước. Đến nay, NHCSXH huyện Thanh Chương đã thực hiện có hiệu quả 15 chương trình tín dụng, đó là: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, cho vay Giải quyết việc làm, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, cho vay các đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ- TTg, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay phát triển ngành lâm nghiệp, cho vay làm chòi tránh lũ, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay trồng rừng… Qua 15 năm nỗ lực hoàn thiện mô hình hoạt động, NHCSXH huyện Thanh Chương ngày càng thể hiện rõ vai trò là một công cụ tích cực giúp UBND huyện thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn huyện hiện có trên 80 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH huyện. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 11 nghìn lượt hộ vượt ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho 1.425 lao động, 490 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có cơ hội đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36 nghìn lượt học sinh sinh viên có điều kiện được vay vốn để đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề; góp phần đầu tư xây dựng trên 12 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn; góp phần xóa 748 nhà tranh tre dột nát, xây mới nhà cho hộ nghèo; xây 20 ngôi nhà tránh bão lũ… Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện còn tham gia nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân ủy thác thực hiện. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện tính đến cuối tháng 9/2017 đạt hơn 565 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Qua 15 năm hoạt động, bằng sự nỗ lực của mình, đơn vị đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trao tặng nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Có được những thành công đó, một phần quan trọng là do NHCSXH huyện Thanh Chương ngày càng hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý phù hợp, sát với thực tiễn. Trong đó, điểm mấu chốt là phương thức ủy thác tín dụng thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội; giao dịch tại xã và hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận các thôn xóm. Bà Trần Thị Mai Hạnh - Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Chương chia sẻ: “Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ làm tín dụng mà còn tư vấn, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các vấn đề giảm nghèo khác. Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tương trợ và giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh, được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH huyện đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ liên quan bị thu hồi đất nông nghiệp được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống; hàng ngàn hộ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được vay vốn học tập, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”.

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là những đối tượng chính sách là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành. Nhưng với những gì mà Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã làm được trong thời gian qua, đã và đang giúp người dân còn nhiều khó khăn trong huyện từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững./.