VNHN - Email bị "hack" nên nhiều doanh nghiệp không biết thông tin người hưởng trên hóa đơn đã bị thay đổi và chuyển tiền nhầm cho tội phạm.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cảnh báo, gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp chuyển tiền cho đối tác nước ngoài không đúng người thụ hưởng. Nguyên nhân là các đơn vị này bị hacker xâm nhập trái phép email để thay đổi thông tin người hưởng trên các chứng từ giao dịch.
Hacker thường yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ và Anh
Sau đó, các doanh nghiệp này cũng yêu cầu Vietcombank hỗ trợ đòi tiền từ ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết, khả năng đòi được tiền đối với giao dịch bị hack email là rất thấp do hacker thường rút tiền ra khỏi tài khoản ngay khi nhận được tiền hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp của ngân hàng nước ngoài.
Các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm: hacker sửa nội dung hợp đồng ký qua email, giả mạo email để thay đổi thông tin người nhận, sửa thông tin người hưởng trên hóa đơn hoặc chèn thông tin người hưởng giả trên hóa đơn.
Hacker thường yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới các thị trường như Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ và đặc biệt là Anh.
Để ngăn chặn rủi ro, Vietcombank đã cảnh báo, khách hàng cần chú ý 6 dấu hiệu lừa đảo trong giao dịch với các đối tác nước ngoài bằng hình thức này. Thứ nhất, hợp đồng, các giao dịch liên quan đến thực hiện hợp đồng như thông báo giao hàng, hóa đơn đòi tiền, thương lượng… đều làm qua email. Trong khi, bên xuất khẩu và bên nhập khẩu không xác nhận giao dịch bằng các hình thức liên lạc khác.
Thứ hai, đối tượng hacker hướng tới chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty có tính bảo mật, an toàn trong hệ thống quản trị mạng chưa cao hoặc thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email.
Thứ ba, người hưởng không phải bên xuất khẩu. Thứ tư, thông tin thanh toán đột ngột thay đổi. Thứ năm, bên xuất khẩu không đề cập đến thay đổi thông tin người hưởng nhưng trên hóa đơn đòi tiền lại ghi thông tin người hưởng khác với thông tin trên hợp đồng. Cuối cùng là địa chỉ quốc gia của người hưởng khác với ngân hàng hưởng.
Do đó, người dùng cần xem xét cẩn thận tất cả email và cảnh giác với các email yêu cầu chuyển khoản để kiểm tra sự khác thường. Đồng thời, cần xác minh bất kỳ thay đổi nào trong chỉ thị thanh toán của đối tác. Trường hợp nghi ngờ giả mạo, khách hàng cần liên hệ ngay với đối tác bằng kênh thông tin tin cậy khác để xác thực thông tin.
Ngoài ra, với các đối tác mới làm ăn, khách hàng có thể tham khảo thông tin từ các ngân hàng hoặc các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế qua trang web của các tổ chức này.
Hồi đầu tháng này, Vietcombank cùng BIDV cũng đã cảnh báo khách hàng về các trang web giả mạo thông tin. Gần đây, trên mạng xuất hiện nhiều trang web giả mạo các ngân hàng để lừa khách hàng đăng nhập, nhằm đánh cắp thông tin đăng ký các dịch vụ Ngân hàng điện tử./.